Tên Của Đóa Hồng
Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Chương 20: ĐÊM - 3
Adso đau khổ xưng tội với thầy William,
suy ngẫm về thân phận đàn bà
trong công cuộc tạo hóa.
Sau đó cậu phát hiện ra một tử thi.
Tôi tỉnh dậy thấy có người đang dấp nước lên mặt tôi. Đấy là thầy William, tay cầm đèn. Thầy đã kê dưới đầu tôi một vật gì đó.
- Chuyện gì thế, Adso? Ban đêm con đi lang thang ăn cắp đồ lòng trong nhà bếp à?
Tóm lại, thầy William thức dậy, tìm không thấy tôi bèn nghi tôi sắp thực hiện một việc liều lĩnh nào đó trong Thư viện. Khi men theo nhà bếp về phía Đại dinh, thầy thấy một bóng đen thoát ra khỏi cửa, chạy về phía vườn rau (chính là cô gái đang bỏ trốn, có lẽ vì nàng nghe có người đến). Thầy cố muốn biết đó là ai, liền chạy theo, nhưng bóng đen đã lao về phía bức tường ngoài và biến dạng. Sau khi lục soát mọi nơi, thầy William vào nhà bếp và thấy tôi đang ngất xỉu.
Vẫn còn hoảng sợ, tôi nói với thầy về cái bọc chứa quả tim và lúng búng suy diễn thêm về một án mạng khác thì thầy phá lên cười:
- Adso ơi, ai lại có trái tim to như thế? Đó là tim bò. Hôm nay, họ có mổ một con. Làm sao con có quả tim này?
Đến đây, lòng tràn đầy ăn năn và sợ hãi, tôi òa lên khóc và xin thầy làm phép xưng tội. Thầy nhận lời và tôi thú hết, không giấu gì cả.
Thầy William lắng nghe tôi xưng tội từ đầu đến đuôi, lộ vẻ khoan dung. Khi tôi thú xong, thầy nghiêm nghị bảo:
- Adso, quả thật con đã phạm tội ngược lại điều răn cấm giao hợp, và cũng ngược lại với bổn phận của một tu sinh. Con chỉ có một lý do để bào chữa là con đã rơi vào một tình huống mà ngay cả thánh cũng phạm tội. Thánh kinh đã nói nhiều về tội cám dỗ của đàn bà. Hàng Giáo phẩm đã nói: đàn bà như lửa cháy, còn sách cách ngôn, trong kinh Cựu ước có viết: đàn bà chiếm lấy linh hồn quý giá nhất của đàn ông và làm hư hỏng những con người mạnh mẽ nhất… Điều thầy muốn nói với con, Adso ạ, là đương nhiên con không được phép tái phạm nữa, nhưng nếu con đã lỡ phạm tội thì cũng không đến nỗi gớm ghiếc lắm đâu. Một tu sĩ cũng nên trải nghiệm qua đam mê xác thịt, ít nhất là một lần trong đời, để về sau, có thể khoan dung và thông cảm với những kẻ phạm tội mà mình sẽ an ủi và khuyên nhủ… thế đấy, Adso ạ, đó là việc ta không mong cầu trước khi nó xảy ra, nhưng nếu nó đã lỡ rồi thì chớ nên nguyền rủa nó quá. Thế nên hãy đến với Chúa và đừng bàn thêm gì về việc ấy nữa. Chớ nên suy nghĩ, đeo đẳng mãi một việc mà ta nên quên… - Đến đây, giọng thầy như dịu xuống vì một xúc cảm riêng. – Nếu có thể, hãy bàn xem sự kiện đêm qua có ý nghĩa gì? Cô gái ấy là ai và đến đây để gặp người nào?
- Con không biết, con không trông thấy người ở bên nàng.
- Đúng, nhưng chúng ta có thể suy từ nhiều dữ kiện chắc chắn để biết kẻ ấy là ai. Thứ nhất, kẻ ấy phải già và xấu, một người mà cô gái không hoan hỉ đến gần, đặc biệt, nếu như cô ta đẹp như con tả, dù thầy nghĩ rằng con sói nhỏ của thầy ăn món gì cũng thấy ngon cả.
- Tại sao lại già và xấu hở thầy?
- Vì cô gái không đến với kẻ ấy vì tình yêu mà vì một gói thức ăn thừa. Cô ta hẳn là một thôn nữ, vì đói đã đến đây, có lẽ không phải là lần đầu, để bán thân cho tu sĩ dâm dục nào đó để đổi lấy miếng ăn cho bản thân và gia đình.
- Một gái điếm à! - tôi hoảng sợ kêu lên.
- Một gái quê nghèo thôi, Adso ạ. Có lẽ cô ấy còn đàn em thơ phải nuôi. Một cô gái, mà nếu có điều kiện, sẽ dâng hiến cho tình yêu chớ không phải dục vọng, như cô đã làm đêm nay vậy. Quả thực, con đã kể rằng nàng bảo con trẻ đẹp, và vì tình yêu đã tặng không con cái mà cô ta có thể dùng để đổi lấy một quả tim hay vài cái phổi bò. Cô ta cảm thấy cao cả và đạo đức vì món quà mà mình đã tự hiến quá, đến nỗi bỏ chạy mà chẳng lấy theo thứ gì để đổi chác cả. Do đó, thầy mới nghĩ rằng người mà cô ấy đã so sánh với con không thể trẻ và đẹp trai được.
Tôi thú thật rằng dù lòng rất đỗi ăn năn, lời thầy giải thích vừa rồi khiến tôi vô cùng tự hào. Tôi yên lặng nghe thầy nói tiếp:
- Tu sĩ già nua, xấu xí ấy phải có cơ hội xuống làng tiếp xúc với nông dân vì một công việc gì liên quan đến chức vụ của mình. Hắn phải biết cách đưa người ra vào tu viện, và biết trong nhà bếp có bộ đồ lòng ấy. Cuối cùng, hắn hẳn phải có tính tiết kiệm, không muốn nhà bếp mất đi những thức ăn bổ béo hơn: nếu không, hắn đã đưa cho cô gái một miếng thịt bíp-tếch hay một miếng thịt nào ngon lành đã lọc lựa. Thế là con thấy hình ảnh của một người lạ mặt hiện lên rất rõ, và tất cả những đặc tính này đều thích hợp với một người mà thầy chẳng ngại ngần chi mà không định tên: Đó là viên quản hầm Remigio của chúng ta. Còn nếu ta lầm, đó là con người bí ẩn Salvatore, người xuất thân từ địa phương này nên có thể nói chuyện dễ dàng với dân trong vùng và biết cách thuyết phục cô gái làm theo ý mình, nếu con không đến.
Tôi hài lòng nói: - Tất cả đều đúng cả, nhưng giờ đây chúng ta biết được kẻ đó thì có ích gì chăng?
- Không, có ích rất nhiều. Câu chuyện trên có thể có hay không có liên hệ với các án mạng mà chúng ta đang quan tâm. Mặt khác, nếu quản hầm là một tu sĩ dòng Dolcino, thì gốc gác của gã sẽ giải thích cho hành động này, và ngược lại. Cuối cùng, chúng ta biết được rằng tu viện này là nơi hay xảy ra nhiều biến cố kỳ quặc về đêm. Và ai có thể nói chắc rằng quản hầm của chúng ta, hay Salvatore, những kẻ đi lại dễ dàng trong tu viện vào ban đêm, lại không biết nhiều điều liên quan đến các biến cố, nhưng chưa nói ra?
- Họ sẽ kể cho chúng ta biết chứ?
- Không, nếu chúng ta thông cảm bỏ qua cái xấu của họ. Nhưng, nếu chúng ta thực sự muốn biết điều gì, chúng ta có cách thuyết phục họ nói. Nói khác đi, khi cần, quản hầm và Salvatore là những người ta có thể dùng, xin Chúa tha cho chúng con tội lừa lọc này, cũng như Ngài đã tha thứ nhiều tội khác nữa – Thầy tinh quái nhìn tôi, và tôi không có lòng dạ nào để bình luận các quan điểm đúng của thầy.
- Chúng ta nên về ngủ, vì còn một canh nữa là đến Kinh sớm. Nhưng Adso ạ, thầy thấy con vẫn còn ray rứt, sợ sệt vì tội lỗi của con… Chẳng có gì tốt hơn là vào nhà thờ cầu nguyện một lát để trấn an tinh thần. Thầy đã giải tội cho con, nhưng chưa chắc đã được. Hãy đến xin Chúa chứng nhận – Rồi thầy đánh nhẹ lên đầu tôi, có lẽ vừa tỏ lòng trìu mến cha con đầy cương nghị vừa trừng phạt rất khoan dung. Hay có lẽ, thầy thèm muốn được như tôi, vì thầy là con người khao khát những kinh nghiệm mới lạ và sống động.
Chúng tôi trực chỉ nhà thờ theo lối cũ. Tôi nhắm mắt vội vã theo thầy, vì đêm đó những bộ xương nhắc nhở tôi quá hiển nhiên về thân phận cát bụi của mình và niềm tự hào về xác thịt là ngu xuẩn biết bao.
Khi đến gian giữa của giáo đường, chúng tôi thấy một bóng người trước bàn thờ chính. Tôi tưởng đó là Ubertino, nhưng hóa ra lại là Alinardo. Thoạt tiên Huynh không nhận ra chúng tôi, Huynh nói không ngủ được nên định thức đêm để cầu nguyện cho một tu sĩ trẻ vừa mất tích (Huynh thậm chí cũng không nhớ tên). Huynh cầu nguyện cho linh hồn Huynh ấy, nếu đã chết và cho thân xác, nếu đang nằm bệnh hoạn, cô đơn đâu đó. Huynh nói:
- Nhiều người chết quá, nhiều quá… Nhưng điều này đã được ghi trong Phúc âm. Hồi kèn thứ nhất vang lên thì mưa đá đổ xuống. Hồi kèn thứ hai, một phần ba biển hóa máu. Các con đã tìm thấy một xác chết trong mưa đá, một xác khác trong máu… Hồi kèn thứ ba báo hiệu rằng, một ngôi sao bùng cháy sẽ rơi xuống phần thứ ba của sông hồ. Nầy nhé, người tu sĩ thứ ba của chúng ta đã mất tích. Hãy sợ cho người thứ tư, vì phần thứ ba của mặt trời, mặt trăng và tinh tú, sẽ bị đập nát và trời sẽ tối đen như mực…
Khi ra khỏi cánh ngang của nhà thờ, thầy William tự hỏi không biết trong lời tu sĩ già ấy có chứa đựng sự thực nào không? Tôi vạch rõ:
- Nhưng nói như thế có nghĩa là cho rằng đầu óc quỉ quyệt của kẻ nào đó đã theo lời sách Mặc khải để sắp xếp ba cái chết. Nói như thế cũng cho rằng Berengar đã chết! Nhưng ngược lại, chúng ta biết Adelmo đã tự tử chết...
- Đúng. Nhưng cái chết của Adelmo có lẽ đã gợi ý cho chính đầu óc quỷ quái, bệnh hoạn đó cách sắp xếp hai cái chết sau theo một biểu tượng nào đó. Nếu thế, người ta sẽ tìm thấy Berengar trong một con sông hay dòng suối. Còn trong tu viện thì không có sông, suối nào để người chết đuối cả…
- Chỉ có nhà tắm thôi, - Tôi bất thần nhận xét.
- Adso! Nè, đó có thể là ý hay đấy. Nhà tắm!
- Nhưng chắc họ đã tìm ở đó rồi…
- Sáng nay, thầy thấy các tôi tớ đi lùng kiếm, họ mở cửa phòng tắm nhưng chỉ liếc nhìn vào mà không xem xét kỹ lưỡng. Họ không nghĩ sẽ tìm thấy một vật được dấu kỹ, mà chỉ tìm kiếm một thây người nằm kệch cỡm ở đâu đó, như xác Venantius trong vại máu vậy… chúng ta đến đó xem đi. Trời còn tối, nhưng đèn chúng ta vẫn rạng lắm.
Thế là chúng tôi đi, ung dung mở cửa vào nhà tắm, cạnh bệnh xá.
Những tấm màn dày ngăn các bồn tắm với nhau, tôi không nhớ có bao nhiêu. Các tu sĩ tắm gội ở đây, còn Severinus dùng nó như một phương pháp trị liệu, vì không có gì bồi dưỡng thể xác và tinh thần tốt hơn đi tắm. Trong góc có xây một lò sưởi để dễ dàng đun nước. Trong lò có tro mới và phía trước là một nồi lớn nằm đổ nhào. Nước có thể lấy từ bồn ở góc kia.
Chúng tôi nhìn vào những bồn tắm trống đầu tiên. Chỉ có bồn tắm cuối cùng có kéo màn là đầy nước, cạnh bồn là một đống áo quần. Thoạt nhìn, dưới ánh đèn, mặt nước trông phẳng lì, nhưng khi đèn soi gần hơn, chúng tôi thoáng thấy một xác chết trần truồng dưới đáy bồn. Chúng tôi từ từ kéo xác ra: Berengar. Thầy William nói xác này quả thật có bộ mặt của người chết đuối. Mặt mũi chương phù. Thân hình trắng bệch và nhão nhẹt, không có lông, trông như thân thể một phụ nữ trừ bộ phận sinh dục gớm ghiếc ỉu sìu. Tôi đỏ mặt, rùng mình. Tôi làm dấu thánh giá còn thầy William làm phép trên xác.
0 nhận xét:
Post a Comment