Tên Của Đóa Hồng
Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Chương 6: KINH TỐI
William và Adso hân hoanđón nhận sự hiếu khách nồng nhiệt
của Tu viện trưởng
và cuộc đàm thoại giận dữ với Jorge
Nhà ăn được thắp sáng nhờ những ngọn đuốc lớn. Các tu sĩ ngồi quanh dãy bàn tròn. Bàn của Tu viện Trưởng cao hơn hẳn, được đặt trên một bệ thẳng góc với dãy bàn của các tu sĩ. Phía đối diện là bục giảng kinh, và vị tu sĩ sẽ đọc kinh trong bữa ăn tối nay đã có mặt tại chỗ. Tu viện trưởng đang đợi chúng tôi tại bồn nước nhỏ, với một tấm vải trắng để lau tay chúng tôi sau lễ rửa tay, theo lời chỉ bảo xa xưa của Thánh Pachomius.
Tu viện trưởng mời thầy William về bàn mình và bảo tối nay tôi cũng được hưởng đặc quyền này, vì chính tôi cũng là một người khách mời, cho dù tôi chỉ là một tu sĩ dòng Benedict. Cha bảo, vào những ngày sau, tôi phải ngồi với các tu sĩ hoặc nếu tôi bận công việc gì cho thầy tôi, thì có thể tạt vào nhà bếp trước hoặc sau bữa ăn, các đầu bếp sẽ lo bữa cho tôi. Những tu sĩ bấy giờ đang đứng bất động tại bàn ăn, mũ trùm đầu sụp xuống mặt và tay của họ ẩn trong áo dòng. Khi Tu viện trưởng đến bàn của mình và cất tiếng “Xin Chúa ban phước lành”, từ bục giảng, người lĩnh xướng bèn ngâm hoạ theo: “Những kẻ nghèo đói được ăn uống”. Tu viện trưởng làm phép và mọi người ngồi xuống.
Nội quy của vị thánh tổ của chúng tôi qui định phải dùng bữa thanh đạm, nhưng cho phép Tu viện trưởng định xem các tu sĩ thực sự cần một lượng thực phẩm bao nhiêu. Tuy nhiên, các tu viện ngày nay đã để ý đến thú ăn uống nhiều hơn. Tôi không muốn đến những tu viện mà chẳng may đã biến thành những khu tạp thực; nhưng ngay cả các tu viện theo lối khổ hạnh cũ cũng đã cung cấp cho các tu sĩ, những người hầu như phải luôn lao động bằng trí óc một cách căng thẳng, một lượng thực phẩm bổ dưỡng chứ không quá đạm bạc. Mặt khác, trên bàn của Tu viện trưởng bao giờ cũng có thực phẩm đầy chất bổ dưỡng hơn, một phần vì các khách quý thường ngồi đây, và các tu viện đều tự hào về những thành phẩm từ những bàn tay và đất đai của nó, và về tài năng của các đầu bếp.
Các tu sĩ lặng lẽ dùng bữa, và như thường lệ, họ nói chuyện với nhau bằng tín hiệu tay. Tu sinh và các tu sĩ trẻ được dọn ăn đầu tiên, ngay sau khi bàn Tu viện trưởng đã được phục vụ.
Cùng ngồi ăn tại bàn Tu viện trưởng với chúng tôi có Malachi, tu sĩ quản hầm, và hai vị tu sĩ cao niên khác: Jorge – tu sĩ mù đáng kính tôi đã gặp tại phòng thư tịch, và Alinardo - một con người cổ kính, gần như đã trăm tuổi, bị tật ở chân, yếu đuối và đã lú lẫn. Tu viện trưởng kể cho chúng tôi nghe rằng khi đến tu viện từ thuở còn là tu sinh, Alinardo đã sống bám trụ mãi ở đây và thuộc lòng gần 80 năm lịch sử của nó. Tu viện trưởng thầm thì nói những điều này vào lúc đầu bữa ăn, vì sau đó ông yên lặng theo dõi bài đọc kinh theo lệ của dòng tu. Nhưng, như tôi đã nói, tại bàn Tu viện trưởng, thực khách được tự do hơn, nên khi ông tán dương chất lượng dầu ô-liu hay rượu vang, chúng tôi bèn ca ngợi các món ăn được dọn ra.
Chúng tôi ăn thịt heo nướng, vừa mới giết, và tôi nhận ra, khi nấu các món ăn khác, họ không dùng mỡ động vật hay dầu cải mà dùng dầu ô-liu hảo hạng, được sản xuất từ các vùng đất của tu viện ở chân núi phía gần biển. Tu viện trưởng ép chúng tôi nếm món thịt gà tôi đã thấy làm ở nhà bếp khi nãy. Tôi trông thấy ông cũng có một chiếc nĩa kim loại thứ rất hiếm, hình dáng nó khiến tôi nhớ đến chiếc mắt kính của thầy tôi. Là một người dòng dõi quí tộc, Viện trưởng không muốn thức ăn làm bẩn tay, và mời chúng tôi sử dụng chiếc nĩa của ông, ít ra cũng để xăm thịt từ chiếc đĩa lớn sang vào bát mình. Tôi từ chối, nhưng thầy William lại hoan hỉ nhận lời, và sử dụng món đồ của các bậc quý tộc với vẻ thờ ơ, có lẽ để cho Tu viện trưởng thấy rằng không phải tất cả các tu sĩ dòng Francisco đều ít học và quê mùa.
Vì mải thưởng thức tất cả các món ăn ngon này, tôi đã chẳng để tâm đến bài đọc kinh mà từ nãy giờ vẫn tiếp diễn một cách thành kính. Giọng Jorge nồng nhiệt tán đồng khiến tôi nhớ đến bài kinh và tôi nhận ra đã đến đoạn trong đó luôn luôn luôn có đọc một chương giáo điều. Tôi hiểu tại sao Jorge lại tán đồng như vậy, vì chiều nay tôi đã nghe ông nói chuyện. Tu sĩ đang đọc: “Hãy theo gương của nhà tiên trì, người đã nói: Ta đã quyết sẽ cẩn trọng không để miệng mình phạm tội, ta đã khoá miệng mình và hoá câm, để tự hạ mình, đã nén không nói, dù là nói những điều ngay thực. Và nếu trong đoạn này, nhà tiên tri đã dạy chúng ta rằng đôi khi vì tình yêu quý sự yên lặng, chúng ta phải nén lòng đừng nói, dù là nói về điều đúng đắn, thì chúng ta càng phải nên kiềm chế không nói đến những điều không đúng đắn nhiều hơn nữa, để tránh bị tội lỗi này trừng phạt!”. Rồi ông tiếp tục – “Nhưng chúng ta mãi mãi không cho phép nói những lời thô tục, nhảm nhí, đùa cợt, ở bất cứ nơi nào, và sẽ không để các tông đồ mở miệng nói những điều như vậy”.
- Điều này dành cho các trang ghi chú ngoài lề mà chúng ta đã tranh luận chiều nay, - Jorge ôn tồn bình luận – John Chrysostom đã nói rằng Chúa không bao giờ cười.
- Chẳng có gì trong tính nhân bản của Ngài cấm kỵ việc đó cả, - thầy William lên tiếng, - vì như các nhà thần học đã dạy: nụ cười rất thích hợp với con người.
- Người ta có thể cười, nhưng chẳng có sách vở nào ghi rằng con người đã cười, - Jorge nói, trích dẫn lời nói của Petrus Cantor.
- “Hãy ăn đi, thức ăn đã chín rồi,” - thầy Wiliam thì thầm.
- Cái gì? – Jorge hỏi, nghĩ rằng thầy tôi đang nói đến một món ăn nào đó đang được dọn lên.
- Theo Ambrose, đó chính là lời Thánh Lawrence đã nói khi người mời bọn xử giảo đến bắt mình; lòng dạ người lúc ấy bồn chồn như ngồi trên lửa, như Prudentius cũng đã kể lại trong quyển “Peristephanon” (1).
Thầy William nói với vẻ thánh thiện – Do đó, Thánh Lawrence đã biết cách cười và nói những điều nhố nhăng, dù làm như vậy để nhục mạ kẻ thù của ông đi nữa.
- Điều đó chứng minh tiếng cười là một thứ rất gần với cái chết và sự suy đồi của cơ thể - Jorge sừng sộ đáp, và tôi phải công nhận ông nói như là một nhà lôgíc.
Ngay lúc đó, Tu viện trưởng hoà nhã yêu cầu chúng tôi giữ yên lặng. Dẫu sao thì cũng sắp xong bữa. Tu viện trưởng đứng dậy và giới thiệu thầy William với các tu sĩ. Ông ca ngợi trí tuệ thầy tôi, tán dương danh tiếng của thầy và báo cho mọi người hay rằng ông đã yêu cầu vị khách quý điều tra về cái chết của Adelmo; ông khuyến khích các tu sĩ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của thầy và chỉ thị cho tất cả các người giúp việc trong toàn tu viện cũng phải làm như vậy.
Ăn xong, các tu sĩ chuẩn bị lên khu hát kinh dự Kinh Tối. Họ lại hạ mũ xuống mặt, và đứng xếp hàng tại cửa. Rồi họ nối đuôi thành một hàng dài, băng qua nghĩa trang, và đi vào khu hát kinh bằng lối cửa Bắc.
Chúng tôi cùng đi với Tu viện trưởng. Thầy William hỏi ông: - Phải chăng, đây là giờ đóng các cửa của toà Đại dinh?
- Ngay sau khi các người giúp việc lau chùi xong phòng ăn và nhà bếp. Quản thư viện sẽ đích thân đóng tất cả các cửa và gài then bên trong.
- Then gài từ bên trong ư? Thế Huynh ấy ra bằng cửa nào?
Tu viện trưởng trừng trừng nhìn thầy William một lúc.
- Chắc chắn là Huynh ấy không ngủ trong nhà bếp. – Tu viện trưởng hằn học nói, rồi bắt đầu rảo bước.
Thầy William thì thầm với tôi: - Tốt lắm, như thế chắc chắn còn một cánh cửa khác nữa, nhưng chúng ta không được phép biết đến – Tôi mỉm cười, hãnh diện về tài suy luận của thầy, nhưng thầy mắng:
- Chớ cười! Như con thấy đó, ở đây người ta không ưa tiếng cười.
Chúng tôi tiến vào khu hát kinh. Một ngọn đèn đang cháy sáng rực trên giá ba chân bằng đồng, cao to bằng hai chân người. Các tu sĩ lặng lẽ đi về chỗ mình.
Tu viện trưởng ra hiệu và người xướng ngôn ngâm: “Cầu Chúa ban tình thương cho chúng con”. Tu viện trưởng đáp: “Nhân danh Chúa, chúng con ngợi ca”, và mọi người đồng thanh tiếp lời “Chúa tạo ra trời đất”. Thế rồi bản Thánh ca cất lên: “Khi con kêu gọi Chúa đáp lời, ôi Chúa công minh, con xin thành tâm tạ ơn Chúa, xin Chúa đến ban ơn cho toàn thể tôi tớ của Ngài”.
Chúng tôi không ngồi vào ghế mà lùi vào gian chính của nhà thờ. Tại đó, chúng tôi đột nhiên thấy Malachi từ nhà nguyện tối tăm bên cạnh bước ra. Thầy William bèn bảo tôi:
- Để ý chỗ đó. Có thể có một con đường dẫn đến toà Đại dinh.
- Dưới nghĩa trang à?
- Sao lại không? Thật ra, giờ thầy nghĩ hẳn phải có một lò thiêu ở đâu đó. Họ không thể chôn cất tất cả các tu sĩ chết hàng bao thế kỷ nay trong một khoảng đất nhỏ thế được.
- Nhưng thầy thực tâm muốn đột nhập thư viện vào ban đêm ư?
- Nơi có những linh hồn tu sĩ và rắn rít, và ánh sáng huyền bí, phải không, Adso? Không đâu, con ạ. Hôm nay thầy nghĩ đến hành động đó, không phải vì hiếu kỳ đâu, mà vì thầy đang xem xét vấn đề Adelmo đã chết như thế nào. Bây giờ, như thầy đã nói với con, thầy có khuynh hướng giải thích một cách khoa học hơn, và sau khi xem xét mọi việc, thầy nghĩ nên tôn trọng luật lệ của nơi này.
- Thế tại sao thầy muốn biết?
- Vì sự học hỏi không chỉ bao gồm hiểu biết điều thầy phải hay có thể làm, mà còn bao gồm cả sự hiểu biết điều thầy sẽ có khả năng làm nhưng có lẽ không nên.
Chú thích:
(1) (Hy Lạp) Luận về việc Đăng Quang.
0 nhận xét:
Post a Comment