468x1000 Ads

Truyện

TÊN CỦA ĐÓA HỒNG: KINH ĐẦU - 4

Tên Của Đóa Hồng
Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Chương 22: KINH ĐẦU - 4

William dụ Salvatore,

rồi đến viên quản hầm thú nhận quá khứ của mình,

Severinus tìm được cặp kính bị mất trộm,

Nicholas đem đến cặp kính mới,

Và William, với sáu con mắt,

giải mã bản viết của Venantius.

Khi chúng tôi đi ra thì Malachi bước vào. Huynh ấy dường như bực bội khi thấy chúng tôi ở đấy, nên ngoe nguẩy đi ngay. Severinus từ trong nhìn ra thấy Malachi, bèn hỏi:

- Có phải Huynh tìm tôi không? Có phải để…?

Huynh im bặt, liếc nhìn chúng tôi. Malachi khẽ ra hiệu cho Severinus, như muốn nói: “Chúng ta sẽ bàn chuyện đó sau….,”

Khi chúng tôi sắp bước ra thì Huynh ấy bước vào, nên cả ba đều đứng ở ngưỡng cửa.

Malachi nói một câu hơi thừa:

- Tôi đến tìm Sư huynh dược thảo sư… Tôi… tôi bị nhức đầu.

- Chắc hẳn do không khí ngột ngạt trong Thư viện - Thầy William nói giọng ái ngại – Huynh nên hít một chút thuốc gì đó.

Malachi mấp máy môi như thể muốn nói gì nữa, nhưng lại thôi, Huynh cúi đầu đi thẳng vào trong, còn chúng tôi thì dời gót. Tôi hỏi:

- Huynh ấy tìm Severinus làm gì?

Thầy tôi bực bội đáp: - Adso, con phải tập động não suy nghĩ. - Rồi thầy đổi đề tài - Giờ chúng ta phải đi hỏi chuyện một vài người - Thầy nói tiếp, mắt nhìn xuống đất chằm chặp – Ít ra là khi họ vẫn còn sống. Này nhé, từ rày về sau, chúng ta phải cẩn thận khi ăn uống. Chỉ nên dùng đồ ăn, thức uống nấu chung cho mọi người. Sau Berengar, chúng ta là những người biết nhiều nhất. Dĩ nhiên, ngoại trừ kẻ sát nhân.

- Nhưng thầy định thẩm vấn ai bây giờ?

- Adso, con đã nhận thấy ở đây những việc đáng lưu ý nhất đều xảy ra về ban đêm. Họ chết ban đêm, họ đi lang thang trong phòng thư tịch ban đêm, họ đưa phụ nữ vào tu viện ban đêm... Tu viện có hai bộ mặt: ngày và đêm; nhưng tiếc thay, tu viện về đêm lại có nhiều chuyện đáng chú ý hơn. Vì thế, chúng ta nên quan tâm đến những ai đi lang thang ban đêm, kể cả người con thấy đêm qua với cô gái, chẳng hạn. Chuyện cô gái có thể có hay không có liên quan đến việc đánh thuốc độc. Dẫu sao, thầy cũng có suy nghĩ về người đàn ông đêm qua, kẻ ấy ắt hẳn phải là người hiểu biết nhiều chuyện về đời sống ban đêm ở nơi thiêng liêng này. À mới nhắc đến là thấy ngay rồi.

Thầy chỉ về phía Salvatore, Huynh ấy đã trông thấy chúng tôi. Tôi nhận thấy Huynh bước hơi ngập ngừng như muốn lánh mặt, toan quay đi nhưng không kịp. Rõ ràng Salvatore biết không thể tránh được thầy trò tôi nên tiếp tục bước tới, toét miệng cười chào chúng tôi và nói ngọt xớt: “Xin Chúa ban phước lành”. Thầy tôi không để Huynh ấy dứt lời, hỏi ngay, giọng sắc lẻm:

- Huynh có biết Toà án dị giáo sẽ đến đây ngày mai không?

Salvatore có vẻ không vui, yếu ớt hỏi: - Còn tôi thì sao?

- Còn Huynh thì nên khôn ngoan nói sự thật cho tôi nghe, cho một người bạn và cũng là một thầy dòng Khất thực như Huynh ngày xưa, còn hơn là ngày mai phải kể lại cho những người mà Huynh đã biết quá rõ.

Bị tấn công quá đột ngột, Salvatore đành bỏ mọi ý định chống cự. Huynh ấy nhìn thầy William với vẻ ngoan ngoãn, ra chiều sẵn sàng kể bất cứ điều gì, thầy hỏi:

- Đêm qua, có một phụ nữ trong nhà bếp. Ai với cô ấy?

Salvatore ngần ngừ nói: - Ôi, một con bán mình như đứa làm thuê đâu có đạo đức, tiết hạnh gì.

- Tôi không cần biết cô gái có trong trắng hay không. Tôi muốn biết ai với cô ấy!

- Lạy Chúa tôi, những con quỉ cái này thật là tinh ranh! Chúng biết cách đánh bẫy đàn ông ban đêm...

Thầy William tóm lấy ngực áo Salvatore: - Ai đã ở với cô ta, Huynh hay quản hầm?

Salvatore biết không thể tiếp tục nói dối. Huynh bèn kể một câu chuyện lạ lùng mà vất vả lắm chúng tôi mới biết được rằng, để làm vui lòng quản hầm, ban đêm, Huynh ấy phải đưa gái quê vào tu viện theo những đường hầm bí mật. Huynh thề rằng mình làm thế chỉ vì tốt bụng, nhưng buồn cười thay vẫn lộ vẻ tiếc rẻ không biết làm cách nào để thoả mãn dục vọng của chính mình, hay bảo cô gái bố thí cho mình một chút gì sau khi đã ăn nằm với quản hầm. Huynh ấy vừa kể vừa nheo mắt, cười hềnh hệch, như thể kể với những người phàm tục rành chuyện nam nữ. Huynh ấy chốc chốc lại len lén liếc tôi, mà dù muốn tôi cũng chẳng thể ngăn được, vì cả hai chúng tôi đã bị ràng buộc với nhau bởi một điều bí mật chung, tôi đã hoá thành kẻ đồng loã và đồng phạm tội lỗi với Huynh ấy.

Đến đây, thầy William bèn đánh bạo đột ngột hỏi Salvatore:

- Huynh đã quen Remigio trước hay sau khi theo Dolcino?

Salvatore quỳ sụp xuống chân thầy William, nức nở cầu xin thầy chớ tiêu diệt Huynh mà hãy cứu vớt Huynh khỏi Toà án dị giáo. Thầy William trịnh trọng thề sẽ không kể cho ai nghe những điều mình biết được, thế là Salvatore chẳng ngại ngần gì giao quản hầm vào tay chúng tôi ngay. Hai người đã gặp nhau trên đồi Núi Trọc, cả hai đều cùng băng của Dolcino, Salvatore và quản hầm đã cùng thoát thân vào ẩn náu trong chủng viện xứ Casale, và lại cùng nhau nhập dòng Cluniac. Khi Salvatore lắp bắp khẩn cầu xin tha thứ, thì rõ ràng chẳng còn gì để khai thác thêm ở Huynh ấy nữa. Thầy William thấy đã đến lúc bất ngờ tấn công Remigio, nên rời Salvatore đi. Huynh ấy liền chạy trốn ngay vào nhà thờ.

Quản hầm lúc ấy đang ở phía bên kia tu viện, trước dãy kho thóc, mua bán mặc cả với các nông dân dưới thung lũng. Huynh sợ hãi nhìn chúng tôi và làm ra vẻ tất bật công việc, nhưng thầy William đã yêu cầu Huynh phải tiếp chuyện mình. Thầy nói:

- Tôi thiết nghĩ, vì những nguyên do liên quan đến nhiệm vụ của Huynh nên rõ ràng là Huynh buộc phải đi lại trong tu viện, ngay cả khi mọi người đều say ngủ.

Remigio đáp: - Cũng tuỳ. Đôi khi có một số việc vặt phải giải quyết, nên tôi phải hy sinh một vài giờ ngơi nghỉ.

- Có điều gì khiến Huynh nghĩ rằng, có một người nào khác, không có lý do chính đáng, cũng đi lang thang giữa khoảng nhà bếp và Thư viện không?

- Nếu có thấy gì, tôi đã thưa với Tu viện trưởng.

- Hẳn rồi. - Thầy William đồng ý và đột nhiên chuyển sang chuyện khác – Ngôi làng dưới kia không giàu lắm nhỉ?

- Cũng nghèo mà cũng giàu. Nhưng người canh tác đất đai của tu viện sống dưới đó lệ thuộc vào chúng tôi, và họ được hưởng bổng lộc trong những năm được mùa. Thí dụ: vào ngày lễ thánh Joan, họ nhận được mười hai đấu lúa mạch, một con ngựa, bảy con bò, một con bò tót, năm con dê, hai mươi con cừu, mười lăm con heo, năm mươi con gà và mười bảy tổ ong. Có cả hai mươi con heo quay, hai mươi bảy hũ mỡ, nửa cân mật, ba cân xà phòng, một lưới cá...

- Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi - Thầy William cắt lời – Nhưng điều này không nói lên được tình hình ở dưới làng, có bao nhiêu người dân ở đó canh tác đất tu viện, và những người không canh tác đất tu viện thì được bao nhiêu đất để tự cày cấy…

- Ồ, về việc đó… thì một gia đình bình thường ở dưới đó có đến năm mươi sào đất.

- Tôi hiểu rõ rồi.

- Huynh còn muốn biết điều gì khác chăng? – Remigio hỏi bằng một giọng, tôi nghe như thách thức.

- Vâng, tôi hỏi Huynh về đời sống của dân dưới thung lũng, vì hôm nay, trong thư viện, tôi đang nghiền ngẫm những bài giảng của Humbert người La Mã, cho phụ nữ, đặc biệt là Chương “Về những người phụ nữ nghèo trong những căn nhà nhỏ miền quê” (1). Trong Chương này, Humbert viết rằng, các phụ nữ nghèo miền quê, hơn bất kỳ ai khác, thường phải bán thân nuôi miệng. Khi bán thân cho một người thường, họ đã phạm tội trọng rồi, nhưng nếu có một linh mục thì tội càng nặng hơn, và nếu cho một tu sĩ dòng kín thì đó là một tội nặng nhất. Huynh biết rõ hơn tôi là trong những nơi thiêng liêng như tu viện, vẫn luôn có sự cám dỗ của con Quỷ dâm dục. Tôi không biết Huynh qua những lần tiếp xúc với dân làng có nghe nói đến vài tu sĩ, lạy Chúa tha tội, đã dụ dỗ gái tơ phạm tội gian dâm không?

Mặc dầu thầy tôi nói những điều này bằng giọng rất thản nhiên, quý độc giả có thể hình dung những lời này đã làm viên quản hầm đáng thương bối rối biết bao. Tôi không dám nói rằng mặt của Huynh ấy trở nên trắng bệch, nhưng có thể nói là mặt của Huynh ấy tái hẳn đi. Huynh nhẫn nhịn đáp:

- Huynh hỏi tôi những điều mà nếu tôi biết thì đã thưa với Tu viện trưởng rồi. Dầu sao, nếu những tin tức này giúp ích gì cho cuộc điều tra của Huynh thì tôi xin khai ra. Đúng thế, câu hỏi thứ nhất của Huynh đã nhắc tôi nhớ đến…. cái đêm Adelmo chết… lúc ấy tôi đang quanh quẩn trong sân… về chuyện gà qué đấy mà… Tôi có nghe người ta đồn rằng một anh thợ rèn ban đêm đi ăn cắp gà… Đúng, đêm hôm đó tôi quả có thấy - từ đằng xa, nên không chắc lắm – Berengar men theo khu hát kinh về nhà nghỉ, dường như từ hướng Đại dinh…. Tôi không ngạc nhiên lắm, các tu sĩ đã có dạo xầm xì về Berengar. Có lẽ Huynh đã nghe…

- Không. Huynh kể đi.

- Này nhé… biết nói sao đây? Người ta nghi Berengar nuôi dưỡng những đam mê… không chính đáng đối với một thầy dòng….

- Có lẽ Huynh định nói rằng Berengar có gian díu với gái làng, như ban nãy tôi đã hỏi?

Quản hầm đằng hắng, lúng túng, nở một nụ cười trơ trẽn - Ồ, không… những đam mê còn tệ hơn…

- Thế nói cách khác, một tu sĩ tìm khoái lạc với gái làng là nuôi dưỡng những đam mê tương đối chính đáng hơn à?

- Tôi không định nói thế, nhưng chắc Huynh đồng ý rằng, sự sa đoạ cũng như đạo đức có nhiều mức độ khác nhau… Thân xác có thể bị cám dỗ theo tự nhiên và… trái với tự nhiên.

- Huynh muốn nói Berengar bị thôi thúc bởi nhục dục đối với những người cùng phái à?

- Tôi nói đó là những lời xầm xì… Tôi báo Huynh biết những việc này, để chứng tỏ lòng thành thật và thiện chí của tôi…

- Xin cảm ơn. Tôi đồng ý rằng, tội đồng tính luyến ái thì gớm ghiếc hơn các hình thái nhục dục khác nhiều. Thành thật mà nói, tôi không chủ tâm điều tra về chúng.

Quản hầm nói một cách triết lý… - Đó là những điều buồn bã, khốn khổ, cho dù chúng có xảy ra chăng nữa.

- Đúng đấy, Remigio ạ. Chúng ta thảy đều là những kẻ phạm tội khốn khổ. Tôi không bao giờ muốn bới lông tìm vết vì e rằng tôi cũng chả tốt lành gì. Tôi sẽ rất biết ơn, nếu Huynh chỉ giáo cho các sai lầm của tôi trong tương lai. Do đó, chúng ta hãy cứ nói thẳng, nói thật, không che dấu mọi sai lầm.

- Khi Huynh cần biết điều gì đặc biệt, hãy đến và xem tôi như một người bạn trung thành.

Thầy William nhiệt tình nói: - Quả thật, tôi xem Huynh như vậy. Ubertino bảo ngày xưa, Huynh theo dòng của tôi. Tôi không bao giờ phản bội một người anh em cũ, đặc biệt là trong những ngày này, khi chúng ta đang chờ đợi phái đoàn của Giáo hoàng, dẫn đầu là một phán quan vĩ đại, lừng danh vì đã đưa lên giàn hoả nhiều tu sĩ dòng Dolcino.

Quản hầm không phải là kẻ ngốc. Huynh ấy nghĩ không thể tiếp tục chơi trò mèo vờn chuột nữa, nhất là hiểu được mình chính là chuột, bèn nói:

- Thưa sư huynh William, tôi thấy Huynh biết nhiều chuyện hơn tôi tưởng. Hãy giúp tôi và tôi sẽ giúp Huynh. Quả thật tôi là người yếu mềm nên đã để cho xác thịt cám dỗ. Salvatore báo rằng Huynh hay tu sinh của Huynh, đêm qua đã bắt gặp cạm bẫy ấy trong bếp. Huynh đã chu du nhiều nơi. Huynh thừa hiểu rằng thậm chí các Hồng Y ở Avignon cũng không phải là những khuôn mẫu đạo đức. Tôi biết Huynh không thẩm tra về những lỗi nhỏ đê hèn này, nhưng tôi hiểu Huynh đã biết ít nhiều về quá khứ của tôi.

Tôi đã sống một cuộc đời lạ lùng, như nhiều anh em dòng Khất thực khác. Nhiều năm trước đây, tôi tin vào lý tưởng của sự nghèo khổ, nên đã bỏ cộng đồng đi sống đời du thủ du thực. Cũng như nhiều người khác, tôi tin vào các lời giảng của Dolcino. Tôi là một người dốt nát. Tôi được nhập dòng, nhưng chỉ biết đọc kinh mà thôi. Tôi biết rất ít về Thần học. Có lẽ giáo lý không làm tôi rung động lắm. Huynh thấy đấy, ngày xưa tôi vùng lên chống lại các lãnh chúa, nay tôi phục vụ họ, và vì quyền lợi của vị lãnh chúa dải đất này, tôi ra lệnh cho những người như tôi. Phản bội hay phản loạn: những người dân chất phác như chúng tôi có rất ít quyền lựa chọn.

- Đôi khi, những người chất phác hiểu sự việc giỏi hơn các bậc thông thái.

Quản hầm nhún vai nói: - Có thể. Thậm chí lúc đó tôi cũng không hiểu việc mình làm. Huynh thấy đấy, đối với Salvatore, việc này dễ hiểu thôi: Cha mẹ Huynh ấy là nông nô, thuở nhỏ Huynh ấy sống nghèo khổ, bệnh hoạn… Dolcino là hiện thân của sự nổi loạn tiêu diệt giới lãnh chúa. Đối với tôi thì khác. Tôi xuất thân từ một gia đình thành thị. Tôi không phải chạy trốn cái đó. Đó là – tôi biết nói sao nữa - buổi yến tiệc của những kẻ xuẩn ngốc, một ngày hội huy hoàng… Trên núi, với Dolcino, trước khi chúng tôi buộc phải ăn thịt các bạn đồng ngũ bị chết trận, trước khi có nhiều người chết vì cực khổ, đến nỗi chúng tôi không thịt hết đành phải quăng xác cho chim chóc và thú hoang trên sườn núi Rebello… và có lẽ cũng chính trong những giây phút đó… là một bầu không khí… có thể nói là tự do? Trước đây, tôi không biết tự do là gì. Các thầy giảng đã bảo chúng tôi: “Chân lý mang lại tự do cho các con”. Chúng tôi cảm thấy tự do, và nghĩ rằng đó là chân lý. Chúng tôi tưởng mọi điều mình làm là đúng…

- Và từ đấy Huynh quen thói… tự do gian díu với đàn bà à? – Tôi hỏi, mà thậm chí cũng không hiểu vì sao. Đêm hôm trước, đầu tôi đã bị ám ảnh bởi lời Cha Ubertino, những điều đọc được trong phòng thư tịch và những biến cố đã xảy ra cho tôi. Thầy William tò mò nhìn tôi, không ngờ tôi bạo dạn và bộc trực như thế. Quản hầm trừng trừng nhìn tôi như nhìn một quái vật. Huynh nói:

- Trên núi Rebello, có khoảng hơn mười người, mà suốt thời thơ ấu đã ngủ trong một căn phòng chỉ rộng vài thước vuông, trong đó anh chị em, bố con ngủ lẫn lộn với nhau. Huynh có biết hoàn cảnh mới ấy có ý nghĩa gì đối với họ không? Họ được làm cái việc mà trước đây phải làm vì bị đòi hỏi. Ban đêm, khi sợ quân thù đến, người ta nằm trên đất, ôm chặt người nằm bên cho khỏi lạnh… Những tu sĩ đáng thương, xuất xứ từ dòng dõi quí tộc rồi đi tu hành như các Huynh, cho rằng dị giáo là một hình thái tín ngưỡng phát sinh từ quỉ sứ. Nhưng đó chính là một lối sống, và là… một kinh nghiệm mới… không còn thầy cả, cha bề trên nữa…. và người ta bảo Chúa đã ở cùng chúng tôi. Sư huynh William ạ, tôi không nói ngày xưa mình đúng, và thực tế là Huynh thấy tôi ở đây, vì tôi đã bỏ họ lâu rồi. Tôi chẳng bao giờ thật sự hiểu được các cuộc tranh luận thông thái về sự cơ nghèo của Đấng Kitô và quyền được sở hữu, và các quyền khác… Tôi đã bảo, lúc theo Dolcino là một ngày hội lớn, và trong đó mọi diễn tiến đều trái ngược. Khi về già, mình không khôn ra mà lại hoá tham… Ở đây, tôi là một kẻ tạp thực… Người ta có thể xử tử một tên dị giáo, nhưng họ có xử tử một kẻ háu ăn không?

- Thôi, đủ rồi, Remigio ạ… Tôi không cật vấn Huynh về chuyện cũ mà về chuyện mới xảy ra. Hãy thành thật với tôi, tôi không cố ý hại Huynh đâu. Tôi không thể và sẽ không xét xử Huynh. Nhưng Huynh phải kể tôi nghe những gì Huynh biết về các biến cố trong tu viện. Huynh đi lại trong tu viện quá nhiều, ngày cũng như đêm, nên chắc phải biết một cái gì. Ai giết Venantinus?

- Xin thề độc là tôi không biết. Tôi chỉ biết thời gian và địa điểm Huynh ấy chết.

- Ở đâu? Bao giờ?

- Tôi sẽ kể. Đêm đó, sau Kinh Tối một canh tôi vào bếp…

- Vào cách nào? Lý do gì?

- Bằng lối cửa vườn rau. Tôi có một chìa khoá mà thợ rèn đã làm cho tôi từ lâu. Cửa nhà bếp là cửa duy nhất không gài then bên trong. Còn lý do của tôi thì… không quan trọng, chính Huynh đã nói là không buộc tôi vào tội ham mê xác thịt, - Remigio bối rối mỉm cười – Nhưng tôi không muốn Huynh nghĩ rằng tôi suốt ngày chỉ làm tình… Đêm đó tôi đi tìm thức ăn để đưa cho cô gái mà Salvatore sẽ dẫn vào nhà bếp…

- Từ đâu?

- Ồ, ngoài cổng chính, bức tường ngoài còn có những lối vào khác. Tu viện trưởng biết… Tôi biết… Nhưng đêm đó cô gái không vào. Tôi đuổi cô ra ngay vì tôi đã khám phá cái mà tôi sắp kể Huynh nghe đây. Do đó, đêm qua tôi muốn đem cô vào lại. Nếu Huynh đến trễ hơn một chút, có lẽ Huynh đã gặp tôi thay vì Salvatore. Chính Huynh ấy, đã báo cho tôi có người trong Đại dinh, nên tôi bỏ về phòng mình…

- Chúng ta hãy quay lại cái đêm Chủ nhật rạng ngày thứ hai.

- Vâng, tôi vào bếp và thấy Venantinus nằm chết trên nền nhà.

- Trong bếp ư?

- Vâng, gần bồn rửa bát. Có lẽ Huynh ấy vừa từ phòng thư tịch xuống.

- Không có dấu vết vật lộn?

- Không một dấu vết. Tuy nhiên, bên cạnh xác chết có một cái cốc vỡ và vài vệt nước dưới đất.

- Sao Huynh biết đó là nước?

- Tôi không biết, tôi nghĩ đó là nước. Còn là gì khác nữa cơ chứ?

Về sau thầy William giảng cho tôi hay chiếc cốc đó có thể hiển thị hai điều khác nhau. Một kẻ nào đó đã đưa cho Venantius một ly thuốc độc để uống ngay tại bếp hay chàng trai xấu số đã uống thuốc độc (nhưng ở đâu, khi nào?) và xuống nhà bếp để uống nước cho dịu cảm giác nóng bỏng của cơn đau đột ngột, đang đốt cháy tim gan và lưỡi của mình.

Dầu sao, chúng tôi chẳng khai thác thêm gì được nữa. Sau khi kinh hãi liếc nhìn thây ma Venantius, Remigio quyết định không nên làm gì cả. Nếu cầu cứu thì sẽ phải thú nhận rằng mình đã lang thang trong Đại dinh ban đêm, mà cũng chẳng có lợi gì cho người anh em xấu số. Do đó, Remigio thấy cứ để mặc kệ sự việc như vậy, đợi ai đó sáng mai vào mở cửa, sẽ khám phá ra tử thi. Huynh bèn chạy đón đầu Salvatore, lúc ấy đã đưa cô gái vào tu viện, rồi cùng kẻ đồng loã ấy về phòng ngủ. Vào Kinh Sớm, khi những người nuôi heo báo tin dữ cho Tu viện trưởng, Remigio ngỡ rằng người ta đã phát hiện tử thi nơi mình đã thấy đêm qua, nhưng Huynh kinh hoàng thấy nó bây giờ lại cắm trong vại máu. Kẻ nào đã đem cái thây ma ra khỏi nhà bếp? Remigio không đưa ra lời giải thích nào về điều này.

Thầy William nói: - Người duy nhất được phép đi lại tự do trong Đại dinh là Malachi.

Quản hầm phản ứng dữ dội: - Không, không phải Malachi đâu. Tôi không tin như vậy… Dầu sao, tôi không nói xấu gì Malachi với Huynh cả.

- Huynh có chịu ơn thế nào đi nữa thì cũng cứ yên tâm. Malachi có biết gì về Huynh không?

Quản hầm đỏ mặt: - Vâng, có. Và Huynh ấy tỏ ra rất kín đáo. Nếu là Huynh tôi sẽ để mắt đến Benno. Huynh ấy có mối liên hệ kỳ quặc với Berengar và Venantius… Nhưng tôi xin thề là chẳng trông thấy điều gì khác. Nếu tôi biết điều chi, tôi xin báo Huynh hay.

- Bây giờ như thế đủ rồi. Nếu cần, tôi sẽ tìm Huynh sau.

- Quản hầm mừng rỡ thở phào, quay về công việc của mình, nặng lời nhiếc mắng những nông dân đã thừa lúc hai người nói chuyện nẫng đi mấy bao hạt giống.

Ngay lúc đó, Severinus đến chỗ chúng tôi, tay cầm cặp kính của thầy William bị trộm hai đêm trước.

- Tôi tìm thấy cặp kính trong chiếc áo dòng của Berengar. Hôm nọ tôi thấy Huynh đeo kính này trong Thư viện. Có phải của Huynh không?

Thầy William sung sướng reo lên: - Xin tạ ơn Chúa! Chúng ta đã giải quyết được hai vấn đề! Tôi đã tìm lại kính và cuối cùng biết rằng chính Berengar đã trộm nó trong phòng thư tịch!

Chúng tôi vừa mới nói đến đó thì Nicholas chạy tới, mặt còn đắc chí hơn cả thầy William. Tay Huynh ấy cầm một cặp kính đã làm xong, tra vào gọng đàng hoàng. Huynh hét lên: - William, chính tay tôi đã làm xong cặp kính này! Tôi tin nó sẽ dùng tốt! – Khi thấy thầy William đã đeo sẵn một cặp kính khác rồi, Huynh ấy bàng hoàng đứng lại. Thầy William không nỡ làm Nicholas cụt hứng nên liền tháo cặp kính cũ, đeo cặp kính mới vào: - Cặp này tốt hơn cặp kia. Tôi sẽ luôn dùng cặp kính của Huynh, còn cặp kính cũ sẽ giữ dự trữ thôi.

Rồi thầy quay sang tôi:

- Adso này, giờ thầy sẽ rút về phòng để đọc các giấy tờ mà con đã biết đấy. Cuối cùng đã tìm lại được! Đợi thầy đâu đó nhé. Và xin cám ơn, rất cám ơn các Sư huynh thân mến.

Chuống báo Kinh Xế sáng vang lên. Tôi đi đến khu hát kinh. Các tu sĩ đang cầu nguyện cho linh hồn Berengar quá cố. Tôi tạ ơn Chúa đã giúp chúng tôi tìm được không chỉ một, mà đến hai cặp kính.

Trong cảnh yên lành êm ái vô biên đó, tôi ngủ thiếp đi, quên tất cả những điều xấu xa vừa tai nghe mắt thấy, mãi đến tan lễ mới tỉnh giấc. Tôi sực nhớ, đêm qua mình không ngủ và buồn bã nghĩ mình đã phí sức quá. Khi bước vào nơi không khí tươi mát, đầu óc tôi lại bị ám ảnh bởi những ký ức về cô gái.

Tôi rảo bước thật nhanh, cố xua đi những ý nghĩ ấy. Tôi thấy hơi choáng váng. Tôi nắm đôi tay tê cứng lại và dậm chân trên mặt đất. Tôi vẫn còn buồn ngủ, nhưng trong người lại thấy tỉnh táo và đầy sức sống. Tôi không hiểu việc gì đang xảy ra cho mình nữa.

Chú thích:

(1) “Ad mulieres Pauperes in villulis”

0 nhận xét:

Post a Comment