Tên Của Đóa Hồng
Tác giả: Umberto Eco
Dịch giả: Đặng Thu Hương
Nguyên văn tiếng Anh: The Name of the Rose
Chương 25: KINH XẾ TRƯA - 4
Hồng y Giáo chủ Bertrand Del Poggetto,
cùng Bernard Gui và các thành viên khác
từ Avignon đến,
rồi mỗi người làm một việc khác.
Những người đã biết nhau, những người chưa biết nhau, dù đã nghe nói đến nhau, tất cả đều chào hỏi nhau trong sân đầy vẻ dịu dàng. Bên cạnh Tu viện trưởng, Hồng Y Giáo chủ Bertrand Del Poggetto cư xử như một kẻ đã quen với uy quyền, như thể mình chính là Giáo hoàng thứ hai vậy. Đối với mọi người và với từng người, đặc biệt là các tu sĩ dòng Khất thực, hắn mỉm cười thân ái, báo trước cuộc họp ngày mai sẽ dẫn đến một thoả thuận tốt đẹp, và chuyển đến mọi người những lời chúc lành, từ John XXII. Khi thầy William giới thiệu tôi như đệ tử và thư ký của thầy, hắn xoè bàn tay đeo nhẫn ra cho tôi hôn, như kiểu phô nụ cười với những người khác.
Tôi lập tức chú ý đến người tôi đã nghe bàn tán nhiều nhất những ngày gần đây: Bernard Gui, như cách người Pháp gọi, hay Bernardo Guidoni hay Bernardo Guido, như cách gọi ở những nơi khác.
Đó là một tu sĩ dòng Dominic tuổi trạc bảy mươi, thân hình gầy và thẳng. Tôi chú ý đến đôi mắt xám của lão, nhìn đăm đăm mà không lộ chút cảm xúc nào. Tôi thường thấy chúng loé lên một ánh sáng khó hiểu, tinh ranh, vừa che dấu, vừa cố tình bộc lộ những suy nghĩ và đam mê của mình.
Trong khi mọi người chào hỏi nhau, lão không tỏ ra thân ái hay hữu hảo như những người khác, mà luôn luôn giữ vẻ lịch sự. Khi trông thấy Ubertino, lão tỏ ra kính trọng, nhưng trừng trừng nhìn Cha, đến nỗi tôi phải rùng mình khó chịu. Khi chào Cha Michael lão mỉm cười bí ẩn và lạnh lùng thì thầm. “Cha đã đợi ở đó một thời gian nhỉ”. Tôi không thể bắt được trong câu nói đó một vẻ nôn nóng, một nét chế giễu, một mệnh lệnh, hay một dấu hiệu quan tâm nào. Lão gặp thầy William, và khi biết được thầy là ai, bèn nhìn thầy với vẻ nhã nhặn đầy căm thù. Tôi dám nói chắc rằng không phải gương mặt lão lộ ra những cảm xúc riêng đó, mà vì ắt hẳn lão muốn thầy William biết lão rất căm thù thầy. Thầy William đáp lại vẻ thù địch của Bernard Gui bằng một nụ cười thân ái, và nói:
- Bấy lâu nay, tôi vẫn hằng mong gặp một người mà uy tín lừng lẫy là bài học cho tôi noi theo và là lời khuyên răn soi đường cho nhiều quyết định quan trọng trong đời tôi. – Rõ ràng đó là những lời ca ngợi, gần như nịnh bợ nữa, đối với những ai chưa biết; nhưng Bernard thừa hiểu rằng, một trong những quyết định quan trọng nhất trong đời thầy William là từ nhiệm chức phán quan. Tôi có cảm tưởng rằng nếu thầy William hân hoan nhìn thấy Bernard bị tống vào ngục tối của triều đình, thì Bernard chắc hẳn cũng rất khoái chí thấy thầy William bị chết bất đắc kỳ tử. Vì Bernard ngày ấy nắm binh lực trong tay, tôi đâm ra lo sợ cho tính mạng của thầy tôi.
Tu viện trưởng hẳn đã báo cho Bernard biết về các án mạng trong tu viện. Giả vờ không để ý đến lời bóng gió sâu cay của thầy William, lão nói:
- Theo lời của Tu viện trưởng, và nhằm hoàn thành sứ mệnh đã uỷ thác cho tôi theo những điều khoản của hiệp định đã liên kết mọi chúng ta tại đây lại với nhau, bây giờ tôi phải can dự vào các biến cố đau thương đang nồng nặc mùi hôi tanh độc hại của ma quỷ. Tôi nói điều này vì tôi biết xưa kia, Huynh cũng như chúng tôi, đã chiến đấu trong mặt trận quân thiện dàn binh chống quân ác.
Thầy William điềm tĩnh nói: - Đúng thế. Nhưng sau đó, tôi đã đổi bên rồi.
Bernard nhẫn nhịn chịu đòn: - Huynh có thể kể giúp tôi đôi điều về những án mạng này chăng?
Thầy William nhã nhặn nói: - Rất tiếc là không. Tôi không có kinh nghiệm như Huynh về các án mạng.
Từ đó trở đi, tôi mất dấu mọi người. Sau khi nói chuyện với Cha Michael và Ubertino, thầy William rút về phòng thư tịch. Thầy xin phép Malachi xem xét vài quyển sách nào đó, nhưng tôi không nghe được tựa. Malachi nhìn thầy với vẻ kỳ quái nhưng không thể từ chối. Lạ thay, không cần tìm kiếm những quyển sách này trong Thư viện, vì chúng đều nằm trên bàn giấy của Venantius. Thầy lao vào đọc sách, nên tôi chẳng dám quấy rầy.
Tôi xuống bếp và gặp Bernard Gui ở đó. Có lẽ lão muốn tìm hiểu cấu trúc của tu viện nên đi thăm thú khắp nơi. Tôi nghe lão dùng tiếng địa phương thẩm vấn các đầu bếp và các tôi tớ khác, dường như thăm hỏi về mùa màng và cách điều hành công việc trong tu viện. Nhưng dù hỏi những câu vô thưởng vô phạt nhất, mắt lão cứ soi mói nhìn vào mắt người đối diện, rồi đột nhiên hỏi sang một câu khác, khiến người ấy lắp bắp, tái xanh mặt. Bằng một cách quái dị nào đó, lão đang tiến hành cuộc điều tra và khai thác một thứ vũ khí khủng khiếp mà mọi phán quan khi thi hành nhiệm vụ đều sử dụng: đó là nỗi sợ hãi những người khác. Vì bất kỳ ai, khi bị thẩm tra, do sợ hãi rằng mình sẽ bị nghi ngờ điều chi đó, thường kể cho phán quan bất luận điều gì có thể khiến phán quan nghi ngờ người khác.
Suốt buổi chiều, tôi thấy Bernard tiến hành điều tra theo kiểu đó, khi thì bên cối xay gió, khi thì trong nhà dòng. Nhưng lão gần như không bao giờ giáp mặt các tu sĩ, mà chỉ khai thác các nông dân hay những anh em ngoại đạo. Một chiến thuật ngược hẳn với chiến thuật của thầy William từ bấy lâu nay.
0 nhận xét:
Post a Comment