Tên Của Đóa Hồng
Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Chương 47: Trang cuối cùng
Tu viện cháy trong ba ngày ba đêm, và các nỗ lực cứu chữa cuối cùng đều vô ích. Vào sáng ngày thứ bảy chúng tôi lưu lại đó, khi những người sống sót hiểu rõ rằng chẳng còn giữ nổi tòa nhà nào nữa, khi những kiến trúc đẹp nhất chỉ còn trơ lại bức tường ngoài, và giáo đường nuốt dần các ngọn tháp của nó như tự thu mình vào – ngay đến giây phút đó, ý chí chiến đấu của mọi người nhằm chống lại sự trừng phạt của Chúa đã thất bại. Nhà nguyện và các căn phòng tuyệt đẹp của Tu viện trưởng vẫn đang bốc cháy, mà việc chạy đi lấy những thùng nước cuối cùng đã chán nản rã rời. Lúc này ngọn lửa đã lan đến tận các xưởng làm việc, tôi tớ từ lâu đã cố chạy đồ đạc của họ và phóng ra làng quê để bắt lại vài súc vật đã trốn khỏi tu viện trong đêm hoảng loạn.
Tôi thấy vài tôi tớ liều lao vào phần còn lại của giáo đường, tôi chắc họ định xuống hầm kho tàng để chộp lấy vài món quí giá trước khi bỏ chạy. Tôi không biết họ có thành công không, hay hầm đã sụp xuống rồi, hay họ đã bị vùi vào lòng đất khi cố đến được kho tàng.
Trong khi đó, dân quê trong làng đã chạy đến cứu viện hay để hôi của. Các người chết phần lớn vẫn ở trong đống tàn tích còn nóng đỏ. Vào ngày thứ ba, sau khi băng bó cho các người bị thương và chôn cất những xác chết tìm thấy bên ngoài, các tu sĩ và mọi người khác thu nhặt đồ đạc của mình và rời bỏ tu viện còn ngút khói như một nơi bị nguyền rủa. Họ tản đi đến phương trời nào tôi chẳng biết.
Thầy trò tôi lên đường trên hai con ngựa chạy lạc trong rừng, trực chỉ hướng đông. Khi đến Bobbio, chúng tôi bắt đầu nghe những tin xấu về Hoàng đế. Khi đến Pomposa, chúng tôi nghe La Mã đã nổi dậy chống vua Louis khiến Ngài lui trở lại Pisa, trong khi đó các giáo sĩ đại diện John đắc thắng tiến vào thành phố Thánh.
Trong khi đó, Michael xứ Cesena biết rằng sự có mặt của mình tại Avignon sẽ chẳng mang lại kết quả nào – thực ra, Cha sợ mất mạng – nên đã bỏ trốn về Pisa với vua Louis.
Chẳng bao lâu sau, tiên đoán thời cuộc và biết Vua sẽ tiến về Munich, chúng tôi đổi hướng và quyết định sẽ đến đó trước, vì thầy William linh cảm thầy sẽ không an toàn ở Ý. Trong những năm tháng kế tiếp, các lãnh chúa Ghibelline thôi không ủng hộ vua Louis nữa.
Khi chúng tôi đến Munich, tôi nức nở tiễn biệt thầy William. Số mạng của thầy bấp bênh quá, nên gia đình muốn tôi phải quay về Melk. Sau cái đêm đau thương tại tu viện, chúng tôi như ngầm thỏa thuận với nhau không nhắc đến câu chuyện ấy nữa. Chúng tôi cũng chẳng đề cập gì đến nó khi buồn bã chia tay nhau.
Thầy ban cho tôi nhiều lời khuyên quí giá về đường học vấn tương lai, và tặng tôi cặp kính Nicholas đã làm, vì thầy đã lấy lại cặp kính cũ. Thầy bảo tôi còn trẻ, nhưng một ngày kia, nó sẽ trở nên hữu dụng (và quả thực khi viết những dòng này, tôi đang đeo kính). Rồi thầy âu yếm ôm tôi như một người cha thương yêu và bảo tôi lên đường.
Tôi chẳng bao giờ gặp lại thầy nữa. Rất lâu sau, tôi nghe nói thầy đã chết trong trận dịch lớn hoành hành khắp Âu Châu khoảng giữa thế kỷ này. Tôi luôn cầu nguyện Chúa sẽ đón nhận linh hồn thầy và tha thứ cho thầy nhiều hành động kiêu hãnh mà tính cao ngạo trí thức của thầy đã gây ra.
°
° °
Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, tôi có dịp được Tu viện trưởng của mình phái về Ý công cán. Tôi không cưỡng nổi cơ may này, và trên đường về tôi rẽ về thăm lại tàn tích của tu viện.
Hai ngôi làng trên sườn núi đã hoang vắng, đất bỏ hoang không ai cày cấy. Khi tôi leo lên đỉnh núi, cảnh hoang tàn chết chóc hiện ra khiến mắt tôi mờ lệ.
Những cấu trúc vĩ đại tráng lệ xưa kia mọc sừng sững nơi đây, giờ chỉ trơ lại những mảnh đổ nát, như trước đây đã xảy ra với các tượng đài của những người đa thần cổ đại ở La Mã. Dây leo quấn chằng chịt lên các mảng tường, cột còn nguyên. Cỏ dại mọc tràn lan muôn phía, chẳng còn biết vườn rau, vườn hoa xưa đâu nữa. Chỉ có nghĩa trang là còn nhận ra được, vì vài nấm mồ vẫn còn nhô cao khỏi mặt đất. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là vài con chim ăn thịt đang săn thằn lằn và rắn, những con vật giống rắn thần đang trườn đi giữa những khe đá hay bò trên tường. Cánh cửa giáo đường chỉ còn lại vài mẩu mốc meo. Phân nửa vòm mạng trung tâm vẫn còn, và tôi liếc thấy trong đó con mắt trái của Chúa ngồi trên ngai và vài nét trên bộ mặt sư tử, chúng đã bị các yếu tố thiên nhiên làm giãn nở ra và bị địa y bao phủ.
Đại Dinh, trừ tường phía nam bị tàn phá, dường như vẫn đứng vững với thời gian. Hai ngọn tháp trên vực đá trông như không hề suy suyển, chỉ trừ các cửa sổ bây giờ là những hố mắt trống hốc đang chảy những hàng lệ là các dây leo mục rữa. Bên trong, công trình nghệ thuật bị tàn phá nhào trộn với công trình thiên nhiên, và qua khoảng diện tích bao la của nhà bếp, mắt tôi nhìn suốt lên tận trời xanh qua vùng trống của các tầng trên và mái nhà, đã sụp xuống như các thiên thần giáng thế. Những thứ chưa xanh rêu thì vẫn ám khói đen của nhiều thập niên về trước.
Lang thang trong đống gạch vụn, tôi thỉnh thoảng lại thấy những mảnh giấy da đã bay từ phòng thư tịch và thư viện xuống, và tồn tại như những châu ngọc chôn dưới đất. Tôi nhặt nhạnh chúng, tựa như sắp khâu lại các trang giấy bị bứt rời trong một quyển sách. Rồi tôi để ý thấy trong một ngọn tháp có một cầu thang trôn ốc dẫn lên phòng thư tịch, tuy rung rinh nhưng vẫn nguyên vẹn, từ đây, leo lên một núi đá vụn, tôi đến được tầng thư viện, thế nhưng nó chỉ còn một hành lang sát với tường ngoài, nhìn xuống cảnh tan hoang khắp phía.
Dọc theo một bức tường, tôi bắt gặp một kệ sách bị nước và mối ăn mòn mà không hiểu sao đã thắng được lửa để đứng thẳng thật diệu kỳ. Trong kệ vẫn còn vài trang sách. Các trang sống sót khác tôi nhặt được nhờ lục lọi khắp trong đống đổ nát bên dưới. Tôi đã bỏ cả ngày để gặt, tuy chẳng thu được bao nhiêu, tựa như từ những hạt ký ức về Thư viện sẽ nảy lên cho tôi một thông điệp nào đó. Vài mẩu giấy da đã phai mờ, vài mảnh khác cho ta cái bóng của một hình ảnh nào đó, hay tinh anh của một hai chữ. Đôi khi tôi nhặt được những trang giấy còn nguyên cả câu, còn thường thì nhặt được các bìa còn nguyên, xưa kia được bảo vệ nhờ các đinh kim loại đầu lớn… Những quyển sách ma, xác còn nhưng hồn đã tiêu tán, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi lại vớt được nửa trang giấy, trong đó nhận ra được tựa sách, hay chữ đầu tựa.
Tôi thhu góp mọi thánh tích nhặt được, xếp chúng đầy hai bọc hành lý và vất bỏ các dụng cụ khác để cứu lấy kho tàng bất hạnh này.
Trên đường về, và sau này tại Melk, tôi bỏ ra nhiều giờ cố đọc những mẩu giấy sót lại này. Từ một chữ hay hình ảnh, tôi thường nhận ra được nó thuộc tác phẩm nào. Về sau, khi tôi tìm được các bản sao khác của những tác phẩm đó, tôi âu yếm nghiên cứu chúng, như thể số mệnh đã để lại cho tôi di sản này. Cuối thời gian tái tạo kiên nhẫn của tôi, tôi có trước mặt một thư viện nhỏ, biểu tượng của một thư viện lớn hơn đã tan biến, một thư viện bằng các mảnh giấy, trích dẫn, câu viết dang dở và các thân thể sách què cụt.
o0o
Tôi càng đọc đi đọc lại các danh mục này thì càng tin rằng nó chỉ là một kết quả ngẫu nhiên và chẳng chứa đựng một thông điệp nào cả. Nhưng những trang sách không toàn vẹn đó đã theo tôi suốt quãng đời còn lại. Tôi thường giở chúng ra xem như một lời sấm truyền, và gần như tin rằng những gì tôi viết trên những trang giấy này mà quí vị độc giả chưa quen nào đó đang đọc, chỉ là một bài thơ chắp vá, một bài thánh ca tưởng tượng, một bài acrostic [1] bao la, mà chẳng nói lên hay nhắc lại điều gì ngoài những ý các mẩu sách đó đã gợi cho tôi. Tôi cũng không biết mình đã nói về chúng hay chúng nói qua miệng mình bao xa. Nhưng dù bất kỳ một trong hai khả năng này đúng đi nữa, tôi càng nhủ lòng câu chuyện này phát sinh từ chúng bao nhiêu, thì tôi càng không hiểu phải chăng có một mưu định vượt ra ngoài diễn biến tự nhiên của các sự kiện và các thời gian đan nối chúng với nhau hay không. Một tu sĩ già, trên ngưỡng cửa của cái chết mà không biết dòng chữ mình viết có ẩn chứa một ý nghĩa, hay hơn, hay nhiều, hay chẳng có ý nghĩa nào hết, thì quả là một điều đau lòng.
Nhưng việc tôi không có khả năng để nhận biết này có lẽ là do tác dụng của cái bóng, mà màn đen vĩ đại khi đến gần, đang phủ lên thế gian già nua.
Vinh quang của Thành Babylon nay đâu rồi? Tuyết trắng năm xưa đâu? Thế giới đang quay cuồng điệu múa của Macabré, có lúc tôi nghĩ sông Danube đang đầy nghẹt tàu bè chở đầy những kẻ ngốc đi về một miền tối tăm.
Bây giờ tôi chỉ còn biết yên lặng. Thật lành mạnh biết bao, thật vui thú và ngọt ngào biết bao được ngồi trong cô tịch và nói chuyện cùng Thiên Chúa [2].
Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ quay về căn nguyên của mình, và tôi không còn tin đó là Chúa vinh quang mà các tu viện trường dòng tôi đã nói đến, hay là nơi hân hoan như dòng Khất thực ngày đó vẫn tin tưởng, mà có lẽ cũng chẳng phải nơi thành kính nữa… Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đi vào sa mạc mênh mông, bằng phẳng và vô tận, nơi trái tim thành tâm kính đạo hưởng hạnh phúc. Tôi sẽ rơi vào bóng tối thánh thiện, vào cõi thinh lặng và hợp nhất khôn tả, khi rơi xuống mọi điều bình đẳng, bất công sẽ mất hết và trong vực sâu ấy linh hồn tôi sẽ tự biến đi chẳng còn biết điều bình đẳng, bất công hay thứ gì khác nữa, và sẽ lãng quên đi mọi sự phân biệt. Tôi sẽ ngự trong một miền đơn giản, trong một hoang mạc yên lặng, không tìm thấy sự phân biệt, trong cõi riêng tư nơi không ai tìm cho mình một chỗ biệt lập. Tôi sẽ về nước Chúa thanh tịnh, yên vắng, thư nhàn, và vô ảnh.
°
° °
Phòng thư tịch lạnh quá, ngón tay tôi nhức buốt. Tôi để lại bản viết này, chẳng biết cho ai. Tôi chẳng còn biết nó viết về điều gì nữa: stat rosa pristina nomina, nomina nuda tenemus, bông hồng xa xưa còn tồn tại nhờ cái tên, và chúng tôi chỉ giữ lại mỗi một cái tên thôi.
Chú thích :
[1] Một loại bài thơ nếu ghép các mẫu tự đầu hay cuối của các dòng thơ lại sẽ có một từ hay một danh ngôn. [2] O quam salubre, quam iucundum et suave est sedere in solitudine et tacere et loqui cum Deo.
HẾT
0 nhận xét:
Post a Comment