468x1000 Ads

Truyện

CHÚNG TA THOÁT THAI TỪ ĐÂU PHẦN 3 CHƯƠNG 5

Chúng ta thoát thai từ đâu (nguyên bản tiếng Nga)
Tác gả : E Rơ Nơ Mun Đa Sép
Dịch giả : Hoàng Giang 
Nhà xuất bản Thế Giới –2002

Phần 3: "CÁC BẬC LẠT-MA NÊ-PAN VÀ TÂY TẠNG ĐÃ NÓI GÌ"


Chương 5: 
NHỮNG ĐIỀU PHÁT LỘ CỦA LẠT MA BÔN-PÔ.


Ngài lạt ma Bôn-pô sinh sống tại một thị trấn miền Tây Nê pan. Đến đó có thể bằng ô tô hoặc máy bay. Lúc đầu chúng tôi định thuê xe, nhưng Sếch-can đã kịp thời thông báo đường xá ở Nê-pan rất xấu, nếu đi xe có thể mất gần một tuần. Hóa ra là tại đất lở chắn mất đường, thu dọn giải phóng mặt đường gặp rất nhiều khó khăn. 

Lạt ma Bôn-pô trông khoảng 70 tuổi và cũng vận đồ đỏ sẫm. Lạt ma nói tiếng Anh khá thành thạo với giọng điệu điển hình của phương Đông. Ngài có đôi mắt đôn hậu ấm áp và giọng nói nhỏ nhẹ điềm đạm. Chúng tôi tự giới thiệu.
Lúc đó ở cửa ra vào phía sau xuất hiện ba người có ngoại hình Âu Châu: hai phụ nữ và một đàn ông. 
– “Đây là các nhà khoa học, bạn bè của tôi”. 
– “Các vị là đệ tử của ngài lạt ma hay học giả?” 
– “Chúng tôi là học giả nghiên cứu lịch sử, chuyên về tín ngưỡng phương Đông. Đã hơn tháng nay chúng tôi sống ở đây và nghiên cứu lịch sử phát sinh tín ngưỡng cổ xưa nhất của thế giới là Bôn-pô. Ngài lạt ma Bôn-pô nắm biết nhiều kinh nghiệm, nhớ thuộc lòng nhiều điều. Tiếc thay nhiều cuốn sách của ngài vẫn ở Tây Tạng, nơi mà ngài đành bỏ lại để ra đi. Ngài lạt ma Bôn-pô là một trong không nhiều các đại diện tín ngưỡng lâu đời nhất của thế giới còn sống. Chúng tôi sợ rằng, lịch sử tín ngưỡng này có thể mất đi vĩnh viễn”- người đàn ông nói. 
– “Như tôi hiểu, ông ở Hoa Kỳ tới?” – tôi hỏi, để ý thấy cách phát âm điển hình Mỹ của ông ta. 
– “Vâng. Chúng tôi đại diện cho khoa học tổng hợp”. 
– “Còn chúng tôi đại diện nhãn khoa, khoa học về các căn bệnh của mắt “… 
– “Bệnh mắt ? Người ta lại nói với chúng tôi rằng các ông là đoàn thám hiểm quốc tế đi tìm kiếm nguồn gốc phát sinh loài người!“- người Mỹ kêu lên. 
– “Chúng tôi đang khảo cứu con mắt của đại diện các chủng tộc trên thế giới và thấy cần thiết tiếp tục các nghiên cứu đó trên phương diện lịch sử”- tôi đáp. 
– “Như tôi được thông báo các ông từ Nga đến?” – người Mỹ hỏi. 
-“Vâng.” 
– “Ồ ! Kiểu nghiên cứu khoa học có đối chiếu, so sánh rất đặc trưng cho người Nga. Nước Nga có nền khoa học mạnh”. 
– “Một trong các đối chiếu như vậy là trên tường của đạo viện, nơi chúng ta đang ngồi đây có hình vẽ hai con mắt khác thường”. 
– “Thật thú vị. Còn ông, như tôi hiểu qua phát âm kiểu Mỹ của ông, làm việc ở Mỹ lâu chưa ? “- người Mỹ hỏi tôi. 
– “Tôi có dịp tiếp xúc nhiều với người Mỹ”. 
– “Ông cho phép tôi có mặt trong buổi toạ đàm của ông với ngài lạt ma Bôn-pô được không ?” – người Mỹ hỏi tôi. 
”Tôi rất hiểu mình không phải chủ nhà, hơn nữa người Mỹ đã gây được ấn tượng: họ là các học giả nghiêm túc”. 
– “Xin mời nếu ngài lạt ma Bôn-pô không phản đối”- tôi trả lời. 
– “Không, tôi không phản đối. Xin mời các ngài ngồi xuống,- vị lạt ma Bôn-pô nói và mời mọi người ngồi xuống bên chiếc bàn to”. 
– “Từ đầu “Bôn-pô” chỉ dòng Phật giáo phải không, thưa ngài ?” 
– “Phải”
– “Thế những dòng đạo Phật nào cổ xưa nhất ?” 
– “Dòng Phật giáo cổ xưa nhất có bốn: Bôn-pô, Ghi-lu-pe, Nhinh-ma-la và Man-tờ-ra.
Tín ngưỡng Bôn-pô phổ biến chủ yếu ở vùng tây Tây Tạng, tôn giáo này xem xét năng lượng tâm linh tích cực lẫn tiêu cực. Dòng tín ngưỡng này có nhiều điều bí mật hơn cả. 
Tôn giáo Ghi-lu-pe phổ biến ở miền trung Tây Tạng, xem xét chủ yếu tâm năng tiêu cực. Ngài Đa-lai lạt ma thuộc dòng tu này.
Tín ngưỡng Nhinh-ma-pa phổ biến ở miền Đông Tây Tạng, đây là dòng tôn giáo rất khắt khe, có nhiều điều hạn chế nhất. Một trong những biến thể của tín ngưỡng người Xích Ấn Độ là Gu-ru-na-na, có nguồn gốc tâm linh ở tôn giáo Tây Tạng Nhinh-ma-pa, đặc điểm của tín ngưỡng này là không khoan nhượng.
Tín ngưỡng Man-tờ-ra phổ biến ở vài địa phương Tây Tạng và không có ảnh hưởng lớn đối với các tôn giáo khác.
– “Xin ngài cho biết chi tiết hơn về tín ngưỡng Bôn-pô”- tôi đề nghị. 
– “Như tôi đã nói Bôn-pô là tín ngưỡng cổ xưa nhất của thế giới”- lạt ma Bôn-pô bắt đầu câu chuyện.- “Đức Phật Bôn-pô đến Trái đất 18 013 năm về trước, trong khi đó Đức Phật cuối cùng đến Trái đất 2044 năm trước đây. Tín ngưỡng Bôn-pô tin vào bánh xe “tử-sinh-tử-sinh”, nghĩa là một linh hồn có nhiều đời sống. Mục đích chính của đạo Bôn-pô là phát triển “con mắt thứ ba” ở con người thuộc nền văn minh chúng ta”. 
– “Vì sao việc đó lại quan trọng như vậy ?’ 
-“Con mắt thứ ba” của con người nền văn minh chúng ta đã mất dần và còn lại chỉ một cơ quan thô sơ (đầu xương). Nền văn minh của chúng ta dần dần phát triển theo hướng vật chất. Loài người đã nắm chắc các dạng năng lượng vật lý: nhiệt, hạt nhân, điện và nhiều dạng khác, đã chinh phục được vũ trụ, nghiên cứu ra nhiều phương pháp chữa trị bệnh hữu hiệu v.v… Nhưng trong các lĩnh vực năng lượng tinh thần và nghiên cứu tâm linh thì xã hội hiện đại không hơn các tác phẩm văn học phân tích hành vi con người trong các trạng thái tâm thần khác nhau. Khoa học hiện đại coi tôn giáo như một cái gì đó xa rời đời sống thực tại và không quan tâm tới các phương pháp tác động lên con người và xã hội của tôn giáo cho dù đây là một tiềm lực lớn cho phép phát hiện các dạng năng lượng mới, khám phá nhiều điều bí ẩn của hóa học và vật lý học, đồng thời hướng năng lượng tinh thần của con người vào quỹ đạo cần thiết. Muốn như vậy, cần phát triển mạnh “con mắt thứ ba” ở con người”.
– “Tôi hiểu thế này”- tôi tiếp lời,- “nhờ “con mắt thứ ba” như một bộ phận điều chỉnh thành phần sóng các loại có thể sử dụng tâm năng của con người tác động lên nhiều hiện tượng tự nhiên, kể cả các quá trình hóa học và vật lý học. Còn hiện nay tâm năng của con người được sử dụng quá ít ỏi và không hiếm khi mang tính ly tâm, tiêu dùng không chỉ không đúng, mà còn có hại, tạo nên môi trường tiêu cực, tác động xấu tới con người. Tôi nghĩ, năng lượng tinh thần có sức mạnh to lớn nhất, nếu nó xuất phát từ nhiều người. Chẳng hạn trong xã hội tích tụ nhiều tiềm lực tiêu cực, thì người ta khó nghĩ tới những điều tốt đẹp, thỏa mãn với toàn những thứ tiêu cực là chuyện đương nhiên. Mà cái đó như thường lệ, sẽ đưa xã hội tới chỗ thái hóa. Nếu xã hội tích lũy nhiều tiềm lực tinh thần tích cực, thì điều đó sẽ đem đến tiến bộ”. 
– “Ngài hoàn toàn có lý”- vị lạt ma Bôn-pô nói.-“ Tâm năng có sức mạnh to lớn. Tiếc thay tiềm lực đó nơi con người quả thực nhiều khi mang tính ly tâm tức có thể lan tỏa kiểu bùng nổ, dẫn tới chiến tranh và thảm họa mà lịch sử của chúng ta đầy rẫy. Cần tập trung tâm năng của loài người về tâm, hướng nó phục vụ sự nghiệp tiến bộ. Tâm năng có thể điều khiển được, định hướng được chính là nhờ “con mắt thứ ba”. Quan trọng là phải hướng tâm năng về phía tích cực – về phía các suy tưởng tốt đẹp”. 
– “Vậy ngài kích thích “con mắt thứ ba” phát triển như thế nào ?” 
– “Bằng cách dạy tham thiền nhập định, nhờ đó người ta có khả năng có cái “nhìn thanh khiết”, khi người ta cảm nhận được tự do nội tại. Chúng tôi chia sự phát triển “con mắt thứ ba” ra làm mấy giai đoạn, ở giai đoạn cao nhất, người ta có thể nhập xô-ma-chi sâu. Đương nhiên hình “con mắt thứ ba” trên trán chỉ là tượng trưng, thực ra nó là đầu xương ở sâu trong hộp sọ”. 
– “Công việc phát triển “con mắt thứ ba” trong tôn giáo của các ngài đã đạt những kết quả như thế nào ?” 
– “Thật tiếc, quá ít ỏi. Trong chuyện này không chỉ chúng tôi, những nhà hoạt động tôn giáo, có lỗi, có lẽ chúng tôi nỗ lực chưa đủ, mà còn vì loài người phát triển theo chu trình, ngày nay đang ở vào thời kỳ phát triển vật chất cao nhất, trong khi đó, vai trò của tinh thần bị giảm. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải thường xuyên cố gắng phát triển “con mắt thứ ba” và gắn liền với nó là yếu tố tinh thần, nếu không, phần tinh thần của đời sống sẽ tiếp tục đi xuống”. 
– “Ý ngài muốn nói, con người ngày nay không thể phát triển “con mắt thứ ba” tới tầm mức đủ để nhập xô-ma-chi sâu?“– tôi hỏi. 
– “Hiện tại thì không. Về mặt lịch sử đã có quá trình thoái hóa của “con mắt thứ ba”. Chí một số nhà yoga có thể nhập định kéo dài vài năm, nhưng không lâu hơn thế. Song cũng chẳng loại trừ, sắp tới có thể làm được chuyện đó”- vị lạt ma Bôn-pô trả lời. 
– “Ngài vừa nói, trong tương lai xô-ma-chi sẽ thành sự thật ư ?” 
– “Đúng vậy”.
… 
– “Vì sao ở khu vực của các ngài, tôn giáo rõ ràng có xu thế nghiêng về phía tinh thần, thậm chí có hại cho mặt vật chất ?” 
– “Ồ ! Điều này quan trọng lắm ! Nhân dân các nươc khu vực chúng tôi dường như là vị cứu tinh của nhân loại nói chung. Chuyện là thế này, ở Châu Âu, Châu Mỹ, thậm chí cả ở Phi Châu, biểu hiện rất rõ xu hướng thổi phồng vai trò vật chất và hạ thấp vai trò tinh thần. Ví dụ, phần lớn học giả châu Âu không chấp nhận các khái niệm “năng lượng tâm thần”, “linh hồn”, “tâm linh”, v.v… Bởi vậy, để đạt sự cân bằng tinh thần và vật chất trên trái đất vì lợi ích của toàn thể nhân loại, các nước phương Đông, đặc biệt các nước thuộc khu vực Tây Tạng và Himalaya đành phải thổi phồng vai trò của tâm linh, hạ thấp ý nghĩa của vật chất. Vì lý do đó mà các nước chúng tôi rất nghèp về vật chất, nhưng lại cao hơn các nước về tâm linh. Sự cân bằng phải có trong mọi mặt: giữa Thiện và Ác, giữa tâm linh và vật chất…”. 
– “Thưa ngài lạt ma Bôn-pô kính mến ! Ngài vừa gọi các nước của dãy núi Himalaya và Tây Tạng là vị cứu tinh của nhân loại trên trái đất. Một mặt, có thể hiểu nhân dân phương Đông tựa hồ là con tin của các khuynh hướng duy vật chủ nghĩa của phương Tây, chịu sống trong nghèo nàn để tăng cường vai trò tâm linh trên trái đất, để có sự cân bằng. Mặt khác lại có thể hiểu thế này: chỉ khi mặt tâm linh phát triển rất cao mới có hy vọng nhập xô-ma-chi lâu dài với mục đích khôi phục Quỹ gen nhân loại, mà thiếu quỹ này, việc đảm bảo sự sống còn của nhân loại trên trái đất rõ ràng sẽ giảm sút.”
Lạt ma Bôn-pô nhìn tôi chăm chú: 
– “Có lẽ ngài có lý. Vai trò của xô-ma-chi đối với nhân loại thật to lớn. Vì nó mà có thể chấp nhận sự hy sinh”. 
… 
– “Thưa ngài lạt ma Bôn-pô ! Trong đạo Bôn-pô có nói gì tới các nền văn minh trước đây trên trái đất không ?” – tôi hỏi. 
– “Thông tin về các nền văn minh trước đây trên trái đất trong đạo Bôn-pô nhiều lắm”- vị lạt ma Bôn-pô trả lời.- “Có hẳn những tập sách cổ xưa mô tả đời sống của các nền văn minh trước. Sự xuất hiện nền văn minh của chúng ta ở Tây Tạng cũng được mô tả tỉ mỉ. Theo các sách đó, nền văn minh cuối cùng trước chúng ta, bên phương Tây gọi là nền văn minh của người Át-lan, phát triển hơn chúng ta nhiều, họ nắm vững các công nghệ kỳ diệu dựa trên cơ sở năng lượng tâm thần. Thật tiếc tôi không nhớ chi tiết”. 
– “Xin lỗi, hiện nay ngài có những cuốn sách đó không ?” 
– “Không. Ở Tây Tạng hết cả. Tôi lo chúng đã bị hủy”- vị lạt ma Bôn-pô buồn rầu trả lời. 
– “Đó là tổn thất lớn lao”- người Mỹ nói. 
– “Xin ngài cho biết, người thuộc nền văn minh chúng ta có nguồn gốc từ đâu? “– tôi hỏi. 
– “Từ những chủ nhân nền văn minh trước đây: người Át-lan. Tôi nhớ chính xác sách Bôn-pô viết như vậy”- vị lạt ma Bôn-pô đáp.
– “Nếu đọc phần mô tả ngoại hình đức Phật trong các sách phương Đông sẽ thấy nhiều nét của ngài không đặc trưng cho người ngày nay. Liệu đức Phật có là người thuộc nền văn minh trước đây đã ra khỏi trạng thái xô-ma-chi không, thưa ngài?” – tôi hỏi. 
– “Đức Phật xuất hiện trên trái đất cách đây 2044 năm, thực ra không giống người thường. Trong tất cả các sách kinh đều viết rằng Ngài có 32 đặc điểm, tức 32 nét khác người thời nay. Mà mỗi nét đặc biệt của đức Phật bắt nguồn không phải từ người mẹ mà từ kinh nghiệm tâm linh của Ngài”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
– “Xin ngài giải thích rõ hơn”. 
– “Đó là khái niệm tập hợp lưu truyền ở phương Đông”. 
– “Tôi hiểu rằng, sau các khái niệm đó ở phương Đông ẩn giấu những Đại chân lý huyền bí. Một trong các bí mật đó, dĩ nhiên là xô-ma-chi, như một yếu tố sống còn của nhân loại trên trái đất. Được bảo quản hàng nghìn và hàng triệu năm trong các hang động, những cá thể ưu tú đó của người cổ đại có khả năng lại xuất hiện và làm nảy sinh loài người trên trái đất. Ngoài ra, những người nhập xô-ma-chi có thể sống lại và hành động dưới dạng các nhà tiên tri để điều chỉnh phương hướng phát triển của nền văn minh hiện tại theo chiều hướng tiến bộ. Vì vậy, có thể giả định rằng, Đức Phật có hình hài khác thường, mà về nhiều mặt, trùng khớp với các quan niệm về ngoại hình người Át-lan, có thể là một trong các Át-lan hậu kỳ đã xuất hiện để làm nhà tiên tri ở khu vực này trên trái đất. Những kinh nghiệm tác động lên năng lượng tâm thần của nền văn minh trước đã giúp ngài có uy tín trong dân chúng. Có thể kết luận một cách logic như vậy, mà logic dựa trên cơ sở trực cảm, như bên phương Đông vẫn dạy bảo, luôn luôn đúng” – tôi nói. 
– “Logic của ngài đúng đắn”- suy ngẫm trong chốc lát vị lạt ma Bôn-pô đáp.- “Đạo Bôn-pô mô tả nhiều tình tiết khớp với logic của ngài. Đạo Bôn-pô nảy sinh từ Đức Phật đầu tiên trên trái đất, ngoại hình của ngài cũng khác thường so với người ngày nay”. 
– “Xin ngài cho biết chi tiết hơn về Đức Phật đầu tiên”. 
– “Đức Phật đầu tiên, tức Phật Bôn-pô có tên là Tôn-pa Sên-ráp. Ngài xuất hiện ở vùng Tây Tạng ở xứ sở Sam-ba-la. Ngài đã sống trên trái đất 82 năm và sau khi qua đời đã để lại Giáo lý vĩ đại, tất cả các Phật sau này (các nhà tiên tri) đã vận dụng giáo lý đó. Tôi không nhớ phần mô tả chi tiết ngoại hình của ngài, chỉ biết rằng trông Ngài không giống như người bình thường. Giáo lý của Phật Bôn-pô kéo dài 30000 năm, tức còn 12000 năm nữa nếu coi đã được 18000năm”.
– “Vì sao giáo lý của Đức Phật Bôn-pô lại kéo dài 30000 năm?” 
– “Vì đấy là thời hạn đã được Đấng Trí Tôn ấn định, là thời gian Giáo lý tối cao tác động lên con người theo hướng nhất định. 30000 năm sau, sức mạnh của Giáo lý tối cao sẽ suy yếu dần. Nền văn minh của chúng ta xuất hiện lâu lắm rồi và cứ qua 30000 năm, Giáo lý vĩ đại lại đổi mới. Ngoài ra, không phải nền văn minh nào của loài người cũng luôn luôn bước trên con đường tiến bộ, còn có những thời kỳ thụt lùi, thoái bộ, thậm chí hoang hoá hoàn toàn. Bởi vậy, trong giai đoạn nêu trên – 30000 năm – xuất hiện nhiều các nhà tiên tri để đổi mới Giáo lý vĩ đại và răn bảo con người sống đúng đắn”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
– “Hết 30000 năm thì sao nữa, thưa ngài ?” 
– “Sau 30 000 năm sẽ là thời kì đen tối, lúc đó giáo lý Đức Phật hết hiệu lực. Nhưng rồi lại xuất hiện chu kỳ 30000 năm mới với Giáo lý mới”. 
– “Vậy trong thời gian 30000 năm qua có bao nhiêu bậc tiên tri đã xuất hiện trên trái đất ?” 
– “Đạo Bôn-pô cổ xưa cho biết sẽ có 1002 nhà tiên tri xuất hiện trên trái đất”- vị lạt ma Bôn-pô đáp.
– “Đức Phật xuất hiện cách đây 2044 năm là Ngài thứ bao nhiêu? “– tôi hỏi. 
– “Tôi không thể nói chính xác. Chỉ biết rằng, Ngài là đệ tử của Đức Phật Bôn-pô. Đức Phật tiếp theo tên là Mai-tờ-rây-a, cũng là môn sinh của Đức Phật Bôn-pô”. 
– “Tôi biết Mai-tờ-rây-a. Ông Rê-rích có cả tranh vẽ vị đó. Nhưng sao lại có thể có chuyện như ngài vừa nói ? Bởi ngài vừa bảo đảm Đức Phật Bôn-pô xuất hiện trên trái đất 18013 năm về trước, thọ 82 tuổi. Tính từ sau khi Ngài mất đến khi xuất hiện Đức Phật cuối cùng là khoảng thời gian 16000 năm. Làm sao Đức Phật Bôn-pô có thể là sư phụ của Ngài ấy ?” – tôi ngạc nhiên. 
– “Tôi có thể nói với ngài thế này”- vị lạt ma Bôn-pô nói,- “cả các bậc tiên tri khác : Giê-su, Mô-i-xây, Mô-ha-mét và những người khác cũng từng là đệ tử của Đức Phật Bôn-pô. Một điều chắc chắn là, trước khi bắt đầu cuộc đời tiên tri các vị đó đã tu luyện ở Tây Tạng”.
– “Ai giúp tu luyện, thưa ngài ?” 
– “Tất cả các vị đó đều tu tập ở xứ sở Sam-ba-la do Đức Phật Bôn-pô dựng nên. Theo đạo Bôn-pô xứ sở Sam-ba-la gọi là Ôn-mô-lung-ring. Giáo lý của Đức Phật Bôn-pô vĩ đại được truyền bá qua xứ sở Sam-ba-la”. 
– “Các nhà tiên tri được dạy bảo như thế nào ?” 
– “Cái chết thể chất của Đức Phật Bôn-pô không có ý nghĩa gì. Hồn, như ngài biết đấy, bất tử. Linh hồn của Đức Phật Bôn-pô cũng bất diệt, giáo lý của Ngài sẽ có hiệu lực 30000 năm. Bởi vậy, về mặt tâm linh, tất cả các bậc tiên tri đã từng ở xứ sở Sam-ba-la đều là đệ tử của Đức Phật Bôn-pô bất tử”. 
– “Ở các nước Châu Âu, nhiều người biết các truyền thuyết về xứ sở Sam-ba-la. Qua những điều ngài vừa nói có thể kết luận thế này: trong khi học nhập định hồn lìa khỏi xác và có khả năng giao tiếp với các phần hồn khác, còn học xong và đạt sự anh minh đích thực mà các ngài gọi là bát nhã thì hồn lại nhập vào thân thể để dạy bảo thiên hạ đi theo con đường tiến bộ. Nhưng lúc này tôi chưa muốn trao đổi cụ thể vấn đề Sam-ba-la, vậy xin phép ngài hoãn lại”. 
– “Vâng, tất nhiên rồi”. 
– “Qua các điều ngài cho biết”- tôi nói tiếp,- “tôi có cảm tưởng các nhà tiên tri xuất hiện trên trái đất theo chu kỳ là do cần thiết cảnh báo sự thoái bộ trong phát triển của loài người và sự hoang hóa con người. Hình dạng các bậc tiên tri không giống nhau, chẳng hạn ngoại hình Đức Phật khác người đương đại, nhưng Chúa Giê-su nhìn như một người bình thường. Vì thế có thể giả định rằng: có khả năng Đức Phật là người Át-lan đã xuất định, còn Chúa Giê-su là bậc cổ nhân thuộc nền văn minh chúng ta đã ra khỏi trạng thái xô-ma-chi. Cả hai vị đều có tâm linh cao siêu, mà như được biết, thiếu cái đó không thể nhập định, các vị đó còn nắm một khối kinh nghiệm to lớn cần thiết cho hoạt động tiên tri. Các bậc tiên tri đã xây dựng nên các tôn giáo khác nhau. Nhưng tất cả các Ngài đều tu luyện ở một nơi, tại xứ sở Sam-ba-la, và đều là đệ tử của Đức Phật Bôn-pô. Tại sao lại có nhiều loại tín ngưỡng như vậy ? Bởi điều đó không hẳn lúc nào cũng hợp lý, chẳng thế mà lịch sử loài người đầy rẫy những cuộc chiến tranh tôn giáo”. 
– “Mỗi bậc tiên tri không chỉ là đệ tử siêng năng của Đức Phật Bôn-pô, mà còn là một cá thể hành động theo kiến giải của mình tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sinh sống của những người xung quanh”- vị lạt ma Bôn-pô trả lời. 
– “Tôi nghĩ, nên chăng chỉ có một tôn giáo cho toàn thể loài người, bởi Chúa Trời là duy nhất”- tôi nói,- “Tôi hiểu việc đó khó vô cùng, nhưng ở giai đoạn hiện tại, tôn giáo có cơ sở khoa học có thể tác động mạnh tới con người. Thậm chí ở Hoa Kỳ, nơi mà vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội không được coi là cao nhất”- tôi nhìn mấy người Mỹ,-“ thì vẫn có Chúa: đó là đồng đô-la. Cố nhiên, nền kinh tế thị trường bắt người ta phải làm việc là hiện tượng tiến bộ. Nhưng để đạt lợi ích vật chất, người ta sử dụng mọi phương tiện và quên hết các khái niệm danh dự, lương tâm và đạo đức thì xã hội để mất hơn nhiều. Một xã hội đã đánh mất phần tâm linh không tránh khỏi diệt vong. Nhưng trong một xã hội hiện đại có nền công nghệ sử dụng hàm lượng chất xám cao liệu có được hay không niềm tin chân thành vào sự tồn tại của linh hồn và Chúa Trời ? Con người hiện đại có tri thức chắc gì đã tin chuyện cổ tích. Bất kỳ sự khẳng định nào có cơ sở khoa học vẫn gần gũi với con người thời nay hơn. Bởi vậy, tôi có cảm tưởng đã đến lúc cần nhận thức tôn giáo trên quan điểm các thành tựu khoa học hiện đại, dù cho tầm mức khoa học ngày nay chỉ là giọt nước trong đại dương kinh nghiệm của Đấng Trí Tôn. Một tôn giáo như vậy sẽ gợi ý cho chúng ta một phương pháp nghiên cứu đó là cách tiếp cận vấn đề bằng phép logic trực giác, mà hiện giờ các nhà bác học thực nghiệm chưa dễ dàng tiếp nhận, nhưng đã có trong nền khoa học hiện đại (thuyết tương đối của Anh-xtanh, thuyết vật lý vacum của Si-pốp v.v…). Cách hiểu tín ngưỡng như vậy có thể bổ sung và tăng cường lòng tin với các trào lưu tôn giáo khác nhau, đồng thời có thể dẫn đến tạo dựng một tôn giáo thống nhất. Lúc đó sẽ không thể có chuyện lợi dụng tôn giáo vào các mục đích tư lợi, nhằm duy trì quyền lực hay gây chiến tranh tôn giáo”. 

“Cám ơn vì sự ủng hộ”- tôi nói.- “Còn bây giờ xin phép được tiếp tục câu chuyện của chúng ta. Ngài nghĩ thế nào, nền văn minh của chúng ta bao nhiêu tuổi rồi?” 
– “Đây là vấn đề rất phức tạp”- vị lạt ma Bôn-pô trả lời.- “Nền văn minh của chúng ta xuất hiện lâu lắm rồi, sách kinh Bôn-pô có nói về điều này. Tôi được biết: nền văn minh của chúng ta xuất hiện trong thời gian hưng thịnh của nền văn minh trước đó. Chuyện đó xảy ra trước khi có trận đại hồng thủy, gần như tất cả người của nền văn minh trước và của chúng ta đều chết trong trận đại lụt đó. Sau đó nền văn minh của chúng ta đã mấy lần hồi sinh, nhưng rồi lại tiêu vong hoặc biến thành các bộ lạc man rợ không có khả năng đảm bảo sự tiến bộ. Nền văn minh của chúng ta nảy sinh lần cuối ít ra cũng phải 18000 năm về trước”. 
… 
– “Hình như đã có nhiều cuộc thử phục sinh nền văn minh của chúng ta bị tiêu vong trong trận đại hồng thủy, nhưng không thành. Công việc phục sinh có lẽ đã dựa vào những người xuất định. Đó là những ông tổ và bà tổ không đạt. Và chỉ 18000 năm về trước công cuộc phục sinh đó mới thành công và loài người đã bước lên con đường tiến bộ, trong chuyện này cần đánh giá xứng đáng Đức Phật Bôn-pô vĩ đại và các bậc tiên tri khác, có phải vậy không, thưa ngài ?” – tôi nói. 
– “Rõ ràng là ngài nói phải”. 
– “Thế loài người đã xuất hiện ở nơi nào trên trái đất ? Ý tôi muốn nói lần phục sinh nền văn minh của chúng ta thành công cách đây 18000 năm”- tôi hỏi. 
– “Ở Tây Tạng”- vị lạt ma Bôn-pô đáp đầy tự tin.- “Chính xác hơn nữa là Đờ-giu-ma-Ta-ma, một địa danh ở vùng Đông Bắc Tây Tạng”. 
– “Tại sao lại chính nơi đó ?” 
– “Ở đó có rất nhiều hang động. Trong các hang động có người sinh sống…”. 
– “Sinh sống ư ?!” 
– “Họ không chết…” 
– “Ý ngài muốn nói, người đang nhập xô-ma-chi là người còn sống sao ?” 
– “Vâng”. 
– “Tôi hiểu việc vào các nơi đó gặp họ là tội phạm thánh”- tôi nói. 
– “Dĩ nhiên. Hơn nữa, không thể tìm ra các hang động đó, chúng bị bịt kín. Chỉ có những con người Đặc biệt mới biết. Họ sẽ không nói cho ai biết. Còn người nào bước vào hang sẽ phải qua thử thách. Chuyện này vô cùng nguy hiểm”- vị lạt ma Bôn-pô nói. 
– “Tôi hiểu…Mà cũng phải như vậy thôi”. 
– “Cần thiết phải như vậy”.
– “Dù sao”- tôi nói,- “sau khi đã hết sững sờ”,- “tôi vẫn cho rằng, trong hang động có người thuộc nèn văn minh chúng ta và cả người Át-lan nữa. Đích thị người Át-lan! Ai có mãnh lực mà ngài gọi là nguy hiểm chết người ấy ? Có phải người Át-lan không ? Bởi chính họ là những người biết tác động lên năng lượng tinh thần, nhờ đó, họ đã xây dựng nên các tượng đài cổ xưa, ví dụ kim tự tháp (tôi cố tình không nói tiếp về hang động và xô-ma-chi để dành chuyện tới lúc giới thiệu bức vẽ người Át-lan giả thuyết). Theo ngài, ai là người đã xây dựng các kim tự tháp ?” 
– “Kim tự tháp Ai Cập ấy à ?”- vị lạt ma Bôn-pô trầm ngâm, có lẽ đang nhớ lại các kinh sách Bôn-pô,- “Các kim tự tháp Ai Cập đã được xây dựng nhờ vào sức mạnh của bộ não. Não có sức mạnh to lớn, chúng ta chưa biết sử dụng nó đúng chức năng”. 
– “Ngài vừa bảo chúng ta không biết sử dụng sức mạnh của bộ não. Vậy ai đã biết sử dụng sức mạnh của bộ não, người thuộc nền văn minh trước: người Át-lan chăng ?” – tôi hỏi. 
– “Qua thư tịch cổ đại được biết, người thuộc nền văn minh trước chúng ta biết dùng “con mắt thứ ba” phát triển của họ để biến đổi năng lượng tâm thần thành cơ năng và các dạng năng lượng khác. Trong các sách đó mô tả tỉ mỉ quá trình biến đổi đó và cả việc họ đã dùng sức mạnh của bộ não (tâm năng) xây dựng các kim tự tháp như thế nào. Thật tiếc, tôi không nhớ chính xác mọi chuyện đó, nhưng hình như họ tập trung lại rất đông rồi hướng năng lượng tâm thần của họ vào những khối đá khổng lồ làm cho chúng trở nên nhẹ hoặc mất trọng lượng”- vị lạt ma Bôn-pô nói. 
– “Từ đó suy ra các kim tự tháp Ai Cập là do người Át-lan dựng nên ?” 
-“Vâng”. 
… 
– “Sách báo khoa học hiện đại cho biết: các kim tự tháp Ai Cập được xây dựng phỏng chừng 4000-5000 năm về trước. Theo ngài, tuổi của các kim tự tháp là bao nhiêu ?” – tôi hỏi. 
– “Các kim tự tháp được xây dựng trước thời gian đó nhiều, từ thời cổ xưa”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
… 
– “Ngài nghĩ thế nào, các kim tự tháp đã được xây dựng với mục đích gì ?” 
– “Các đài kỷ niệm thời cổ đại đó đã được xây dựng với quy mô và ý tưởng kỹ thuật không thể tưởng tượng được để tỏ rõ mãnh lực của năng lượng tâm thần, sức mạnh tinh thần của con người. Cho đến giờ, nhân loại vẫn chưa xây cất được công trình nào tương tự như vậy. Sờ tay lên kim tự tháp hùng vĩ, có thể cảm nhận được sức mạnh tâm linh, tận mắt nhìn thấy sự vĩ đại của tinh thần con người”. 
– “Nhưng tôi nghĩ, kim tự tháp được xây dựng không chỉ với mục đích tỏ rõ cho mọi người thấy sức mạnh của năng lượng tâm thần”- tôi nói.- “Còn có nguyên nhân nào khác không, thưa ngài ?” 
– “Tôi sẽ không nói về các mục đích thiên văn. Cái đó tôi biết kém lắm. Chỉ biết rằng, ở các vùng khác nhau của trái đất, kim tự tháp đã được xây dựng như những nơi bảo quản trí tuệ”. 
– “Xin ngài giải thích rõ thêm”. 
– “Ý tôi muốn nói tới cái trí tuệ tinh thần cao cả nhất : bát nhã”. 
– “Các nhà tu hành phương Đông kể với chúng tôi rằng chỉ có trong trạng thái xô-ma-chi mới có thể đạt tới trí tuệ tinh thần cao cả nhất: bát nhã. Chỉ có thông qua xô-ma-chi mới đến được trí tuệ”- tôi nói,- “Liệu qua đó có thể hiểu các kim tự tháp cũng như hang động đã được tạo nên để bảo quản những người đang ở trong trạng thái xô-ma-chi không ?” 
– “Hoàn toàn có thể lắm”. 
– “Tôi đã vào bên trong kim tự tháp Khê-ốp, tại nơi có quan tài vua Tu-tan-kha-môn, nhưng, hỡi ôi ! Làm gì còn thi thể của ngài. Nhiệt độ trong đó cũng như ở hang động: khoảng chừng +4oC, tức nhiệt độ thích hợp với việc bảo toàn thân thể ở trạng thái xô-ma-chi. Biết đâu Tu-tan-kha-môn đang ở trong trạng thái xô-ma-chi chứ không phải chết ?” 
– “Có thể lắm”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
– “Như vậy cả các kim tự tháp cũng có thể là nơi lưu giữ Quỹ gen nhân loại”. 
– “Các kim tự tháp được xây dựng để bảo quản trí tuệ cao cả đặc biệt”- vị lạt ma Bôn-pô nói. 
– “Như tôi hiểu tâm thức cao cả là của người Át-lan, chính xác người Át-lan sơ kỳ (có nguồn tư liệu chứng nhận điều này). Từ đó, suy ra trong các kim tự tháp có thể có người đang nhập xô-ma-chi, không chỉ thuộc nền văn minh của chúng ta, mà cả người Át-lan. Có phải vậy không, thưa ngài?” 
– “Có thể lắm, tôi không biết chính xác”. 
… 
– Nhưng tại sao trong các kim tự tháp không tìm thấy người Át-lan ? Xác ướp vua Tu-tan-kha-môn thì có!” 
– “Tôi không biết mấy về các kim tự tháp. Nhưng tôi biết về các hang động của Tây Tạng. Rất khó tìm thấy trong hang động những người cổ xưa nhất của trái đất, gần như không thể có chuyện đó”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
– “Vì sao, thưa ngài ?” 
– “Họ ở tít sâu dưới lòng đất…”. 
– “Hay là họ không ở trong các kim tự tháp mà là ở dưới đó, dưới các kim tự tháp ?” 
– “Có thể lắm”. 
– “Mà vì sao ngài lại nói rất khó tìm thấy trong hang những người cổ xưa nhất (cần hiểu là người Át-lan) trong trạng thái xô-ma-chi. Chúng bị đá lấp kín à ?” 
-“Vâng”. 
– “Cứ cho là cái động có người Át-lan nhập xô-ma-chi bị một phiến đá bịt kín. Người đó sau khi đã “sống lại” làm sao ra được ?” – tôi hỏi. 
– “Đá đối với họ không là chướng ngại vật”- vị lạt ma Bôn-pô đáp. 
– “Chắc ý ngài muốn nói người Át-lan có thể tác động lên lực hấp dẫn nhờ năng lượng tâm thần, giống như họ đã xây dựng các kim tự tháp bằng các khối đá nguyên”. 
– “Đá đối với họ không là trỏ ngại”. 
– “Giờ thì tôi hiểu”- tôi nói,- “vì sao không ai phát hiện trong các kim tự tháp có người Át-lan. Họ đã được các phiến đá che chắn mà họ có lẽ dùng tâm năng có thể xê dịch được. Xin được hỏi câu nữa”- tôi nhìn vị lạt ma Bôn-pô.- “Ai đã xây nên tượng Nhân sư Ai Cập ?” 
– “Tôi không biết. Tôi nghĩ chuyện đó thuộc thời xa xưa trước nữa”. 
… 
Nghỉ xong, tôi lấy ra bức hình người Át-lan giả định đặt vào tay vị lạt ma Bôn-pô và hỏi “Ai đấy, thưa ngài ?” 
– “Tôi trông đôi mắt quen lắm”- vị lạt ma Bôn-pô nói,- “nhưng còn khuôn mặt… Sao, ngài đến hang rồi ư ?” 
Tôi không đáp lại. 
– “Ngài nghe kể lại hay chính ngài ?..” 
– “Đây là kết quả nghiên cứu của chúng tôi”. 
– “Nghiên cứu nào, thưa ngài ?”
Tôi kể tỉ mỉ về phương hướng nghiên cứu của chúng tôi gọi là hình học nhãn khoa và công việc phân tích khoa học hình con mắt trên các đền chùa Tây Tạng và công việc tái tạo hình dáng người có hai con mắt đó. 
– “Chuyện này thật thú vị”- vị lạt ma Bôn-pô nói. 
– “Thế ngài đã đến các động chưa ?” – tôi hỏi vị lạt ma Bôn-pô 
– “Chưa, nhưng tôi biết’. 
“-Đấy là cặp mắt và khuôn mặt Đức Phật phải không, thưa ngài?” 
– “Không phải”. 
– “Vậy của ai ?” 
– “Của cổ nhân thời xa xưa hơn thế. Con người có tài trí tối thượng và tựa như Chúa Trời”- vị lạt ma Bôn-pô đáp

0 nhận xét:

Post a Comment