468x1000 Ads

Truyện

Cupid và Psyche

Cupid và Psyche (tiếng Việt: Thần Tình yêu và Tâm hồn; tiếng Latin: Amor e Psyche; tiếng Anh: The Tale of Cupid and Psyche hoặc The Tale of Amor and Psyche và The Tale of Eros and Psyche) là một câu chuyện có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp nhưng trở thành nổi tiếng qua tác phẩm Con lừa vàng (tiếng Latin: Asinus aureus) của nhà văn La Mã Lucius Apuleius Platonicus (125-180). Câu chuyện về Cupid (hay Amor, thần Tình yêu) và Psyche (Tâm hồn) được biên soạn thành nhiều phiên bản của nhiều ngôn ngữ và quốc gia. Câu chuyện này cũng đã được biên soạn ra tiếng Việt, từng in thành sách trong các cuốn giai thoại nổi tiếng.



Tóm tắt giai thoại Cupid và Psyche:

Ngày xưa ở xứ sở nọ có một ông vua và hoàng hậu sống với nhau rất hạnh phúc. Họ có ba cô con gái xinh đẹp mà cô út – tên là Psyche (nghĩa là "Tâm hồn") – có sắc đẹp vượt hơn cả sắc đẹp của nữ thần Venus (Vệ Nữ). Điều này đã làm cho thần Vệ Nữ rất bực tức và quyết định sẽ trừng phạt cô gái người trần mắt thịt kia. Thần Vệ Nữ cho gọi con trai của mình – thần tình yêu Cupid – và bảo: "Con hãy làm sao cho Psyche yêu một kẻ hèn mạt nhất và suốt đời bất hạnh với hắn ta".

Thần Cupid bay đi thực hiện điều mẹ chàng ra lệnh nhưng tất cả lại xảy ra không như mong muốn của thần Vệ Nữ. Nhìn thấy Psyche, Cupid vô cùng kinh ngạc bởi vẻ đẹp của nàng cũng như dáng vẻ của một công chúa mà không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu đối với nàng đã bao trùm lấy con tim của vị thần tình ái. Thần quyết định rằng người đẹp phải trở thành vợ mình và thần đã làm cho tất cả các chàng trai khác phải rời bỏ nàng. Còn nhà vua và hoàng hậu cứ băn khoăn một điều: hai cô chị đều đã đi lấy chồng thế mà Psyche dù có đẹp xinh như hương trời sắc nước vẫn sống với cha mẹ mà không thấy một chàng trai nào giạm hỏi.



Nhà vua đem chuyện này thưa với một nhà tiên tri, còn nhà tiên tri này (theo lời của thần Cupid) nói rằng công chúa có một số phận không bình thường. Nhà tiên tri nói rằng vua về mặc áo cưới cô dâu cho công chúa rồi dẫn nàng lên đồi cao chờ một chàng rể mà công chúa chưa biết mặt. Cả vua và hoàng hậu đều tỏ ra lo lắng và buồn phiền nhưng không dám trái ý thần thánh nên họ đã làm theo lời của nhà tiên tri.

Nàng công chúa tội nghiệp trong bộ áo cưới cô dâu một mình trên đỉnh đồi với một nỗi sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Bỗng nhiên một cơn gió nhẹ bao trùm lấy Psyche, mang nàng từ trên đỉnh đồi trơ trọi xuống giữa thung lũng xanh và đặt nàng lên thảm cỏ. Ở gần đó có một cánh rừng, trong rừng cây có một cung điện bằng đá cẩm thạch. Nhận thấy rằng không có gì nguy hiểm xảy ra với mình, công chúa đã đến gần để xem cung điện. Cửa chính tự mở ra trước mặt công chúa và nàng rụt rè bước vào trong cung điện.

Chưa bao giờ công chúa được nhìn thấy toà lâu đài nguy nga tráng lệ như thế. Những bức tường được dát vàng và bạc, trần nhà được làm bằng ngà voi, còn sàn nhà, nơi nàng giẫm chân lên, được ghép bằng đá quí. Một giọng nói từ đâu đó vang lên: "Xin chào công chúa xinh đẹp! Nàng hãy là người chủ của cung điện này". Suốt cả ngày Psyche đi dạo trong cung điện nhưng không thể nào đi hết được tất cả các phòng. Những người đầy tớ vô hình đã hộ tống công chúa và thực hiện những điều nàng mong muốn.

Buổi chiều, khi đã mệt, Psyche lên giường nằm ngủ thiếp đi và thần Tình yêu Cupid cũng nằm xuống bên nàng. Psyche không nhìn thấy mà chỉ cảm thấy có người chồng chưa biết mặt, tuy vậy nàng đã yêu chàng tha thiết. Buổi sáng, trước khi bình minh xuất hiện thần tình yêu đã ra đi và lại trở về trong đêm tối. Nàng Psyche vô cùng hạnh phúc sống trong lâu đài tráng lệ với người chồng của mình, cho dù người đó nàng chưa biết mặt. Chỉ một điều làm cho nàng lo lắng: nàng biết rằng cha mẹ và các chị của nàng đang đau khổ vì nghĩ rằng nàng đã chết. Một lần, trong đêm, Psyche nói với thần Tình yêu: "Chồng yêu dấu của em! Em không thể nào yên tâm và sống hạnh phúc bên anh khi mà cha mẹ em đang sống trong đau khổ vì em. Cho phép em được báo tin cho cha mẹ rằng em còn sống và mạnh khoẻ". Nhưng thần Cupid trả lời: "Tốt nhất em đừng làm điều này kẻo lại rước về tai hoạ".

Psyche không dám đòi hỏi nhưng từ hôm đó nàng trở nên trầm tư, buồn bã cho dù chồng có âu yếm hết lời. Còn thần Tình yêu không chịu nổi cảnh khi nhìn thấy vợ mình buồn bã, chàng nói: "Ta sẽ thực hiện điều mong muốn của em. Em sẽ gặp lại các cô chị của em nhưng hãy coi chừng họ có thể khuyên em làm điều dại dột". Chàng sai Zephyrus (thần gió phía Tây) đi đón các chị gái của Psyche và họ được đưa đến cung điện. Nhìn thấy cô em gái còn sống và khoẻ mạnh họ vô cùng mừng rỡ. Nhưng khi Psyche kể cho họ nghe rằng nàng vô cùng hạnh phúc và dẫn họ đi quanh cung điện, chỉ cho họ thấy sự giàu có của mình thì trong lòng các cô chị trỗi dậy điều ghen tỵ. Khi các cô chị hỏi về người chồng thì nàng Psyche đã hồn nhiên trả lời rằng chồng của nàng tốt bụng, luôn dịu dàng và có lẽ còn rất trẻ nhưng nàng không khẳng định được điều này vì chồng chỉ đến với nàng trong đêm tối. Nghe xong những điều này thì các cô chị lại càng ghen hơn nữa bởi trong số họ một người có ông chồng già và đầu hói trọc như quả bí ngô còn người kia có chồng bị bệnh thấp khớp co quắp lại, suốt ngày bôi thứ thuốc mỡ hôi hám.

Trở về nhà các cô chị thậm chí không nói cho cha mẹ biết rằng Psyche còn sống khoẻ mạnh mà lại đi nghĩ ra mưu kế hòng chiếm đoạt hạnh phúc của cô em… Sau một thời gian Psyche lại muốn được gặp các cô chị và cũng như lần trước, họ lại được Zephyrus mang đến cung điện. Vừa nhìn thấy Psyche các cô chị với vẻ mặt đau khổ đã kêu lên: "Thật là tai hoạ cho em. Chồng em là một con rắn ác độc và kinh tởm. Những người dân ở đây đã nhiều lần nhìn thấy nó bò qua sông rồi vào trong cung điện. Em hãy coi chừng! Một ngày nào đó nó sẽ cắn em và em sẽ chết một cái chết khủng khiếp". Rồi cả hai người cùng khóc nức nở. Khi đó nàng Psyche hoảng sợ hỏi hai cô chị: "Thế em phải làm gì bây giờ?" Hai cô chị nói: "Em hãy giấu vào dưới chăn một con dao sắc và đêm đến, khi nó vào giường em hãy giết nó đi". Thế rồi hai cô chị nham hiểm trở về nhà, bỏ lại cô em trong sợ hãi và đau khổ.

Sau khi hoàn hồn lại Psyche tỏ ra nghi ngờ những lời các cô chị và nàng quyết định trước khi giết chồng phải nhìn rõ mặt để xem có đúng chồng mình là con rắn ác độc và kinh tởm như lời các cô chị hay không. Nàng giấu một ngọn đèn ở dưới gối.

Đến đêm, như thường lệ, thần Cupid đến với Psyche. Khi chàng ngủ thiếp đi, Psyche lặng lẽ châm đèn và lặng đi vì sợ hãi nhìn lên người chồng của mình. Nhưng nàng đã vô cùng sung sướng khi thay vì con rắn ác độc và kinh tởm nàng nhìn thấy thiên thần đôi cánh bạc. Cánh tay của Psyche run run, ngọn đèn nghiêng xuống và một giọt dầu nóng rơi xuống vai người chồng đang ngủ. Ngay lập tức thần Tình yêu tỉnh dậy. Nhìn thấy Psyche với cây đèn trong tay, chàng kêu lên trong giận dữ và đau đớn: "Em đã nghe theo lời xui của các cô chị, đã giết chết hạnh phúc của chúng mình. Ta có thể trừng phạt em một cách nghiệt ngã nhưng ta chỉ trừng phạt em bằng sự xa cách với ta". Nói xong Cupid vỗ cánh bay đi.

Nàng Psyche còn lại một mình suốt ngày chỉ biết khóc và thầm nguyền rủa sự nông nỗi, cả tin của mình. Sau đó nàng từ giã cung điện nguy nga kia để lên đường đi tìm kiếm người chồng yêu dấu. Còn thần Tình yêu thì đã bay về cung điện của thần Venus. Bờ vai bị bỏng càng đau thêm khiến chàng kêu lên đau đớn. Thần Vệ nữ giận đứa con của mình vì không hỏi ý mẹ đã cưới cho mình cô gái mà nữ thần mong cho điều ác nhưng nữ thần tức giận Psyche còn nhiều hơn nữa. Venus cấm các thiên thần và người trần giúp đỡ cô gái bất hạnh kia, cấm không được ai che chở hoặc an ủi Psyche. Còn nàng Psyche sau một thời gian dài phiêu bạt kỳ hồ, từ chối biết bao người, cuối cùng cũng đến được cung điện của nữ thần Venus.

Venus đón Psyche bằng những lời chửi rủa và nhạo báng. Cho rằng Psyche chỉ đáng làm một người hầu. Nữ thần đã sai lấy hạt kê, đại mạch, hạt anh túc và đậu ván trộn lẫn vào nhau trong một thúng to rồi sai Psyche phải nhặt chúng ra từng loại. Psyche chỉ biết ngồi khóc vì công việc không biết đến bao giờ mới xong nhưng có một chú kiến đã tỏ lòng thương. Kiến về gọi cả đàn ra và chỉ trong giây lát đã làm xong việc mà nữ thần giao.

Khi đó Venus ra lệnh cho Psyche đi vào rừng, nơi có bầy cừu lông vàng đang gặm cỏ để lấy lông của chúng mang về. Nhưng bầy cừu rất dữ và hay đánh nhau, không cho ai đến gần mình. Psyche chỉ biết đứng bên bờ suối, không dám đến gần bầy cừu đang gặm cỏ. Bỗng có tiếng xào xạc rồi một cây sậy bên bờ suối lên tiếng: "Con hãy đợi đến giữa trưa, khi đó bầy cừu sẽ ngủ thì con đi vào rừng và sẽ thấy có rất nhiều lông bị mắc lại trên những bụi cây". Psyche làm theo lời khuyên của cây sậy và đã mang về cho thần Vệ Nữ một bó lông cừu vàng.

Amor và Psyche khi thơ ấu (L'Amour et Psyche, enfants) hay Nụ hôn đầu, họa phẩm của William-Adolphe Bouguereau
Nhưng thần Vệ Nữ vẫn chưa hài lòng và ra lệnh cho Psyche phải lấy một bình nước nguồn từ con suối trên đỉnh vách đá cao dựng đứng. Khi Tâm hồn ôm chiếc bình pha lê đứng dưới chân vách đá nhìn lên tuyệt vọng thì có một con đại bàng bay ngang qua. Đại bàng chộp lấy bình pha lê rồi bay lên đỉnh vách đá múc đầy bình nước nguồn xuống trao cho Tâm hồn.

Thần Vệ Nữ tức giận, nghĩ ra một việc mới, bắt Psyche đi xuống âm phủ, vào vương quốc của thần Hades hỏi xin một cái hòm, không được mở ra rồi mang về cho thần Vệ Nữ.

Nàng công chúa bất hạnh nghĩ rằng thà chết còn hơn là đi làm việc này. Nàng leo lên một cái tháp cao để nhảy xuống tự tử. Vẻ đau đớn của nàng đã làm cho những viên đá trên tháp tỏ lòng thương xót. Những viên đá này lên tiếng an ủi Psyche và chỉ cho nàng con đường đi xuống âm phủ, bảo nàng hãy cho Charon, người lái đò qua con sông ngăn cách cõi dương thế và âm phủ, hai đồng tiền và ném cho con chó canh cổng Cerberus hai miếng bánh mì.

Thần chết trao cho Psyche một chiếc hòm. Nàng nhớ rằng thần Venus đã dặn nàng không được mở ra nhưng nàng đã không kiềm chế được sự tò mò. Vừa bước chân lên cõi trần gian nàng liền mở nắp đậy chiếc hòm. Trong chiếc hòm này là một giấc ngủ giống như cái chết. Một làn khói đen bao trùm lấy Psyche, nàng ngã xuống đất và ngủ thiếp đi.

Lúc này vết bỏng trên vai Cupid cũng đã lên da, cả cơn đau và cơn giận Psyche cũng đã đi qua. Chàng bay đi tìm vợ và tìm thấy nàng đang ngủ say. Chàng đánh thức nàng bằng một nụ hôn nồng thắm. Psyche kể cho chồng nghe về những chuyện mà Venus đã làm đối với nàng. Chàng hứa với vợ rằng từ nay sẽ không bao giờ xảy ra điều đó nữa. Chàng bay đến thần Jupiter nhờ hoà giải mẹ và vợ mình.

Jupiter cho gọi thần Venus: "Con gái của ta! Con chớ buồn phiền rằng con trai của con đã chọn cho mình người vợ không phải là thần tiên mà người trần mắt thịt. Ta sẽ ban cho nàng sự bất tử và nàng sẽ trở thành tiên". Nói rồi Jupiter rót đầy một cốc nước tiên đưa cho Psyche uống. Từ đó nàng Psyche trở thành tiên như người chồng của mình. Các vị thần ngợi ca sắc đẹp và phẩm hạnh của nàng. Nữ thần sắc đẹp Venus cũng đành hoà giải và nhận Psyche là con dâu của mình.
Sau này vợ chồng Cupid và Psyche sinh một đứa con gái có tên là Voluptas (Hạnh phúc).




Câu chuyện về thần Tình yêu Cupid và Tâm hồn Psyche đã trở thành đề tài của rất nhiều kiệt tác nghệ thuật – thơ, ca, nhạc, hoạ, kịch và điêu khắc.
Apuleius gọi các vị thần bằng tên trong thần thoại châu âu: Amor, Venus, Jupiter... nhưng tên Psyche là từ tiếng Hy Lạp (Ψυχή) có nghĩa là "Tâm hồn". Sau này câu chuyện Cupid và Psyche được người đời giải thích ngụ ý nói về sự phiêu du của tâm hồn con người khát khao được hòa nhập với tình yêu làm một.

Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus

Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus là những vị thần chính trong điện thờ của người Hy Lạp, cai trị trên đỉnh Olympus. Các vị thần đỉnh Olympus giành quyền thống trị sau khi Zeus lãnh đạo các anh chị giành chiến thắng trong trận chiến với các Titan.

Tài liệu cổ xưa nhất về các nghi thức tôn giáo với các vị thần được tìm thấy trong các bài thơ Homer ca tụng Hermes. Sự sùng bái mười hai vị thần đỉnh Olympus của người Hy Lạp có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 TCN ở thành Athens và gần như không có tiền lệ vào thời kỳ văn hóa Mycenae. Việc thờ phụng mười hai vị thần Olympus thường được xác định bắt đầu vào thời gian Pesistratos lên nhiếp chính ở thành Athens, vào năm 522/521 TCN.

BA CHÀNG LÍNH NGỰ LÂM CHƯƠNG 4 Vai của Athos, dải đeo gươm của Porthos và chiếc khăn tay của Aramis

 Ba chàng lính ngự lâm
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch giả: Nguyễn Bản
Chương 4 Vai của Athos, dải đeo gươm của Porthos và chiếc khăn tay của Aramis

D' Artagnan giận dữ bằng ba bước nhảy đã vượt qua tiền sảnh và lao xuống cầu thang, chàng đang định xuống bốn bậc một thì mải chạy, đầu húc phải một lính ngự lâm vừa ra khỏi nhà ông De Treville bằng một cửa thoát, trán chàng va phải vai người đó khiến người đó kêu rú lên, đúng hơn là thét lên.

- Tôi xin lỗi - D' artagnan vừa nói vừa chạy tiếp - tôi xin lỗi, nhưng tôi vội quá.
Chàng vừa xuống bậc thang đầu tiên, thì một bàn tay sắt đã nắm lấy đai áo chàng và giữ chàng lại. Người lính ngự lâm nhợt nhạt như tấm vải liệm nói to:
- Ông vội, vội nên ông húc tôi. Ông nói: "Xin lỗi" và ông tưởng thế là đủ ư? Không đâu, ông bạn trẻ của tôi ạ. Ông tưởng rằng hôm nay ông De Treville nói với chúng tôi hơi lính tẩy một chút, mà ông có thể xử sự với chúng tôi như ông Treville ư? Tỉnh lại đi, ông bạn. Ông không phải là ông Treville, ông hiểu chưa.
D' Artagnan nhận ra Athos sau khi được thầy thuốc băng bó đang trở về nhà, liền đáp:
- Tôi xin thề, tôi thề tôi không cố ý, tôi đã nói: "Tôi xin lỗi".
- Tôi tưởng thế là đủ. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, và lần này có lẽ là quá đủ, thề danh dự, tôi đang vội, rất vội. Vậy hãy buông tôi ra, để tôi đi đến nơi tôi có việc.
Athos buông chàng ra nói:
- Thưa ông, ông không lịch sự. Người ta thấy ông từ nơi xa đến.
D' Artagnan đã bước được ba bốn bậc, thấy Athos nhận xét như vậy chàng dừng lại ngay trả lời:
- Quái nhỉ, thưa ông! Tôi có ở xa mấy đến đây, cũng không cần ông dạy tôi bài học về phép lịch sự, xin nói để ông biết.
- Có thể chứ? - Athos nói.
- Chà! Nếu như tôi không rất vội! - D' Artagnan nói to - Và nếu như tôi không đuổi theo một kẻ...
- Thưa người đang vội, tôi, ông sẽ thấy tôi không chạy đâu. Ông hiểu chứ?
- Và ở đâu xin vui lòng?
- Gần Cácmơ Đềsô.
- Mấy giờ?
- Lúc trưa.
- Lúc trưa. Được lắm. Tôi sẽ đến.
- Cố gắng đừng làm tôi phải đợi, bởi mười hai giờ mười lăm phút là tôi sẽ đuổi theo cắt tai ông đấy.
- Được! D' artagnan hét to - Sẽ ở đó lúc mười hai giờ kém mười lăm phút.

Và chàng bắt đầu chạy như ma đuổi, hy vọng tìm lại được người lạ mặt mà bước chân thong thả chắc chưa đưa hắn đi quá xa.

Nhưng tới chỗ cửa mở ra phố, Porthos đang chuyện trò với một lính gác. Giữa hai người đang trò chuyện, có một khoảng trống vừa đúng một người. D' artagnan tưởng khoảng trống ấy đủ cho chàng và chàng lao qua như một mũi tên bay giữa hai người. Nhưng D' artagnan đã không tính đến sức gió lúc chàng sấp qua, gió lùa sâu vào áo khoác dài của Porthos làm nó bung lên và D' artagnan nhào thẳng vào tấm áo. Chắc hẳn Porthos có những lý do để không thả cái phần thiết yếu của chiếc áo, bởi đáng lẽ để mặc cái tà áo chàng đang giữ, chàng lại kéo sát vào người mình làm cho D' artagnan bị quấn trong tấm áo nhung bởi một động tác xoay tròn, áo Porthos bướng bỉnh cưỡng lại.

D' artagnan nghe thấy tiếng người ngự lâm chửi rủa, muốn chui ra khỏi chiếc áo choàng đang che hết mắt chàng mà tìm lối ra trong nếp áo. Chàng sợ nhất là làm tổn hại đến vẻ tươi tắn của dải đeo gươm lộng lẫy. Nhưng khi e dè mở mắt thì chàng thấy mũi mình dính vào khoảng giữa hai vai của Porthos, nghĩa là đúng vào dải đeo gươm.

Than ôi! Giống như mọi vật trên đời này chỉ có được cái mã bề ngoài, dải đeo gươm chỉ có vàng phía trước, mặt sau đơn giản là da trâu. Porthos, thật là thích hào nhoáng nhưng không thể có nổi dải đeo gươm toàn bằng vàng, ít nhất cũng có được một nửa. Từ đó người ta hỉểu sự cần thiết của bệnh cúm và sự khẩn thiết của chiếc áo choàng.

- Con tiều! - Porthos vừa kêu lên, vừa dùng hết sức mình để gỡ khỏi D' artagnan đang lục đục trong lưng áo - Cậu hóa dại hay sao mà đâm nháo đâm nhào như thế vào người ta?
D' artagnan chui ra từ dưới vai người khổng lồ nói:
- Tôi xin lỗi, nhưng tôi vội quá, tôi chạy theo một kẻ...
- Do tình cờ mà anh để quên mắt trong khi chạy chăng? - Porthos hỏi.
- Không - D' artagnan bị chọc tức trả lời - Mà nhờ có mắt tôi mới thấy được cả cái mà người khác không thấy.
Porthos hiểu hay không hiểu, nhưng vẫn luôn như thế, đùng đùng nổi giận ngay:
- Thưa ông, tôi báo để ông biết, nếu ông cứ cọ người vào một lính ngự lâm như thế, ông sẽ tự cọ lông(1) mình đấy.
- Cọ lông ư, thưa ông! - D' artagnan nói - Tiếng đó thô quá?
- Chính nó mới hợp với người quen nhìn thẳng vào mặt kẻ thù?
- A, mẹ kiếp? Tôi biết thừa ông không quay lưng lại kẻ thù của ông đâu.
Và chàng trai trẻ thích chí về câu nói xỏ xiên của mình, vừa bước đi vừa cười rũ rượi.
Porthos giận sùi bọt mép chuẩn bị nhảy bổ vào D' artagnan.
- Để sau, để sau đã - D' artagnan hét to - khi nào ông không mặc áo choàng nữa đã.
Vậy lúc một giờ, đằng sau vườn Luxembourg.
- Tốt lắm, lúc một giờ - D' artagnan vừa đáp vừa ngoặt theo góc phố.

Nhưng trên đường phố chàng vừa chạy qua lẫn nơi chàng đưa mắt nhìn khắp, đều chẳng thấy bóng ai. Cho dù kẻ lạ mặt có đi thong thả, hắn cũng đã đi đường hắn mất rồi, có lẽ hắn đã rẽ vào một ngôi nhà nào đó. D' artagnan hỏi thăm về hắn, tất cả những người chàng gặp, xuống tận bến phà, lên phố Sông Sen và phố Hồng thập tự. Nhưng không thấy gì, tuyệt đối không. Tuy nhiên cuộc chạy đuổi cũng có lợi cho chàng với ý nghĩa mồ hôi càng đầm đìa trên trán, con tim chàng càng nguội bớt đi.

Chàng bắt đầu suy nghĩ về những sự kiện vừa xảy ra, vừa rất nhiều vừa xúi quẩy. Đã sắp mười một giờ trưa, và cả buổi sáng thế là đã đem lại cho chàng sự thất sủng của ông De Treville, không tránh khỏi thấy cung cách D' artagnan đã từ giã ông có đôi chút lính tráng Ngoài ra, chàng đã thu lượm được hai cuộc quyết đấu ra trò với hai con người có thể giết tới ba D' artagnan mỗi người, rất cuộc với hai lính ngự lâm, nghĩa là với hai trong số những người mà chàng đánh giá quá mạnh đến mức trong tư tưởng và trong trái tim chàng, chàng đã đặt lên trên tất cả mọi người khác.

Tình thế thật đáng buồn. Chắc chắn sẽ bị Athos giết. Chàng trai trẻ không lo lắng nhiều lắm về Porthos. Tuy nhiên, vì hi vọng là điều cuối cùng lụi tắt trong trái tim con người, nên chàng ván cứ hi vọng có thể sống sót qua hai trận đấu với những vết thương khủng khiếp đã đành rồi, và trong trường hợp sống sót trong tương lai chàng sẽ tự trách mắng mình như sau:

"Sao ta điên khùng và thô lỗ đến thế? Cái con người Athos dũng cảm và khốn khổ kia bị thương đúng vào vai mà ta, chính ta khi đi ra lại húc đầu đúng vào chỗ đó như một con cừu đực. Có điều là sao ông ta không giết quách ta đi, ông ta có quyền mà và sự đau đớn ta gây ra cho ông ta chắc là dữ dội lắm. Còn về Porthos, quả thật còn vớ vẩn hơn".

Và mặc dầu không muốn, chàng vẫn cứ bật cười, tuy nhiên vẫn vừa cười vừa nhìn xem có ai thấy cái cười một mình vô cớ ấy không, và liệu có xúc phạm đến một khách qua đường nào đó không.

"Còn như Porthos, còn kỳ quái hơn, nhưng ta cũng chẳng kém một tên đểnh đoảng, khốn khổ. Đâm đầu vào người ta như thế mà không báo trước! Không! Và lại đi nhòm người ta dưới chiếc áo khoác để thấy cái gì không có! Chắc chắn anh ta đã tha thứ cho ta nếu như ta đã không cạnh khóe về cái dải đeo gươm chó chết ấy. Đúng vậy? Phải, cạnh khóe đến gay go? Ôi ta đúng là một tên Gátxcông khốn kiếp. Lại đi làm chuyện cố dí dóm trong chảo rán. Nào, D' artagnan, anh bạn của ta ơi - chàng tiếp tục nói với mình bằng cả sự ôn hòa mình tin phải thế - nếu cậu lại thoát khỏi tình cảnh này, chắc là không được đâu, thì về sau, phải hết sức lịch thiệp. Từ nay, phải để cho người ta ngưỡng mộ, người ta kể ra như một hình mẫu. ân cần và lịch thiệp không phải là hèn nhát. Tốt hơn hãy xem Aramis, đấy là sự dịu dàng, hiện thân của sự phong nhã. Thế mà có kẻ nào dám bảo Aramis là một thằng hèn không? Không, chắc chắn thế, và từ nay ta muốn noi gương chàng về mọi mặt. Mà, đúng là chàng ta đây rồi.

D' artagnan chân bước, mồm độc thoại, chỉ còn mấy bước nữa là đến dinh phủ Eghiông, và thấy Aramis, đang vui vẻ chuyện trò với ba nhà quý tộc vệ sĩ của nhà Vua. Về phía mình, Aramis cũng thấy D' artagnan. Nhưng vì không hề quên. chính trước chàng trai trẻ này, ông De Treville đã đùng đùng nổi giận buổi sáng nay và chàng nọ là kẻ chứng kiến những lời trách móc những người lính ngự lâm phải chịu, điều này thật không hay ho gì đối với Aramis, nên chàng làm như không nhìn thấy.

D' artagnan đang hết mình với kế hoạch hòa giải và lễ độ, tiến lại gần bốn chàng trai trẻ, cúi rạp chào họ, kèm theo một nụ cười duyên dáng. Aramis khẽ nghiêng đầu, nhưng không hề cười. Thêm nữa, cả bốn người ngừng ngay tức khắc cuộc trò chuyện của họ.

D' artagnan không đến nỗi quá ngớ ngẩn để không nhận thấy mình là thừa. Nhưng chàng còn chưa đến mức vứt bỏ cung cách ứng xử của giới thượng lưu để thoát ra một cách lịch sự khỏi một tình thế giả tạo như đã xảy ra, về đại thể, nó như tình thế của một người muốn hòa vào những người mình không quen biết mấy và vào cuộc trò chuyện chẳng liên quan gì đến mình.

Vậy là chàng đang tìm cho mình một cách rút lui ít vụng về nhất, nhận thấy Aramis đánh rơi chiếc khăn tay và chắc hẳn do vô ý đã giẫm chân lên, cho rằng cơ hội để sửa chữa khiếm nhã của mình hình như đã tới, chàng liền cúi xuống, và với nụ cười nhã nhặn nhất có thể, rút chiếc khăn tay dưới chân chàng ngự lâm, dù người này đang cố giữ lại, rồi vừa trả vừa bảo:
- Thưa ông, đây là chiếc khăn tay mà mất nó ông sẽ không vui!
Chiếc khăn tay quả được thêu sang trọng mang tước hiệu và gia huy ở một góc - Aramis đỏ bừng mặt lên, cầm lấy, đúng hơn giật lấy từ tay chàng Gátxcông.
- Chà - một lính cận vệ kêu lên - này Aramis thâm trầm, cậu có còn nói cậu đang khủng khỉnh với bà Boa-Tracy nữa không, khi vị phu nhân duyên dáng đó lại sốt sắng cho cậu mượn khăn tay của nàng?
Aramis nhìn D' artagnan như thể cho chàng hiểu chàng vừa chuốc lấy một kẻ thù đấy, rồi lấy lại vẻ hiền từ nói:
- Các vị nhầm rồi! Chiếc khăn này không phải của tôi. Và tôi không biết tại sao ông đây lại nghĩ ra chuyện lạ, thay vì đưa cho một trong các vị lại đưa cho tôi, và bằng chứng điều tôi nói đây, đây mới là chiếc khăn của tôi trong túi của tôi.
- Vừa nói chàng vừa rút chiếc khăn của chính mình ra, một chiếc khăn cũng rất sang, và bằng vải lanh mịn, mặc dầu vào thời đó vải lanh rất đắt, nhưng là khăn không thêu, không gia huy và chỉ được trang trí bằng ký tự duy nhất, ký tự của chủ nó.
Lần này, D' artagnan không nói nửa lời, chàng đã nhận ra sự hớ hênh của mình. Nhưng những người bạn của Aramis không chịu tin những lời phủ nhận của chàng, và một trong số họ nói với chàng với một điệu bộ ra vẻ nghiêm trang:
- Nếu là như thế, như cậu nói ấy, tôi buộc lòng phải xin lại cậu chiếc khăn, Aramis thân mến của tôi ạ, bởi như cậu biết đấy, ông Boa-Tracy là một trong số bạn thân của tôi, và tôi không muốn người ta lấy đồ vật của vợ ông làm chiến tích.
- Cậu đòi hỏi như thế bậy rồi - Aramis trả lời - Và hoàn toàn công nhận việc đòi hỏi của cậu là chí lý về căn bản, nhưng mình sẽ từ chối vì về mặt thể thức.
D' artagnan rụt rè xen vào:
- Sự thật là tôi không trông thấy chiếc khăn rơi từ túi ông.
Aramis. Ông giẫm phải, có thế thôi, và tôi nghĩ một khi ông đã giẫm lên, thì chiếc khăn là của ông.
- Và ông đã nhầm, quý ông thân mến - Aramis trả lời một cách lạnh lùng, thờ ơ với việc sửa chữa thái độ của D' artagnan.
Rồi quay lại phía người cận vệ tuyên bố là bạn của Boa - Tracy:
- Vả lại, ông bạn thân mến của Boa - Tracy quý hóa này, tôi nghĩ rằng tôi cũng là bạn của ông ta không kém mến thương như cậu đâu, cho nên nói cho cùng thì chiếc khăn cũng có thể rơi từ túi của cậu ra như túi của tôi.
- Không, mình thề danh dự đấy! - Người lính cận vệ của Hoàng thượng kêu lên.
- Cậu thề danh dự, còn mình thề trên lương tâm. Vậy thì rõ ràng một trong hai chúng ta nói dối. Này, Môngtarăng, tốt nhất là làm thế này, mỗi người một nửa.
- Chiếc khăn á?
- Ừ!
Hai người cận vệ khác reo lên:
- Hay lắm. Cách xét xử của vua Xalômông đấy. Aramis, cậu lõi đời thật.
Những chàng trai trẻ phá lên cười, và như người ta quen nghĩ sự việc đến đây là hết. Một lát sau, cuộc trò chuyện chấm dứt, ba người cận vệ và người lính ngự lâm sau khi thân thiết siết chặt tay nhau rút lui, ba người cận vệ đi về một ngả, Aramis đi về một ngả.
"Đây là lúc ta hòa giải với con người lịch thiệp này".
D' artagnan tự nhủ, chàng vẫn còn đứng tách ra suốt trong phần cuối của câu chuyện.
Và với thiện ý ấy, chàng lại gần Aramis đang rời xa không hề để ý đến chàng.
- Thưa ông - chàng nói - tôi hi vọng ông sẽ thứ lỗi cho tôi.
Al ông - Aramis ngắt lời - cho phép tôi nhận xét ông rằng ông không hề xừ sự trong tình huống đó như một người lịch thiệp cần làm.
- Sao, ông? - D' artagnan kêu lên - Ông cho…
- Thưa ông, tôi cho ông là một tên ngốc và ông thừa biết, dù từ Gátxcông đến, người ta cũng không vô cớ bước lên những khăn bỏ túi. Quỷ thật, Paris không hề được lát đường bằng vải lanh.
D' artagnan lúc này bản tính hiếu chiến bắt đầu nói to những quyết định hòa bình, liền bảo:
- Thưa ông, ông đã nhầm khi tìm cách hạ nhục tôi. Tôi là dân Gátxcông, đúng vậy, và một khi ông đã biết thế, có nhẽ tôi không cần nói cho ông rằng người Gátxcông ít kiên nhẫn, thành thử khi họ đã một lần nhận lỗi, dù là một sự dại dột, họ cũng tin rằng đã làm quá nửa việc họ phải làm.
- Thưa ông, điều tôi nói với ông - Aramis trả lời - không hề để kiếm cớ gây sự với ông. Nhờ trời tôi không phải là người đi kiếm chuyện quyết đấu, và chỉ làm lính ngự lâm tạm thời thôi, tôi chỉ đánh nhau khi bị buộc lòng, và luôn luôn với một sự ghê tởm khôn cùng. Nhưng lần này, việc thật nghiêm trọng, bởi đây là một phu nhân bị tổn thương danh dự bởi ông.
- Bởi chúng ta! Thế đấy? - D' artagnan nói to.
- Tại sao ông lại vụng về đưa trả tôi chiếc khăn tay?
- Tại sao ông lại vụng về để rơi nó?
- Tôi đã nói và tôi nhắc lại chiếc khăn không hề rơi ra từ túi tôi.
- Thưa ông, vậy thì ông đã hai lần nói dối, bởi chính tôi đã trông thấy nó rơi ra?
- A, ông lại nói cái giọng đó, thưa ông Gátxcông, vậy thì tôi sẽ dạy ông cách sống.
- Và tôi, tôi sẽ tống ông về các cuộc lễ, thưa ông tu viện trưởng! Tuốt gươm ra, nếu ông thích, ngay bây giờ.
- Không đâu, xin vui lòng, ông bạn vàng của tôi, ít ra không ở đây đâu ông không thấy chúng ta đang ở trước dinh phủ Eghiông à, đầy người của Giáo chủ trong này. Ai bảo tôi rằng không phải Đức ông sai ông lấy đầu tôi? Mà tôi lại coi đó là chuyện lố lăng vì vẫn đinh ninh rằng đầu tôi hình như lại quá thuận với hai vai tôi. Vậy là tôi muốn giết ông, bình tĩnh nào, nhưng giết ông một cách dịu dàng trong một nơi nào kín, um tùm, ở đó ông sẽ không thể khoe cái chết của mình với bất cứ ai.
- Tôi muốn được thế lắm, nhưng chớ có tự tin thế, và hãy mang theo chiếc khăn tay của ông, dù của ông hay không, nhưng có lẽ ông sẽ có dịp dùng đến nó đấy.
- Ông là dân Gátxcông? - Aramis hỏi.
- Phải. Quý ông không vì quá thận trọng mà lui lại cuộc hẹn chứ?
- Sự thận trọng, thưa ông, là một đức tính khá vô ích với người lính ngự lâm, tôi biết vậy, nhưng lại rất cần thiết đối với người của nhà thờ. Và vì tôi là ngự lâm tạm thời, tôi vẫn phải thận trọng. Vào lúc hai giờ, tôi sẽ có vinh dự đợi ông ở dinh quán ông De Treville. Đến đó, tôi sẽ chỉ cho ông những chỗ tốt.
Hai chàng trai trẻ chào nhau, rồi Aramis rời xa, đi ngược lên dãy phố đầu vườn Luxembourg, còn D' artagnan thấy thì giờ đang trôi nhanh, vừa đi theo đường Cácmơ Đềsô, vừa nhủ thầm:
"Chắc chắn, ta sẽ không thể thoát nổi, nhưng ít nhất nếu ta bị giết, ta sẽ chết bởi một lính ngự lâm".

Chú thích:
(1) Etriller (tiếng Pháp): Cọ lông ngựa bằng bàn chải sắt - nghĩa bóng: đánh đập.

BA CHÀNG LÍNH NGỰ LÂM CHƯƠNG 3 Sự ra mắt

 Ba chàng lính ngự lâm
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch giả: Nguyễn Bản
Chương 3 - Sự ra mắt

Ông De Treville lúc đó trông rất dừ tợn, tuy nhiên ông vẫn lịch sự chào chàng trai đang rạp mình xuống đất. Ông mỉm cười nhận lời chúc tụng mang giọng miền Bearn, khiến ông vừa nhớ lại tuổi trẻ vừa nhớ đến quê hương, một kỷ niệm khiến con người dù ở lứa tuổt nào cũng phải mỉm cười. Nhưng vừa giơ tay ra hiệu cho D' artagnan như muốn yêu cầu chàng cho phép làm việc với người khác trước khi với chàng, ông tức khắc bước lại gần tiền sảnh, gọi lên ba lần, mỗi câu lại to giọng hơn như thể vượt qua nấc thang trung gian giùa giọng mệnh lệnh và giọng tức giận:
- Athos! Porthos! Aramis!

Hai lính ngự lâm mà chúng ta đã được làm quen, đáp lại hai tiếng gọi sau cùng của ba cái tên ấy rồi lập tức rời ngay nhóm người họ vừa tham gia và bước tới văn phòng. Vừa bước chân khỏi ngưỡng cửa, cửa đã đóng sập sau lưng họ. Thái độ của họ mặc dầu không bình tĩnh lắm, song vẻ tỉnh bơ tràn đầy tự trọng vừa tuân phục khiến lòng ngưỡng mộ của D' Artagnan cũng bị kích thích khi nhìn thấy trong những con người ấy, những vị bán thần và trong thủ lĩnh của họ, một thần Juypite của núi Ôlempơ vũ trang toàn bằng sấm sét.
Hai người ngự lâm đã đi vào, cửa đã đóng kín sau lưng họ, tiếng gọi vừa đừợc ban ra chắc chắn đem lại cho tiếng thì thầm lao xao trong tiền sảnh một dế mục mởi. Ông De Treville di đi lại lại ba bốn lán dọc chiều dài căn phòng qua trước mặt Porthos và Aramis. Cả hai thẳng đơ và câm miệng như trong buổi diễu binh. Cuối cùng ông bất thình lình dừng lại trước mặt họ, đưa mắt nhìn họ suốt từ đầu đến chân tức giận và hét lên:
- Các vị có biết nhà Vua nói gì với tôi không, và vừa mới tối qua thôi, có biết không các vị?
- Không, - cả hai đều đáp sau một phút im lặng - không, thưa ngài, chúng tôi không biết.
Rồi Aramis bằng một giọng lễ phép nhất và tôn kính nhất nói thêm:
- Nhưng tôi hy vọng ngài làm ơn nói cho chúng tôi biết.
- Nhà Vua bảo tôi từ nay Người sẽ tuyển mộ ngự lâm quân trong số lính cận vệ của Đức Giáo chủ!
- Trong số cận vệ của Đức Giáo chủ ư? Tại sao lại thế? - Porthos hỏi lại ngay.
- Bởi nhà Vua thấy rõ món vang chua của mình cần phải làm cho sắc nước hơn bằng việc pha thêm vang quý.

Hai chàng trai ngự lâm đỏ mặt lên đến tận lòng trắng đôi mắt. D' artagnan không biết mình đang ở đâu nữa và chỉ muốn chui xuống đất.

- Phải, phải - Ông De Treville tiếp tục một cách sôi nổi - và Hoàng thượng có lý, bởi, ta thề danh dự đúng là ngự lâm quân đã tạo nên bộ mặt đáng buồn trong triều. Hôm qua Đức Giáo chủ chơi bài với nhà Vua đã kể lại với vẻ chia buồn làm ta rất khó chịu, rằng tối hôm kia những tên ngự lâm khốn kiếp, lũ quỷ hiện thành người ấy, Giáo chủ nhấn mạnh những từ đó bằng một giọng mỉa mai khiến ta càng bực mình hơn, những tên cắt xẻo thịt người ấy, ông ta vừa thêm vừa nhìn ta bằng con mắt mèo rừng, la cà ở phố Fréjus trong một quán rượu, và rồi một toán cận vệ của ông ta, ta tưởng như ông ta sắp cười vào mũi ta, buộc lòng phải bắt giữ những tên càn quấy. Trời ơi? Các anh phải biết gì đó về việc ấy chứ? Bắt giữ ngự lâm quân? Các anh trong bọn họ, các anh ấy, đừng có mà chống chế, người ta đã nhận ra các anh và Giáo chủ đã chỉ đích danh các anh. Rõ ràng là lỗi của ta, phải lỗi của ta, một khi chính ta chọn người. Xem nào, Aramis, vì chuyện quái quỷ gì mà anh ta lại xin ta mặc áo lính, khi ta sắp sửa quá ư thích hợp dưới cái áo thày tu? Còn anh, Porthos anh đã chẳng có một chiếc dải đeo gươm thêu vàng chỉ để đeo một thanh gươm bằng dạ ư? Còn Athos nữa? Ta không thấy Athos. Anh ta ở đâu?
- Thưa ngài - Aramis trả lời buồn bã - Ông ấy ốm, ốm nặng.
- Ốm, ốm nặng! Anh bảo thế sao? Bệnh gì?
- Thưa ngài, e là bệnh đậu mùa nhẹ, - Porthos trả lời, đến lượt mình cũng muốn xen vào câu chuyện - sẽ rất đáng buồn, bởi chắc chắn sẽ làm xấu bộ mặt ông ta.
- Bệnh đậu mùa ư? Lại thêm một chuyện tuyệt luân anh kể ta nghe đấy, Porthos ạ? Ốm vì bệnh đậu mùa ở tuổi ông ta ư?
- Không đâu?.. Nhưng bị thương là cái chắc. Có thể bị giết nữa. Chà! Nếu ta biết chắc! Trời ơi! Thưa các vị ngự lâm quân, ta không bằng lòng việc các vị lui tới những nơi tồi tệ ấy, không bằng lòng các vị cãi cọ nhau trên đường phố và đọ gươm ở các ngã tư. Ta không muốn, cuối cùng bị đem làm trò cười cho bọn cận vệ của Đức Giáo chủ. Là những con người dũng cảm, điềm đạm, khôn khéo, không bao giờ để bị rơi vào trường hợp bị bắt giữ, hơn nữa chính họ cũng chẳng chịu để bị bắt giữ, ta tin chắc như vậy. Họ thích thà chết ngay tại chỗ còn hơn lùi một bước. Chạy trốn, lủi, tránh, thật đẹp mặt cho ngự lâm quân của nhà Vua, thế đấy! Porthos và Aramis giận run lên, có nhẽ họ sẵn sàng bóp cổ ông De Treville, nếu như trong sâu thẳm của chuyện này, họ không cảm thấy tình yêu lớn lao ông dành cho họ nên mới nói họ như vậy. Họ dậm chân lên thảm trải, cắn môi đến bật máu và dùng hết sức siết chặt chuôi gươm.

Như đã nói, phía bên ngoài người ta đã nghe thấy gọi Athos, Porthos và Aramis, và đã đoán ra qua giọng nói của ông De Treville là ông đang tức giận tột cùng. Mươi cái đầu tò mò áp vào tấm thảm bọc cửa, tái đi vì giận giữ, vì tai họ dính vào cánh cửa không để sót một lời nào, trong khi miệng họ nhắc lại lần lượt những lời sỉ vả của ông đại úy cho tất cả mọi người ngoài tiền sảnh nghe.

Trong phút chốc từ ngoài cửa văn phòng đến cửa mở ra phố, tất cả tòa nhà sôi lên sùng sục.
- A, lính ngự lâm của nhà Vua lại để cho bọn cận vệ của Giáo chủ bắt giữ! - Ông De Treville cũng giận dữ như quân lính ngự lâm của mình tiếp tục nhưng giật giọng từng lời, và có thể nói như đâm từng nhát ngần ấy mũi dao vào ngực thính giả của mình. - Mẹ kiếp sáu cận vệ của Đức ông bắt giữ sáu ngự lâm quân của Hoàng thượng! Trời đất! Ta đã quyết định rồi. Ta sẽ đến thẳng điện Louvre, ta sẽ xin từ chức đại úy ngự lâm quân của nhà Vua để xin được làm phó úy trong cận vệ của Giáo chủ, và nếu ngài từ chối, mẹ kiếp, ta sẽ làm tu viện trưởng.

Trước những lời lẽ đó, tiếng thì thào phía ngoài trở thành một tiếng nổ. Đâu đâu người ta cũng chỉ nghe thấy tiếng chửi rủa và phỉ báng. Những tiếng mẹ kiếp! Khốn kiếp! Chết mẹ chúng bay đi! Vấp nhau trong không khí. D' artagnan kiếm một tấm thảm treo; núp sau đó và tự cảm thấy một sự ham muốn vô hạn là rúc dưới gầm bàn.

Porthos không kiềm chế nổi nữa nói:
- Thế nào, ngài đại úy của tôi, sự thật là sáu chọi sáu đấy, nhưng chúng tôi bị phản và trước khi chúng tôi kịp rút gươm thì hai người chúng tôi đã bị giết chết, và Athos thì bị thương nặng, cũng chẳng hơn gì mấy. Bởi vì ngài cũng biết đấy, thưa đại úy, Athos đã hai lần cố vùng dậy rồi lại ngã xuống hai lần. Tuy vậy, chúng tôi không đầu hàng, không. Chúng dùng sức mạnh lôi chúng tôi đi. Dọc đường chúng tôi chạy thoát. Còn Athos chúng tưởng chết nên để mặc trên bãi chiến trường, không nghĩ bõ công mang đi, chuyện là thế. Quỷ chưa thưa đại uý! Người ta không thể trận nào cũng thắng đâu. Pompê vĩ đại (1) đã thua ở Phác Xan, và vua Frăngxoa đệ nhất, tôi nghe nói ngang tài thiên hạ tuy vậy cũng bị thất bại ở Pavi(2).

- Và tôi có vinh dự cam đoan với ngài tôi đã giết chết một tên bằng chính gươm của nó - Aramis nói - bởi gươm của tôi bị gãy ngay từ miếng đánh đầu tiên. Giết hay đâm bằng dao găm, thưa ngài, ngài thích thế nào xin tùy.
Ông De Treville đáp giọng hơi dịu bớt:
- Ta không biết việc đó. Theo như ta thấy, Đức Giáo chủ đã cường điệu thêm.
Aramis thấy đại úy của mình đã nguôi ngoai đánh bạo đưa ra một thỉnh cầu:
- Nhưng xin ngài, ngài làm ơn đừng nói chính Athos chứ không ai khác bị thương. Việc đó đến tai nhà Vua sẽ làm ngài thất vọng, và vì vết thương vào loại nặng nhất, sau khi đã xuyên qua vai, nó đâm sang ngực, sẽ đáng ngại đấy.
Đúng lúc ấy màn cửa được nâng lên, và một khuôn mặt đẹp và cao quý, nhưng xanh xao khủng khiếp hiện ra dưới mép rèm.
- Athos! - Hai chàng ngự lâm kêu lên.
- Athos!- Bản thân ông De Treville cũng nhắc lại.
- Thưa ngài, ngài cho đòi tôi - Athos nói với ông De Treville bằng một giọng yếu ớt, nhưng hoàn toàn bình thản. Theo các bạn tôi nói, ngài đã cho đòi tôi, và tôi vội đến nhận lệnh của ngài. Vậy thưa ngài muốn gì ở tôi?

Vừa nói, người lính ngự lâm quần áo chỉnh tề và nai nịt như thường lệ này cả quyết bước vào trong văn phòng. Ông De Treville xúc động đến tận đáy lòng trước bằng chứng của tính can trường, nhảy bổ đến người này, và nói:
- Tôi đang nói với các vị này rằng tôi cấm binh lính ngự lâm của tôi không được phơi mạng mình ra một cách không cần thiết, bởi những con người dũng cảm rất quý đối với nhà Vua, và nhà Vua biết những ngự lâm quân của mình là những người dũng cảm nhất trên trái đất. Nào Athos xin bắt tay ông.
Và không đợi người mới đến tự mình đáp lại bằng chứng của sự thân thương, ông De Treville nắm bắt bàn tay phải và siết rất mạnh, không nhận thấy Athos dù đang hết sức kiềm chế bản thân vẫn không thoát khỏi một biểu hiện đau đớn và lại tái người đi, điều mà người ta có thể tin không thể có được.

Cửa vẫn còn hé mở, mặc dầu bí mật được giữ kín, nhưng vết thương mọi người vẫn biết, và Athos vừa đến đã gây ra xúc động cho mọi người. Một tiếng xôn xao thỏa mãn hoan nghênh những lời nói cuối cùng của đại úy, và vài ba cái đầu bị lông nhiệt tình cuốn theo đã hiện ra ở mấy chỗ cửa rèm, chắc chắn ông De Treville đang định quở trách sự vi phạm luật lệ về lễ nghi này bằng những lời lẽ gay gắt thì bất thình lình ông cảm thấy bàn tay của Athos co quắp trong bàn tay ông và khi ngước nhìn lên, ông thấy Athos, đang sắp ngất. Cũng ngay lúc ấy, Athos thu hết sức lực để đấu tranh chống lại sự đau đớn, cuối cùng đã bị thua, ngã vật xuống sàn nhà như đã chết.

- Một nhà phẫu thuật - Ông De Treville kêu to - Của ta, tốt hơn là của nhà Vua! Một phẫu thuật gia? Chó chết? Athos dũng cảm của ta sắp gay rồi.

Nghe tiếng kêu của ông De Treville, mọi người đổ xô vào văn phòng của ông, ông cũng chẳng còn bụng dạ nào đóng cửa ngăn ai, ai nấy đều chạy đến xung quanh người bị thương. Nhưng mọi người xăng xái đều vô ích nếu như bác sĩ được yêu cầu không được tìm thấy ngay trong dinh quán. Ông ta rẽ đám người ra, lại gần Athos vẫn đang mê man và vì tất cả ồn ào và nháo nhào kia gây trở ngại lớn cho ông ta, ông ta yêu cầu việc đầu tiên và cũng là khẩn thiết nhất là người lính ngự lâm phải được khênh sang phòng bên cạnh. Ông De Treville ngay tức khắc mở một cái cửa và chỉ đường cho Porthos và Aramis khênh bạn mình đi, theo sau là nhà phẫu thuật và cuối cùng cánh cửa khép lại sau nhà phẫu thuật. Lúc đó văn phòng của ông De Treville, cái địa điểm thường ngày được tôn kính thế, tạm thời trở thành một phòng phụ của tiền sảnh. Người thuyết giải, ba hoa, to tiếng, chửi bới văng tục, coi Giáo chủ và lũ cận vệ của ông là một lũ quỷ tha ma bắt.
Một lát sau, Porthos và Aramis trở ra. Chỉ còn nhà phẫu thuật và ông De Treville còn lại bên người bị thương.

Cuối cùng ông De Treville đến lượt mình cũng ra. Người bị thương đã tỉnh, nhà phẫu thuật tuyên bố tình trạng của người lính ngự lâm không có gì có thể khiến bạn bè mình phải lo lắng, sự ốm yếu của ông ta chỉ là tạm thời do mất máu.

Rồi ông De Treville giơ tay ra hiệu, mọi người rút lui trừ D' artagnan, không hề quên mình phải yết kiến và với tính kiên trì của dân Gátxcông, chàng ở nguyên tại chỗ.

Khi mọi người đã ra hết và cửa đã được đóng lại, ông Treville quay lại và thấy chỉ còn riêng mình với chàng trai trẻ. Sự kiện vừa qua khiến ông lãng quên đôi chút dòng suy nghĩ của mình.

Ông hỏi người thỉnh cầu gan bướng này muốn gì ở ông, D' artagnan lúc đó mới xưng tên, và ông De Treville lập tức nhớ lại mọi kỷ niệm của hiện tại và quá khứ của mình và hiểu ra ngay vị thế trong mình.
- Xin lỗi - Ông vừa nói vừa cười - xin lỗi anh bạn đồng hương thân mến của ta, ôi ta quên khuấy mất anh. Anh muốn gì nào?
Một đại úy chẳng khác gì một người cha trong gia đình, có một trách nhiệm lớn lao hơn một người cha trong gia đình thông thường nhiều. Binh lính là những đứa con lớn, nhưng vì ta phải giữ sao cho những mệnh lệnh của nhà Vua, nhất là của Đức ông Giáo chủ phải được thi hành...
D' artagnan không giấu nổi một nụ cười. Thấy nụ cười đó ông De Treville cho rằng chả tội gì lôi thôi với một thằng ngốc, nên đi thẳng vào việc và xoay hẳn câu chuyện sang hướng khác.
- Ta rất quý cụ thân sinh ra anh. Ta có thể làm gì cho người con của cụ đây? Vào nhanh lên, thời gian không cho phép ta đâu?
- Thưa ngài - D' artagnan nói - tôi rời Tácbơ đến đây là cốt để xin ngài, vì tình bằng hữu mà ngài sẽ không quên, ban cho tôi chiếc áo ngự lâm quân, nhưng sau mọi chuyện mà tôi vừa chứng kiến hai tiếng đồng hồ trước đây, tôi hiểu ra rằng một sự ưu ái như thế sẽ là rất lớn lao, và tôi run lên vì sợ mình không chủt xứng đáng.

- Đó quả là một sự ưu ái, anh bạn trẻ ạ - Ông De Treville đáp - nhưng nó có thể không vượt quá tầm anh như anh tưởng hoặc có vẻ như anh tưởng đâu. Tuy nhiên một đạo dụ của Hoàng Thượng đã tiên liệu trường hợp này. Và ta lấy làm tiếc mà báo cho anh biết, người ta không nhận bất kỳ ai làm ngự lâm quân trước khi có sự thử thách tiên quyết trong một vài trận đánh, một số chiến công sáng chói hoặc tại ngũ hai năm trong một binh đoàn nào khác kém ưu ái hơn binh đoàn của chúng ta.

D' artagnan nghiêng mình không đáp. Chàng cảm thấy còn khao khát được khoác lên mình bộ đồng phục ngự lâm hơn cả khi chàng thấy có bao nhiêu khó khăn lớn lao để đạt được.

- Nhưng - Ông Treville nói tiếp vừa nhìn thẳng vào người đồng hương bằng con mắt sắc nhọn, như thể muốn đọc sâu trong tim gan chàng - Nhưng, thể tình cha anh, người bạn đồng ngũ cũ của ta, như ta đã nói với anh, ta muốn làm một cái gì đó cho anh, anh bạn ạ. Những người lính trẻ miền Bearn chúng ta thường không giàu có gì và ta ngờ rằng từ khi ta đi khỏi tỉnh nhà, mọi sự không được cải thiện mấy. Vậy với số tiền anh mang theo, hẳn là anh không có thừa thãi để đủ sống.

D' artagnan vươn thẳng người với một vẻ kiêu hãnh như muốn nói rằng chàng không hỏi xin bố thí của ai.
- Được lắm, anh bạn trẻ, được lắm - Ông Treville tiếp tục - Ta thừa hiểu cái thói ấy: Ta đến Paris với bốn đồng tiền vàng trong túi và ta sẽ đánh nhau với bất kỳ ai bảo ta rằng, lấy gì mà mua nổi điện Louvre.
D' artagnan mỗi lúc càng thẳng người lên. Nhờ bán con ngựa chàng vào nghề với bốn đồng vàng nhiều hơn ông De Treville khi bắt đầu sự nghiệp của mình.

- Vậy ta nói cho anh hay, anh cần dành dụm cái mà anh có, dù món tiền đó lớn đến mấy, nhưng anh cũng cần luyện tập để tự hoàn thiện sao cho xứng với một người quý tộc. Ngay hôm nay, ta sẽ viết cho ông giám đốc Hàn lâm viện hoàng gia, và ngay ngày mai ta sẽ nhận anh không mất chút thù lao nào. Đừng có từ chối sự ưu ái nhỏ bé này. Những nhà quý tộc dòng dõi cao quý nhất và giàu có nhất đôi khi mong được thế mà không được đấy. Anh sẽ học điều khiển ngựa, đấu gươm và khiêu vũ? Ở đây, anh sẽ được làm quen với những người tốt, thỉnh thoảng anh trở lại gặp ta cho ta biết anh đã tiến bộ đến đâu, và ta có thể làm điều gì đó giúp anh.

D' artagnan còn hoàn toàn xa lạ với cung cách nơi triều đình, cảm thấy sự lạnh nhạt trong tiếp đón.
- Than ôi, thưa ngài - chàng nói - lúc này tôi mới thấy bức thư giới thiệu viết cho ngài mà cha tôi đã trao cho tôi gây hại cho tôi đến mức nào!
Ông Treville đáp:
- Quả thật, ta ngạc nhiên là anh đã làm một cuộc hành trình dài đến thế mà lại không cỏ thứ bánh thánh bắt buộc ấy, phương sách duy nhất của người Bearn chúng ta.
- Tôi có chứ, thưa ngài, có Chúa chứng giám, đúng thể thức - D' artagnan kêu lên - nhưng họ đã tráo trở lột mất của tôi.
Và chàng kể lại mọi chuyện ở Măng, tả lại gã quý tộc không quen biết với những chi tiết nhỏ nhất một cách sôi nổi và thật thà khiến ông De Treville rất mê.
- Thế thì lạ nhỉ - Ông trầm ngâm nói - Tức là anh đã gióng tên tôi lên?
- Vâng, thưa ngài, chắc hẳn tôi đã mắc phải một điều bất cẩn. Nhưng ngài bảo sao, một cái tên như tên ngài phải được dùng như một cái khiên cho tôi trên đường đi. Ngài thử xét xem liệu tôi có luôn được che chở không?
Sự tâng bốc thật quả đúng lúc, và ông De Treville cũng thích sự tán tụng như một ông vua và như một Giáo chủ. Ông không kìm giữ nổi một nụ cười lộ vẻ thỏa mãn, nhưng nụ cười lại sớm tắt ngay, và chính ông lại quay lại câu chuyện phiêu lưu ở Măng.
- Nào, anh nói xem, cái gã quý tộc ấy không có một vết sẹo ở má chứ?
- Có chứ ạ, như một vết đạn xước.
- Không phải là một người phong độ nho nhã chứ?
- Phải ạ.
- Người cao lớn?
- Vâng.
- Da tái râu tóc nâu?
- Vâng, vâng, chính thế đó. Thưa ngài. Làm thế nào ngài lại biết được con người đó? Chà, nếu bao giờ tôi gặp hắn, mà tôi sẽ gặp lại, tôi xin thề với ngài đấy, dù ngay ở địa ngục...
- Hắn đợi một phụ nữ! - Ông Treville tiếp tục.
- Ít nhất hắn cũng chuyện trò một lúc với người đàn bà hắn đợi rồi mới ra đi.
- Anh không biết câu chuyện của họ xoay quanh chủ đề gì ư?
- Hắn đưa cho người đàn bà một cái hộp, và bảo trong hộp có những chỉ thị của hắn và dặn đến London mới được mở.
- Người đàn bà đó là người Anh?
- Hắn gọi là Milady.
- Chính hắn! - Ông Treville lẩm bẩm - Đúng hắn? Ta cứ ngỡ hắn còn ở Bruxelles?
- Ồ thưa ngài, nếu ngài biết kẻ đó là ai - D' artagnan kêu lên. - Xin hãy chỉ rõ tên hắn là gì, hắn ở đâu, tôi sẽ bỏ hết những điều tôi xin ngài, kể cả lời hứa của ngài cho tôi xung vào ngự lâm quân, bởi trên hết mọi điều, tôi muốn trả thù.
- Hãy cẩn thận đấy, chàng trai trẻ - Ông Treville nói - Trái lại, nếu như thấy hắn ta đến từ đầu phố này, hãy qua ngay sang đầu phố kia! Chớ có húc đầu vào tảng đá ấy. Nó sẽ đập vỡ anh như một hòn thủy tinh.
- Điều đó không ngăn nổi có ngày tôi gặp lại hắn.

- Trong khi chờ đợi - Ông Treville nói - đừng có đi tìm hắn, ta có lời khuyên anh đấy.
Bất ngờ, ông Treville dừng lại, bàng hoàng vì một mối nghi ngờ đột ngột. Hận thù lớn lao mà chàng du khách trẻ đã lớn tiếng bày tỏ với cái kẻ, có lẽ phần nào đúng, đã tước đoạt bức thư của cha chàng, lòng hận thù ấy liệu có không che giấu một sự tráo trở nào chăng? Con người trẻ tuổi này liệu có phải do Đức ông phái đến không? Anh ta không đến để giăng bẫy ông chứ? Cái kẻ giả vờ là D' artagnan này phải chăng là một mật sứ của Giáo chủ tìm cách lọt vào nhà ông, để ở gần ông, chiếm lấy lòng tin của ông rồi về sau hại ông, như đã được áp dụng hàng nghìn lần rồi? Ông chăm chú nhìn D' artagnan lần này kỹ hơn lần đầu. Ông không được yên tâm lắm trước bộ mặt ánh lên vẻ giảo hoạt và sự khiêm nhường dễ thương.

Ông nghĩ. Ta biết thừa hắn người Gátxcông nhưng hắn có thể tốt cho ta cũng như cho Giáo chủ. Để xem, hãy thử thách hắn đã.

- Anh bạn này - Ông từ tốn nói - vì anh là con trai ông bạn cũ của ta, ta coi chuyện mất thư là chuyện thực, để sửa chữa vẻ lạnh nhạt lúc đầu anh nhận thấy trong sự tiếp đón của ta. Ta muốn phơi bày cho anh biết những bí mật về chính sách của chúng ta. Nhà Vua và Giáo chủ là những người bạn tốt nhất. Những vẻ ngoài tưởng như kỵ nhau của họ chỉ là để lừa những tên ngốc. Ta không muốn một người đồng hương, một kỵ sĩ đẹp trai dũng cảm đầy sức thăng tiến lại bị lừa bởi những trò vờ vĩnh đó rồi chui vào lưới như một kẻ ngớ ngẩn, theo sau biết bao kẻ khác đã đâm đầu vào. Hãy nghĩ rằng ta trung thành với cả hai vị chúa tể quyền lực vô biên đó, và rằng những bước đi nghiêm túc của ta bao giờ cũng không ngoài mục đích phụng sự nhà Vua, và Đức Giáo chủ, một trong những thiên tài lỗi lạc nhất mà nước Pháp đã sinh ra. Giờ đây, anh bạn trẻ hãy xử sự đúng như thế, và nếu như vì gia đình, họ hàng hoặc do ngay cả bản năng, anh có mang một trong những mối hận thù nào đó chống lại Giáo chủ, giống như chúng ta thấy bùng nổ ở những chàng quý tộc vừa rồi, thì hãy vĩnh biệt ta rồi chia tay nhau: Ta sẽ giúp anh trong mọi tình thế nhưng không ràng buộc anh với bản thân ta. Ta hy vọng lòng thành thật của ta dẫu sao cũng sẽ khiến anh thành bạn ta, bởi cho đến nay anh là chàng trai trẻ duy nhất mà ta cho biết những điều như vừa rồi.

Treville lại tự nhủ:
"Nếu như Giáo chủ phái đến ta con cáo non này, chắc hẳn lão đã không quên dặn tên gián điệp của lão cách tốt nhất để tán tỉnh ta là bôi nhọ lão, vì lão thừa biết ta ghét lão độc địa đến mức nào. Cho nên mặc dầu những phản kháng của ta, thằng cha nham hiểm này hẳn sẽ trả lời ta hắn kinh hãi Đức ông".

Nhưng hoàn toàn khác hẳn điều ông Treville mong đợi, D' artagnan trả lời quá giản dị:
- Thưa ngài, tôi đến Paris với những ý định hoàn toàn như vậy. Cha tôi đã khuyên răn tôi chỉ chịu đựng nhà Vua, Đức Giáo chủ và ngài mà ông coi như ba người đứng đầu nước Pháp.
D' artagnan đã đưa thêm ông Treville vào hai người kia, nhưng chàng nghĩ việc thêm thắt này chẳng hại gì và nói tiếp:
- Vậy nên tôi rất tôn sùng Đức Giáo chủ và kính trọng sâu sắc những hành vi của người. Thưa ngài, nếu như ngài nói với tôi với lòng thành thực như ngài nói thì càng hay cho tôi, bởi ngài làm cho tôi được vinh dự tự hào về sự giống nhau về sở nguyện này, nhưng nếu ngài còn có chút nghi ngại nào, cũng là tự nhiên thôi, thì tôi cảm thấy mình dại dột khi nói lên sự thật. Nhưng không sao, rồi ngài sẽ không tránh khỏi quý mến tôi đâu. Đấy chính là điều tôi phải giữ hơn tất cả mọi thứ ở trên đời.

Ông De Treville bị ngạc nhiên tới cực điểm. Bấy nhiêu thăm dò, bấy nhiêu thành thực, cuối cùng chàng trai đã gây được lòng ngưỡng mộ, nhưng chưa hoàn toàn gạt đi hết những mối nghi ngờ của ông. Chàng trẻ tuổi này càng ở mức trên những chàng trai trẻ khác bao nhiêu ông càng sợ mình bị nhầm lẫn bấy nhiêu. Tuy nhiên ông siết chặt tay D' artagnan và bảo:

- Anh là một chàng trai trung thực, nhưng trong lúc này, ta chỉ có thể làm được điều mà ta đã hứa với anh lúc nãy. Nhà ta luôn mở rộng cửa với anh. Sau này, có thể yêu cầu gặp ta bất cứ giờ nào và do đó hãy nắm lấy thời cơ, có thể anh sẽ đạt được điều anh muốn đạt.
- Thưa ngài, có nghĩa là ngài đợi tôi trở nên xứng đáng với điều đó? - D' artagnan nói thêm với lối thân mật của dân Gátxcông - Vậy, ngài yên tâm, ngài không đợi lâu đâu.
Rồi chàng chào và rút lui, như thể từ nay phần còn lại là trông mong ở chính mình.
- Nhưng đợi đã - Ông De Treville vừa nói vừa ngăn chàng lại - Ta đã hứa gửi một bức thư cho ông giám đốc Viện Hàn lâm. Anh có quá kiêu hãnh mà không nhận nó không, nhà quý tộc trẻ của ta?
- Không, thưa ngài - D' artagnan nói - Tôi xin trả lời ngài rằng sẽ không có chuyện bức thư này như bức thư trước đâu. Tôi sẽ giữ nó thật cẩn thận, nó sẽ đến đúng địa chỉ, tôi xin thề với ngài đó, và sẽ bất hạnh cho kẻ nào định tước đoạt nó của tôi.

Ông Treville mỉm cười trước sự huênh hoang đó và để người đồng hương trẻ chờ ở khung cửa sổ nơi họ gặp nhau và nói chuyện với nhau, ông bắt đầu viết thư giới thiệu như đã hứa.

Trong lúc đó, D' artagnan không có việc gì để làm, bèn nện gót trên gạch lát nền, nhìn những ngự lâm quân, người nọ nối người kia đi khỏi đấy. chàng đưa mắt nhìn theo tới khi họ biến mất ở chỗ ngoặt của đường phố.
Viết xong và niêm phong bức thư, ông đứng lên, đến gần và đưa nó cho chàng. Nhưng đúng lúc D' artagnan chìa tay ra nhận, ông De Treville hết sức lạ lùng thấy con người được ông che chở nhảy vọt lên, bừng bừng giận dữ và vừa lao ra khỏi văn phòng vừa la hét:
- A! Đồ chết dẫm! Lần này nó không thoát khỏi tay ta đâu.
- Mà ai mới được chứ? - Ông De Treville hỏi.
- Nó, tên ăn cắp của tôi! - D' artagnan trả lời - A, đồ phản!
Rồi chàng biến mất.
- Tên điên này! - Ông De Treville lẩm bẩm - Tuy nhiên trừ phi - ông thêm - đó chỉ là một thủ đoạn khôn khéo để chuồn, khi thấy mình đã bị lộ.

Chú thích:(1) Pompeé - Tướng La Mã, cùng với Caesar và Crassus họp thành tam hùng chống lại hạ viện, sau đối địch với Caesar, người được hạ viện và giới quý tộc nưởc Cộng hòa ủng hộ. Sau một cuộc chiến khủng khiếp bị bại ở Pharsale và khi đến Ai Cập tìm nơi trú thân thì bị ám sát
(2) Pavi: Nơi François I, bị người Tây Ban Nha đánh bại và bị bắt làm tù binh ngày 24-2-1525 viết thư cho mẹ: "Tất cả bị mất hết trừ danh dự".

Ba chàng lính ngự lâm chương 2 Tiền sảnh nhà ông De Treville

 Ba chàng lính ngự lâm
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch giả: Nguyễn Bản
Chương 2 Tiền sảnh nhà ông De Treville

Ông De Troavin, gia đình ông vẫn còn gọi ông như thế, còn ông, cuối cùng ông lại tự gọi mình là De Treville. Thực tế ông cũng khởi nghiệp như D' artagnan, nghĩa là không một xu dính túi, mà với cái vốn táo gan, trí tuệ và tài ứng biến, nó làm cho gã quý tộc quèn Gátxcông nghèo khó nhất thường hy vọng nhận được sự thừa kế dòng dõi còn hơn cả một quý tộc giàu có nhất ở Pêrigoóc hay Beri nhận được trong thực tế. Lòng quả cảm phi thường và niềm hạnh phúc còn phi thường hơn trong một thời mà đòn giáng như mưa đá, đã kéo ông lên tận đỉnh cao của nấc thang khó khăn mà người ta gọi là sự sủng ái của triều đình, mà ông đã từng leo lên bốn bậc một.

Ba chàng lính ngự lâm chương 1 Ba tặng vật của ông D' Artagnan bố.

 Ba chàng lính ngự lâm
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch giả: Nguyễn Bản
Chương 1 Ba tặng vật của ông D' Artagnan bố.

Ngày thứ hai đầu tiên của tháng tư năm 1625, thị xã Măng (1) nơi sinh tác giả của cuốn Tiểu thuyết Hoa hồng dường như trong một cơn cách mạng như thể người theo giáo phái Canvanh(2) lần thứ hai lại tới vây hãm Pháo thành La Rochelle(3). Nhiều thị dân thấy đàn bà ở phố lớn chạy trốn, trẻ con kêu khóc nơi ngưỡng cửa, liền vội vã khoác chiến bào, và bằng một khẩu hỏa mai hoặc ngọn giáo để củng cố lòng dũng cảm, hướng về phía lữ quán Chủ cối xay. Trước lữ quán, một nhóm người chen chúc, mỗi lúc một đông thêm, nhốn nháo, ồn ào và đầy vẻ tò mò.

Thời buổi ấy, những cơn hoảng loạn luôn xảy ra, không mấy khi lại không có thành phố này, thị trấn nọ ghi ký vào sổ lưu trữ của mình một sự kiện nào đó thuộc loại ấy. Các lãnh chúa chinh phạt lẫn nhau. Quốc vương khai chiến với Giáo chủ. Tây Ban Nha khai chiến với Quốc vương. Rồi thì, ngoài những cuộc chiến thầm lặng hoặc công khai, bí mật hoặc đường hoàng, lại còn bọn trộm cắp, lũ ăn mày, bọn giáo phái Canvanh, lũ sói, bọn lính hầu khai chiến với tất cả mọi người. Thị dân luôn vũ trang chống bọn trộm cướp, chống lại lũ sói, chống lũ lính hầu, cũng thường chống lại các lãnh chúa và bọn giáo phái Canvanh, đôi khi chống cả nhà Vua, nhưng không bao giờ chống lại Giáo chủ và nước Tây Ban Nha. Do đã quen như vậy nên ngày thứ hai tháng tư năm 1625 nói trên, nghe thấy tiếng náo động nhưng không thấy màu cờ vàng và đỏ(4) eũng chẳng thấy bóng dáng đồng phục gia binh của Quận công Richelieu, đám thị dân liền đâm bổ về phía lữ quán Chu cối xay. Đến đó rồi, ai cũng thấy và nhận ra nguyên nhân sự náo động.

Một chàng trai trẻ, hãy phác chân dung chàng bằng một nét bút thôi: Các bạn hãy hình dung một Đông Kihôtê(5) mười tám tuổi, Đông Kihôtê bị lột vỏ, không áo giáp, không xà cạp, chỉ mặc áo chẽn ngắn bằng len màu xanh lơ đã biến thành một màu nâu, tả giữa cặn rượu vang và da trời. Mặt dài sạm nâu, gò má cao, dấu hiệu của sự giảo hoạt, quai hàm bành rộng, nhân dạng không lẫn được của người Gátxcong ngay cả khi không có mũ nồi, mà chàng trai trẻ của ta lại đội mũ nồi gắn lông chim, mắt mở to và thông minh, mũi khoằm, nhưng thanh tú, có vóc người quá to đối với chàng trai sắp thành niên, mà một con mắt ít từng trải hẳn đã cho đó là con trai một chủ trại đi du hành, nếu không có thanh gươm dài treo lơ lửng trên dải đeo bằng da, đập vào bắp chân người chủ khi đi bộ và đập vào lớp lông dựng đứng của con vật cưỡi.

Do chàng trai trẻ có một con ngựa và con vật đó rất chi đặc biệt khiến người ta phải chú ý: đó là một con nghèo nhỏ vàng Bearn khoảng mười hai hoặc mười bốn tuổi, màu vàng áo, không bờm đuôi, nhưng không phải không có chai ở các vó và khi đi, đầu thõng xuống quá dưới gối, khiến cho việc thắng cương đai trở nên vô ích mà vẫn đi nổi tám dặm một ngày. Không may thay, những phẩm chất của con nghẽo lại bị che giấu hết dưới bộ lông kỳ dị và dáng đi khiếm nhã của nó, khiến cho trong cái thời mà mọi người đều sành ngựa, thì việc một con nghẽo nhỏ con của xứ Măng nói trên, mười lăm phút trước đây, qua cửa ô Bôgiăngxi, lọt vào xuất hiện ở đây đã tạo nên một cảm giác thiếu thiện cảm lan sang cả tới chủ nhân của nó.

Và cái cảm giác ấy lại còn nặng nề hơn đối với chàng D' artagnan trẻ tuổi (được mệnh danh là chàng Đông Kihôtê của con ngựa Rốtxirăngtê khác là vì như thế đến nỗi chàng chẳng hề giấu mình cái khía cạnh lố lăng đem đến cho chúng, dù chàng có là một kỵ sĩ cừ khôi đến mấy với con nghẽo như thế, cũng như chàng đã thườn thượt thở dài khi nhận món quà mà ông D' artagnan bố đã ban tặng. Chàng không phải không biết một con vật như thế ít ra cũng đáng giá hai mươi đồng vàng, còn những lời lẽ kèm theo món quà thì là vô giá.
- Này con!
Vị quý tộc xứ Gascogne nói bằng thứ tiếng thuần Bearn mà Vua Henri IV chẳng bao giờ có thể nói khác nổi:
"Con ngựa này sinh ra trong ngôi của cha con, đã sống ở đây từ bấy đến nay, sắp tròn mười ba tuổi, sẽ khiến con phải yêu quý nó. Đừng bao giờ bán nó, hãy để nó được chết già trong danh dự và lặng lẽ. Nếu con đi đường cùng nó, hãy đối xử với nó như với một lão bộc. Tới triều đình - Ông D' Artagnan bố nói tiếp - nếu có vinh dự đến đó, thật ra vinh dự thì dòng dõi quý tộc lâu đời của con đã cho con quyền đó rồi, hãy bảo vệ xứng đáng danh hiệu quý tộc của con, danh hiệu mà tổ tiên đã giữ nó một cách xứng đáng hơn năm trăm năm nay, hãy bảo vệ nó vì con và vì những người thân của con, ý cha muốn nói đấy là cha và bạn bè con. Đừng bao giờ ủng hộ ai mà chỉ với Giáo chủ và nhà Vua. Hãy nghe cho rõ, thời buổi bây giờ, một người quý tộc chỉ lập nghiệp bằng lòng dũng cảm, chỉ riêng lòng dũng cảm của mình thôi. Kẻ nào run sợ trong giây phút có thể để tuột mất cơ may mà chỉ đúng trong giây phút đó vận may mới chìa tay với họ. Con còn trẻ, con phải can trường bởi hai lẽ: thứ nhất, chính vì con là dân Gátxcông và thứ hai, con là con bố. Đừng sợ những cơ hội và hãy tìm kiếm những cuộc phiêu lưu. Bố đã cho con học múa gươm. Con có khoeo chân sắt, cổ tay thép, hãy chiến đấu vào mọi lúc, các cuộc quyết đấu càng bị cấm đoán, do đó càng phải chiến đấu bằng gấp đôi lòng dũng cảm. Con trai ạ, ta chỉ có mười lăm đồng vàng, con ngựa của ta và những lời khuyên như con vừa nghe để cho con. Mẹ con sẽ thêm vào đó cách chế một món thuốc cao học được của một bà Bôhêmiêng, có một công năng kỳ lạ chữa khỏi mọi vết thương không chạm vào tim. Hãy tận dụng mọi cái, và hãy sống hạnh phúc và trường thọ, ta chỉ còn một điều nữa để nói thêm, đó chính là tấm gương ta nêu với con, không phải của ta, bởi ta chưa bao giờ có mặt ở triều đình, mà ta chỉ tình nguyện tham gia chiến tranh tôn giáo, mà ta muốn nói đến ông Treville xưa từng là láng giềng của ta, người đã có vinh dự khi còn tấm bé đã chơi với Vua Louis XIII của chúng ta. Đôi khi trò chơi của họ chuyển thành các trận choảng nhau, và trong những trận chiến ấy nhà Vua không phải lúc nào cũng là kẻ mạnh hơn.

Những miếng đòn nhà Vua nhận được khiến Ngài càng thêm khâm phục, và thân thiết nhiều hơn với ông Treville. Sau này lần đầu tiên trong chuyến đến Paris, ông Treville đã chiến đấu chống lại những kẻ khác năm lần. Từ eái chết của nhà Vua quá cố đến khi nhà Vua trẻ trưởng thành, không kể các cuộc chiến tranh và các cuộc vây thành, ông chiến đấu bảy lần, và từ khi nhà Vua trưởng thành đến nay, có lẽ tới trăm lần. Vì vậy, mặc dầu những pháp lệnh, những chỉ dụ, những sắc lệnh(6) thế mà thấy không, ông vẫn cứ là đại úy ngự lâm quân, có nghĩa là chỉ huy binh đội Céda mà nhà Vua chủ yếu dựa vào đó, còn Giáo chủ thì kiêng nể, vị Giáo chủ như mọi người đều biết, có kiêng nể điều gì đâu.

Hơn nữa, ông Treville kiếm mười nghìn đồng tiền vàng mỗi năm, vậy là cỡ một đại lãnh chúa mạnh rồi. Ông ta cũng khởi đầu như con. Hãy đến gặp ông cùng với bức thư này, và hãy noi gương ông để làm sao được như ông".

Tới đây, ông D' Artagnan bố đeo thanh kiếm của mình, cho con trai, trìu mến ôm hôn chàng lên hai bên má và cầu phúc cho chàng.

Rời khỏi phòng cha, chàng trai thấy mẹ mình đang đợi mình với phương thuốc trứ danh, theo lời dặn dò của ông bố sẽ luôn luôn cần đến cho chàng. Cuộc giã biệt ở đây lâu la hơn và trìu mến hơn "cuộc giã biệt" vừa rồi, chẳng phải vì ông D' Artagnan bố không yêu con trai, kẻ nối dõi độc nhất của mình, nhưng ông ta là một người đàn ông và sẽ bị xem là không xứng đáng khi phó mặc mình cho cảm xúc, còn như bà D' Artagnan, bà là đàn bà, hơn nữa là mẹ. Bà khóc sướt mướt, và phải khen chàng D' Artagnan con, đã cố gắng để tỏ ra cứng rắn như một ngự lâm quân tương lai cần phải thế, nhưng bản năng cuốn chàng theo khiến nước mắt chàng lã chã tuôn rơi, khó khăn lắm mởi giấu đi được một nửa.

Cùng ngày hôm ấy, chàng trai trẻ lên đường mang theo ba tặng vật của cha như đã nói, gồm mười lăm đồng vàng, con ngựa và bức thư cho ông Treville, hơn nữa có cả những lời khuyên nữa.

Với một hành trang như vậy, D' Artagnan thấy mình về tinh thần cũng như thể xác, như một bản sao chính xác nhân vật của Xécvăngtéc mà ta đã đem ra so sánh một cách rất chi thích đáng, khi mà nhiệm vụ của một sử gia buộc chúng tôi cần thiết phải phác họa chân dung chàng. Đông Kihôtê coi những cối xay gió như những gã khổng lồ và lũ cừu là nhứng đoàn quân, còn D' artagnan lại coi mỗi nụ cười là một sự lăng mạ và mỗi cái nhìn là một sự khiêu khích. Vì vậy, dọc đường từ Tarbes (7) đến Măng, chàng luôn giữ chặt nắm đấm, và tay kia vì lý do này khác đặt lên đốc gươm đến mươi lần trong ngày, tuy nhiên nắm đấm chưa hề quai xuống hàm ai và gươm cũng không hề tuốt ra khỏi vỏ. Không phải con nghẽo con màu vàng hãm tài kia không gây cười trên khuôn mặt khách qua đường, mà chính vì bên sườn con ngựa còi ấy còn lạch phạch một thanh gươm dài đáng nể, và bên trên long lanh con mắt nom có vẻ dữ tợn hơn là kiêu hãnh, khách qua đường vì vầy thường cố nén để không rũ ra cười, hoặc dù cẩn tắc cũng không nén nổi, cũng phải cố chỉ cười nửa miệng giống như nhửng vai hề cổ. Cho nên D' Artagnan vẫn đường đường oai phong, không sao trước cái tính nóng nảy cố hữu cho tới khi đến cái thị trấn Măng khốn khổ này.

Nhưng nơi đây khi chàng vừa xuống ngựa trước cửa lữ quán Chủ cối xay, chẳng người nào, từ chủ quán, hầu bàn, người coi ngựa, tới giữ bàn đạp ngựa cho chàng ở bậc lên xuống ngựa.

D' artagnan trông thấy ở khuôn cửa sổ hé mở của tầng trệt một nhà quý tộc, vóc dáng đẹp, vẻ kiêu kỳ, tuy nét mặt hơi cau có đang nói gì đó với hai người đang nghe một cách kính nể. Theo thói quen, D' Artagnan hoàn toàn tự nhiên tin rằng mình là đối tượng của câu chuyện và lắng nghe. Lần này chàng chỉ nhầm có một nửa: vấn đề không phải là chàng mà là con nghẽo của chàng. Gã quý tộc như đang liệt kê cho đám người nghe tất cả các thuộc tính của con nghẽo và như vì đã nói, người nghe xem ra rất kính nể người kể chuyện, mỗi lúc họ lại phá lên cười. Mà chỉ một nửa nụ cười cũng đủ khơi dậy cái tính dễ nổi cáu của chàng trai trẻ, sẽ hiểu ngay những chuỗi cười ầm ĩ như thế sẽ tạo nên hiệu quả thế nào đối với chàng.

Thế nhưng D' artagnan trước hết muốn thấy rõ được bộ mặt của kẻ hỗn xược đang nhạo mình. Chàng găm cái nhìn kiêu hãnh vào kẻ lạ mặt và nhận ra một người đàn ông khoảng bốn mươi, bốn nhăm tuồi, đôi mắt đen và sắc nhọn nước da xanh tái, mũi rất cao, ria mép đen, tỉa xén hoàn hảo. Hắn ta mặc áo chẽn ngắn và quần ống túm màu tím có tua cùng màu, không có bất kỳ trang sức nào ngoài những rãnh xẻ quen thuộc để luồn áo lót qua đó. Quần ống túm và áo chẽn màu dù còn mới, lại có vẻ dầu dãi như những trang phục du hành xếp kín lâu trong valy lớn.

D' artagnan tiếp nhận tất cả những đặc điểm đó với sự mau lẹ của một quan sát viên tỉ mỉ nhất và chắc chắn bởi một linh tính mách bảo chàng rằng con người xa lạ kia ắt có một ảnh hưởng lớn đến đời chàng sau này.
Đúng lúc D' Artagnan chăm chăm nhìn vào nhà quý tộc mặc áo chẽn tím, hắn ta đưa ra một nhận xét hóm hỉnh nhất và sâu sắc nhất về xứ sở của con nghẽo còi vùng Bearn, hai thính giả của hắn phá lên cười, còn bản thân hắn, trái với thói quen thường lệ, cũng để lộ cho mọi người thấy, lướt qua một nụ cười nhợt nhạt trên bộ mặt hắn. Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa, D' artagnan đã thực sự bị lăng nhục. Vì thế, tin chắc như vậy, kéo mũ xuống tận mắt, và cố bắt chước một số điệu bộ trong chốn triều đình mà chàng bất ngờ bắt gặp ở những bậc vương công du hành qua vùng Gátxcông, chàng tiến lên, một tay đặt vào chuôi gươm và tay kia chống háng. Khốn nỗi, càng tiến lên, cơn giận mỗi lúc càng làm chàng thêm mù quáng, đáng lẽ phải có một khẩu khí trang trọng và kiêu hãnh mà chàng đã chuẩn bị để phô diễn sự thách thức của mình, chàng chỉ còn thấy nơi đầu lưỡi ngôn từ của một nhân cách thô lỗ kèm theo cách hành xử cuồng dại.

- Này, ông kia! - Chàng hét lên - Cái ông nấp sau cánh cửa sổ kia! Phải, chính ông, hãy nói ta nghe xem ông cười cái gì nào, rồi chúng ta sẽ cùng cười.

Nhà quý tộc chậm rãi đưa mắt nhìn từ con ngựa lên chàng kỵ sỹ, như thể cần phải có thời gian ấy để hiểu rằng những lời trách móc lạ lùng đến thế chính là dành cho mình, rồi không thể nghi ngờ gì nữa, đôi lông mày hơi cau lại, và sau khoảng lâu dừng lại, hắn ta trả lời D' artagnan bằng một giọng mỉa mai và xấc xược không thể tả được:
- Tôi không nói với ông, thưa ông.
- Nhưng ta, ta nói với ông!
Chàng trai trẻ giận sôi lên và hét to, trước thái độ vừa xấc xược vừa nhã nhặn, vừa lịch thiệp vừa khinh thị pha lẫn với nhau.
Kẻ xa lạ còn nhìn chàng một lát rồi với nụ cười thoáng qua rồi ra khỏi cửa sổ, từ từ ra khỏi lữ quán đi về phía D' Artagnan cách hai bước chân rồi đứng thẳng đối mặt với con nghẽo. Thái độ bình tĩnh và vẻ mặt châm biếm của hắn càng khiến cho bọn người vừa chuyện trò với hắn, vẫn ở nơi cửa sổ cười to gấp đôi.
D' Artagnan thấy hắn tiến đến, liền rút gươm nhích ra khỏi vỏ hơn một gang tay.
- Con ngựa này chắc chắn, hay đúng hơn lúc trẻ từng có màu vàng cúc áo.
Kẻ xa lạ tiếp tục lặp lại những soi mói đã từng bắt đầu với bọn người nghe của y ở cửa sổ, tựa như không thèm để ý đến cơn điên giận sôi lên của D' Artagnan lúc đó đã đứng ở giữa y và họ.
Đó là một màu rất quen thuộc của thực vật học, nhưng đến nay rất hiếm thấy ở loài ngựa.
Đệ tử của ông Treville giận giữ thét lên:
- Kẻ cười giễu con ngựa là kẻ không dám cười chủ nó!
- Tôi thường không hay cười, thưa ông. - Kẻ lạ mặt tiếp - Tự ông, ông cũng có thể thấy như thế trên vẻ mặt của tôi, song tôi vẫn bảo lưu đặc quyền được cười khi tôi thích.
- Còn ta - D' Artagnan - ta không muốn người ta cười khi nó làm ta khó chịu.
- Thật thế ư, thưa ngài? - Kẻ lạ mặt tiếp tục với vẻ càng bình tĩnh hơn bao giờ hết - Thế thì, chí lí quá đi rồi?
Rồi quay gót, hắn đang định trở vào lữ quán theo lối cửa lớn mà dưới cửa, khi D' Artagnan đến đây đã thấy một con ngựa đóng sẵn yên cương.
Nhưng D' Artagnan không phải loại dễ bỏ qua như thế với một kẻ đã hỗn xược chế nhạo mình.
- Quay lại! Quay lại nào, ông hay châm biếm, ta không muốn đánh ông phía sau lưng đâu.
- Đánh tôi, tôi ấy à? - Người kia vừa nói vưa quay gót lại nhìn chàng trai trẻ hết sức ngạc nhiên cũng như khinh bỉ - Chà, thế kia đấy. Ông bạn quý, anh điên rồi.
Rồi hạ giọng như thể nói với chính mình:
- Phiền thật. - Y tiếp tục - thế mà Hoàng Thượng cứ phải đi tìm những kẻ can trường ở những đâu đâu để trưng tuyển vào ngự lâm quân của ngài!

Người lạ vừa nói dứt, D' Artagnan đã vươn tay xỉa tới một mũi gươm thịnh nộ đến nỗi nếu không nhanh chân nhảy lùi lại, có lẽ đây sẽ ìà lần cuối cùng hắn được bông đùa. Người lạ mặt lúc đó thấy sự thể đã vượt qua trò nhạo báng, liền rút gươm ra chào địch thủ và nghiêm trang thư thế. Nhưng cũng đúng lúc ấy, hai thính giả của y, kèm theo chủ quán nhảy bổ vào D' artagnan phang chàng bằng những đòn gậy, xẻng, và que gắp than. Điều đó làm chệch hướng thật nhanh chóng, thật hoàn hảo cuộc tấn công, khiến cho trong khi D' artagnan quay lại đối mặt với trận mưa đòn, đối thủ của chàng cũng tra gươm vào vỏ với cùng độ chính xác, và đang suýt là một diễn viên nay lại trở thành khán giả của trận chiến, một vai mà hắn rất thạo với vẻ bình thản thường tình của mình, tuy vẫn không ngớt làu bàu:
- Cái giống Gascogne ôn dịch! Bê hắn lên con ngựa vàng cam của hắn và để hắn xéo đi.
- Không trước khi ta giết mi đâu, đồ hèn! - D' Artagnan vừa hét vừa đem hết sức đối địch, không lùi một bước trước ba kẻ thù, đang phang chàng túi bụi.
- Lại một thói Gascogne ! - Nhà quý tộc lẩm bẩm - Ta thề đấy, lũ Gascogne này đều là lũ bất trị! Nó đã muốn vậy, cứ để nó tiếp tục múa may. Khi nào nó mệt nó sẽ nói nó múa thế đủ rồi.
Nhưng người lạ mặt còn chưa hiểu mình đang phải đương đầu với một kẻ ương bướng đến mức nào, D' Artagnan không bao giờ là người chịu xin thua. Cuộc đấu tiếp tục thêm mấy giây nữa, cuối cùng D' artagnan kiệt sức để tuột gươm, một nhát gậy đánh gãy gươm làm đôi. Một đòn khác nện chàng vào trán gần như cùng một lúc làm chàng lộn nhào. Máu chảy đầm đìa, gần như bất tỉnh.
Chính vào lúc đó, từ mọi phía người ta chạy đến nơi đang xảy ra chuyện. Chủ quán sợ tai tiếng, với sự giúp đỡ của mấy gã hầu bàn, khiêng kẻ bị thương vào bếp, chăm sóc qua loa.

Còn nhà quý tộc thì đã trở lại chỗ cũ bên cửa sổ nhìn đám đông ấy một cách bồn chồn, có vẻ như việc họ cứ đứng ỳ ra đấy làm cho hắn rất bực bội.
- Thế nào, thằng điên ấy ra sao rồi? Hắn quay lại khi nghe tiếng cửa mở, hỏi chủ quán vừa bước vào thăm sức khỏe của hắn.
- Thưa đại nhân, ngài không sao chứ ạ? - Chủ quán hỏi.
- Phải, hoàn toàn vô sự, ông chủ quán thân mến ạ và chính tôi đang muốn hỏi ông chàng trai trẻ của chúng ta ra sao rồi?
- Hắn đang khá hơn. Vừa rồi bất tỉnh hoàn toàn.
- Thật thế ư?
- Nhưng trước khi ngất, hắn còn thu hết tàn lực réo tên ngài và vừa réo vừa thách thức ngài.
- Thế thì cái gã táo tợn ấy đúng là quỷ hiện hình rồi.
- Ồ không! Thưa đại nhân, không phải là quỷ - Chủ quán vừa nói vừa nhăn mặt tỏ ý khinh bỉ - Vì trong khi hắn mê man, chúng tôi đã lục soát hắn, và hắn chỉ có trong bọc hành lý một áo lót và trong túi tiền mười hai đồng vàng. Điều đó không ngăn hắn ta trong khi sắp ngất nói ra rằng nếu sự việc như thế diễn ra ở Paris, ngài sẽ phải hối tiếc ngay tức khắc, còn ở đây ngài sẽ thấy hối tiếc sau này.
- Thế thì - Người lạ mặt lạnh lùng - hắn dòng dõi bậc hoàng thân nào đó cải trang.
- Thưa tôn ông, tôi nói với ngài điều đó - Chủ quán nói tiếp - là để ngài đề phòng.
- Và trong cơn điên giận hắn không nói rõ tên ai?
- Có chứ, hắn vỗ túi nói: "Rồi sẽ thấy ngài Treville sẽ nghĩ thế nào về việc lăng mạ này đối với người được ngài bảo vệ".
- Ông Treville ư? - Người lạ vừa nói vừa đăm chiêu - Hắn vỗ túi và thốt ra tên ông Treville ư? Xem nào, ông chủ quán thân mến, trong khi gã trai trẻ bất tỉnh, tôi tin chắc, ông lại chẳng không nhìn vào chiếc túi đó ư. Túi có gì?
- Một phong thư gửi ngài De Treville, đại úy ngự lâm quân.
- Thật vậy ư?
- Thưa đại nhân, đúng như tôi có vinh dự được nói điều đó với ngài.
Chủ quán, vốn không được phú cho đầu óc mẫn tiệp, không hề nhận thấy những lời nói của mình khiến cho vẻ mặt người lạ thay đổi thế nào. Người đó rời bậc cửa, nơi vẫn chống khuỷu tay, chau mày ra chiều lo lắng.
- Quỷ thật! - hắn thầm thì qua kẽ răng - Treville chả nhẽ lại gửi đến ta tên Gátxcông này? Hắn non trẻ quá! Nhưng một đường gươm vẫn là một đường gươm, bất kể tuổi tác của người vung gươm, và người ta ít coi chừng một đứa trẻ hơn bất kỳ kẻ nào khác. Đôi khi chỉ cần một trở ngại nhỏ để cản phá một mưu đồ lớn.
Người lạ trở nên trầm tư trong ít phút.
- Này chủ quán - hắn nói - có phải ông sẽ không loại bỏ giúp ta cái tên cuồng loạn này? Trong thâm tâm, ta không thể giết hắn, thế nhưng - hắn thêm bằng vẻ đe dọa lạnh lùng - thế nhưng hắn chướng mắt ta lắm. Hắn đang ở đâu?
- Trong phòng vợ tôi - Người ta đang băng bó cho hắn ở tầng gác một.
- Quần áo và bọc hành lý vẫn ở chỗ hắn chứ! Hắn không rời chiếc áo chẽn chứ?
- Trái lại, tất cả đều ở dưới bếp. Nhưng một khi tên nhãi rồ ấy làm phiền ngài...
- Hẳn rồi. Hắn gây ra trong lữ quán của ông một vụ bê bối mà người tử tế không thể chịu nổi. Lên phòng ông đi, thanh toán mọi khoản cho ta, rồi bảo cho người hầu của ta.
- Sao! Ngài rời khỏi chúng tôi à?
- Ông thừa biết đấy, ta chẳng đã ra lệnh thắng yên ngựa của ta ư? Không tuân lệnh ta ư?
- Quá chứ ạ! Như đại nhân có thể thấy đấy, ngựa của ngài ở dưới cửa chính, tất cả đã sẵn sàng để lên đường.
- Tốt lắm, hãy làm cái việc ta đã bảo ông đi.
"Lạ thật! - Chủ quán tự nhủ - Chả lẽ ông ta lại sợ thằng nhãi?".
Nhưng một cái nhìn quyền thế của người lạ kia đã chặn đứng ngay chủ quán. Chủ quán khúm núm chào và đi ra.

Người lạ tự bảo:
- Không nên để Milady bị tên kỳ quặc kia bắt gặp. Thế nào nàng cũng sắp qua đây, vì lúc này coi như đã đến muộn. Tốt hơn là ta cứ lên ngựa đến đón gặp nàng trước. Giá như ta có thể biết bức thư gửi Treville nội dung thế nào? Con người này vừa làu bàu vừa đi về phía bếp.
Trong khi đó, chủ quán tin rằng chính sự hiện diện của gã trai trẻ khiến người lạ mặt kia phải bỏ đi, ông ta liền đi tới phòng vờ mình và thấy D' artagnan đã tỉnh lại. Thế rồi, ông ta giảng giải cho chàng hiểu rằng cảnh sát có thể gây phiền phức cho chàng vì chàng đã gây chuyện với một bậc đại thần, vì theo ý ông ta, người lạ mặt chỉ có thể là một vị đại thần, rồi ông ta thúc ép chàng dẫu còn yếu, cũng nên cố vùng dậy tiếp tụe cuộc hành trình.

D' Artagnan vẫn còn choáng váng, mình không áo chẽn, đầu quấn đầy băng, đứng lên, bị chủ quán vừa kéo vừa đẩy, đành bước xuống thang gác. Nhưng vừa xuống tới bếp, vật đầu tiên chàng trông thấy chính là kẻ đã khiêu khích chàng, hắn đang bình thản nói chuyện ở bậc lên xuống của một cỗ xe nặng thắng hai con ngựa lớn nòi Normande.

Người đàn bà trò chuyện với hắn, đầu tựa như được viền trong khung cửa xe, là một phụ nữ từ hai mươi đến hăm hai tuổi. Chúng ta đã từng nói tới khả năng nắm bắt diện mạo nhanh nhạy của D' artagnan, nên vừa thoạt nhìn, chàng đã thấy ngay người đàn bà trẻ đẹp. Mà cái sắc đẹp ấy lại hoàn toàn xa lạ ở cái xứ sở phương Nam nơi chàng vẫn sống, càng khiến chàng bị choáng. Đó là một phụ nữ, nước da trắng xanh, tóc hung vàng, xõa thành những chuỗi dài xuống hai vai, đôi mắt xanh to u hoài, đôi môi hồng và hai bàn tay như bạch ngọc.

Nàng trò chuyện sôi nổi với người lạ kia.
- Vậy, Đức ông lệnh cho tôi... - Người đàn bà nói.
- Phải quay lại nước Anh ngay tức khắc và trực tiếp báo trước cho ngài (8) nếu Quận công (9) rời London.
- Thế còn những chỉ thị khác cho tôi? - Khách lữ hành xinh đẹp hỏi.
- Tất cả được bọc kín trong chiếc hộp này, và chỉ được mở khi đã ở bờ bên biển Măngsơ.
- Rất tốt. Còn ông, ông làm gì?
- Tôi, tôi trở lại Paris.
- Không trị tội thằng nhãi con hỗn xược sao? - Người đàn bà hỏi.
Người lạ định trả lời, nhưng vừa mở miệng, D' Artagnan đã nghe thấy hết, lao mình tới ngưỡng cửa và hét lên:
- Chính thằng nhãi hỗn xược mới trừng trị kẻ khác. Và ta hy vọng lần này kẻ mà thằng nhóc trừng trị sẽ không thoát khỏi như lần đầu.
- Sẽ không thoát khỏi ư? - Người lạ cau mặt cau mày hỏi.
- Không, trước một phụ nữ, ta cho là ông sẽ không dám trốn.
Milady kêu to khi thấy nhà quý tộc để tay lên gươm:
- Hãy nghĩ kỹ đã, hãy nghĩ, chậm một tý thôi có thể mất hết.
- Nàng có lý - nhà quý tộc nói - Vậy nàng hãy đi theo con đường nàng. Ta đi đường ta.
Và khẽ gật đầu chào người đàn bà, người đó nhảy phắt lên yên ngựa, người đánh xe của cỗ xe cũng quất mạnh đôi ngựa thắng. Hai bên đều phi nhanh về phía ngược nhau trên đường phố.
- Này, còn tiền chi phí. - Chủ quán với gọi, lòng mến khách đối với người lạ đã chuyển thành sự khinh bỉ sâu sắc khi thấy hắn xa dần mà không thanh toán tiền trọ.
- Trả đi, đồ đê tiện! - Người lạ mặt vừa phi ngựa vừa quát tên hầu.
Tên này quăng xuống chân chủ quán vài ba đồng bạc rồi cùng phi theo chủ.
D' artagnan đến lượt mình cùng lao theo tên hầu và la:
- A, đồ hèn! Đồ, khốn nạn! Quý tộc rởm.
Nhưng người bị thương còn quá yếu không thể chịu nổi một cú lao mạnh như vậy. Mới được mươi bước, tai chàng đã ù, đầu hoa lên, máu như dồn lên mắt khiến chàng ngã lăn ra đường phố, nhưng miệng vẫn còn la:
- Hèn! Hèn! Hèn!
- Quả là hắn rất hèn! - Chủ quán vừa lẩm bẩm vừa tới gần D' artagnan, cố nịnh bợ để làm lành với chàng trai tội nghiệp giống như con sếu với con ốc sên buổi tối trong chuyện ngụ ngôn(10).
- Phải, quá hèn - D' Artagnan lẩm bẩm - nhưng nàng, quá đẹp!
- Ai, nàng nào? - Chủ quán hỏi.
D' Artagnan ấp úng:
- Milady ấy.

Rồi chàng lại ngất lần thứ hai.
- Thế là hòa - Chủ quán nói - Ta mất hai, nhưng lại còn được tên này, mà ta tin chắc sẽ giữ lại được ít nhất mấy ngày. Vẫn cứ kiếm được mười một đồng vàng đi.
Mười một đồng vàng vừa đúng là số tiền còn lại trong túi tiền của D' Artagnan.
Chủ quán đã tính theo mười một ngày bệnh, với giá một đồng vàng một ngày, nhưng tính vắng mặt khách trọ. Sáng hôm sau lúc năm giờ, D' artagnan thức dậy, tự mình xuống bếp, yêu cầu cho chàng rượu vang, dầu, cây hương thảo, ngoài các vị thuốc khác ta không nắm được tên, và tay cầm đơn thuốc mẹ chàng cho, chế thành một loại cao, rồi xoa lên các vết thương đầy người, tự thay mới băng gạc và không muốn chấp nhận bất cứ thày thuốc nào giúp chữa. Chắc hẳn nhờ công dụng của loại cao Bôhêm và có lẽ cũng nhờ sự vắng mặt của mọi loại bác sĩ, ngay tối hôm ấy chàng đã tự đi lại được và hôm sau gần như khỏi hẳn
.
Nhưng lúc trả tiền cây hương thảo, dầu và rượu vang, khoản chi duy nhất của chủ, gần như tuyệt đối không ăn, thì ngược lại con nghẽo vàng, theo như chủ quán nói, ít ra cũng đã ăn gấp ba lần mức mà người ta coi như hợp lý so với tầm vóc của nó, D' artagnan chỉ thấy trong túi áo mình cái túi đựng tiền bằng nhung đã sờn mười một đồng tiền vàng, còn phong thư ngài De Treville đã biến mất.

Chàng trai trẻ kiên nhẫn tìm bức thư, lộn đi lộn lại đến hai mươi lần những túi áo lớn nhỏ, lục đi lục lại bọc hành lý, mở rồi lại đóng túi đựng tiền, nhưng khi tin chắc không thấy được nữa, lần thứ ba chàng lại rơi vào cơn điên giận suýt nữa lại một phen làm đi tong món dầu thơm và rượu vang. Bởi vì thấy cái đầu kẻ tồi tệ kia bốc nóng và đe dọa đập phá hết đồ nội thất nếu không tìm ra cho chàng bức thư, chủ quán đã vơ lấy một ngọn giáo, vợ y, cán chổi và lũ hầu bàn vẫn những đòn gậy đã sử dụng hôm trước.

Bức thư tiến cử của ta! - D' artagnan gào lên - Bức thư tiến cử của ta! Mẹ kiếp! Nếu không, ta sẽ xiên chả tất cả như nướng chim ngói cho mà xem!

Khốn nỗi, một tình thế đã chống lại chàng trai trẻ, không cho chàng làm được điều đe dọa. Như đã nói, gươm của chàng từ trận đầu đã bị gãy làm đôi mà chàng đã hoàn toàn quên mất. Vì vậy, khi chàng muốn tuốt gươm, chàng chỉ thấy đơn giản trơ một mẩu gươm dài khoảng một gang tay mà chủ quán đã cẩn thận tra vào vỏ. Phần còn lại của lưỡi gươm, tay chủ quán đã khéo léo sửa thành một cái xiên nướng thịt.

Song nỗi thất vọng đó chưa chắc đã ngăn nổi chàng trai hung hăng của chúng ta nếu như chủ quán không nghĩ việc người khách lạ đòi hỏi y là hoàn toàn chính đáng. Hắn hạ mũi giáo xuống hỏi:
- Nhưng thật ra bức thư ấy ở đâu?
- Phải, bức thư ấy ở đâu? - D' artagnan hét - Trước hết ta báo cho ông biết, bức thư ấy là gửi cho ngài De Treville, và nó phải được tìm thấy. Hoặc nếu không tìm thấy, chính ngài sẽ biết cách tìm ra!
Lời đe dọa khiến chủ quán hoảng sợ. Sau Nhà Vua và Giáo Chủ, ngài Treville là người tên tuổi luôn được nhắc đến nhiều nhất trong giới nhà binh và cả trong dân phố nữa. Hẳn là có Đức cha Jôdép nữa, nhưng tên ông không bao giờ được nhắc đến trừ phi thấy giọng thôi để cho thấy nỗi kinh hoàng mà Đức ông xám, kẻ thân cận của Giáo chủ được mệnh danh như vậy, gây ra thế nào.

Thế là chủ quán vứt giáo, ra lệnh cho vợ mình và bọn gia nhân cũng làm theo, vứt hết gậy gộc, tự mình nêu gương cần mẫn đi tìm bức thư. Sau một hồi tìm kiếm không kết quả, chủ quán nói:
- Bức thư đó có cái gì quý giá ư?
Chàng Gátxcông vẫn trông mong bức thư sẽ mở đường cho chàng vào triều đình trả lời:
- Ta tin chắc như vậy. Nó chứa đựng vận mệnh của ta.
- Những ngân phiếu thanh toán ở Tây Ban Nha ư? - chủ quán lo lắng hỏi.
- Những ngân phiếu trong ngân khố đặc biệt của Hoàng thượng - D' artagnan đáp như vậy vì cho rằng nhờ bức thư tiến cử ấy chàng có thể vào phục vụ nhà Vua, câu trả lời có đôi chút mạo muội, nhưng không phải là dối trá.
- Chết cha! - Chủ quán nói, hoàn toàn thất vọng.
- Nhưng không sao! - D' artagnan tiếp tục với vẻ bộc trực vốn có của dân xứ chàng - Không sao, tiền không là gì. Thư mới là tất cả, ta thà mất nghìn bạc còn hơn mất bức thư.
Chàng chẳng ngại nói tới hai mươi nghìn, nhưng một sự e dè non trẻ nào đó đã ngăn chàng lại.
Đầu óc chủ quán đang mụ mị đi vì không tìm thấy gì bỗng lóe lên một tia sáng và reo lên:
- Bức thư không hề mất!
- Hả! - D' artagnan hỏi. - Không mất? Ai lấy?
- Lão quý tộc hôm ấy. Lão đã xuống bếp nơi để chiếc áo chẽn của ông. Lão ở đấy có một mình. Tôi cuộc chính lão lấy cắp bức thư.
- Ông tin vậy à? D' artagnan chưa tin lắm hỏi lại. Chàng biết rõ hơn bất cứ ai tầm quan trọng hoàn toàn có tính chất cá nhân của bức thư, và không hề thấy ở bức thư cái gì có thể khêu gợi máu tham cả.
Sự thể là bất kỳ lũ người hầu, hoặc khách trọ có mặt nào cũng sẽ chẳng kiếm được chút lợi lộc gì khi chiếm hữu tờ giấy đó. D' artagnan tiếp:
- Vậy ông nói ông ngờ lão quý tộc xấc xược ấy ư?
- Tôi nói rằng tôi cam đoan như vậy. Khi tôi báo cho lão ta biết quý ông là người được ngài Treville bảo trợ và quý ông có bức thư gửi cho ngài quý tộc lẫy lừng đó, thì lão tỏ ra rất lo lắng, liền hỏi tôi bức thư đó ở đâu rồi lập tức đi xuống bếp, nơi lão biết có chiếc áo chẽn của quý ông.
- Vậy, đó chính là tên kẻ cắp của ta rồi! - D' artagnan đáp - Ta sẽ khiếu nại với ngài De Treville, và ngài sẽ khiếu nại chuyện này với Đức Vua.
Nói rồi chàng oai vệ rút ra hai đồng tiền vàng đưa cho chủ quán. Chủ quán tay cầm mũ, tiễn chàng đến tận cửa. Chàng lại cưỡi lên con nghẽo màu vàng đi tới tận cổng ô Saint-Antoine ở Paris không gặp một tai họa khác nào. Đến đây chủ nó bán nó lấy ba đồng vàng, như vậy là với giá quá cao rồi, bởi D' artagnan đã làm nó quá mệt trong đoạn đường cuối. Người lái ngựa mà D' artagnan đã nhượng lại con nghẽo, trả giá ba đồng vàng không hề giấu giếm chàng trai trẻ là mình đã đưa ra cái giá quá đắt ấy chẳng qua chỉ vì màu lông độc đáo của nó.

Vậy là D' artagnan đi bộ vào Paris, tay xách một bọc nhỏ, cuốc bộ mãi tới khi tìm thuê được một phòng phù hợp với khoản tiền ít ỏi của mình. Gian phòng là loại phòng sát mái ở phố Phu đào huyệt, cạnh vườn Luychxămbua.

Trả xong khoản tiền chùa (11), D' Artagnan nhận phòng ở, suốt thời gian còn lại trong ngày, chàng ngồi khâu vào áo chẽn và quần nịt những mảnh ren viền mà mẹ chàng đã tháo từ chiếc áo chẽn hầu như còn mới của ông D' artagnan bố, rồi giấu giếm đưa cho chàng. Tiếp đó chàng đến phố Thợ rèn đặt làm một lưỡi gươm, rồi trở lại điện Louvre hỏi thăm người lính ngự lâm đầu tiên chàng gặp, vị trí dinh quán của ngài De Treville, hóa ra ở ngay phố Chuồng chim câu cũ, nghĩa là đúng ngay cạnh phòng D' artagnan tìm thuê: một cảnh ngộ có vẻ một sự mở đầu may mắn cho sự thành công của cuộc hành trình.

Sau đó, hài lòng về cách ứng xử của mình ở thị trấn Măng, không chút hối hận về việc đã qua, tin vào hiện tại và tràn trề hy vọng trong tương lai, chàng đi nằm và ngủ giấc ngủ của một dũng sĩ.

Giấc ngủ đầy chất tỉnh lẻ, kéo chàng đến tận chín giờ sáng, giờ chàng phải dậy để đến nhà ngài De Treville danh tiếng, nhân vật thứ ba của vương quốc theo sự đánh giá của bố chàng.

Ba chàng lính ngự lâm

 Ba chàng lính ngự lâm
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch giả: Nguyễn Bản
Đôi nét về Alexandre Dumas và Ba chàng lính ngự lâm

Tác giả: Alexandre Dumas


Một ngày năm 1842, một con người to lớn tràn trề sức lực hể hả bước vào phòng đọc thư viện Mác-xây và tự giới thiệu: Alexandre Dumas. Người thủ thư bối rối vì trọng vọng. Danh tiếng của Dumas lúc này đã vang dội. Ông mượn "Những hồi ký của ông D' Artagnan" xuất bản năm 1704 và mượn luôn cả một bộ sách có tên: "Richelieu, Conbe và Majaranh(1). A. Dumas đã quên phắt không đem trả bộ sách đó. Một chi tiết rất nhỏ nhặt không đáng để ý nếu không có chuyện từ mấy cuốn sách ấy sinh ra cuốn truyện tuyệt vời "Ba chàng lính ngự lâm".

Năm 1842 A. Dumas tròn bốn mươi tuổi, tức ông sinh năm 1802, cùng năm sinh với Victo Hugo, mà Hugo đã viết: "Thế kỷ ấy đã được hai năm" (Ce siècle a deux ans).

100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại

Danh sách 100 tiểu thuyết nên đọc trong đời theo tờ Telegraph bình chọn đầu năm 2009. Những cuốn tiểu thuyết khi bạn cầm lên đọc, các bạn sẽ cuốn hút ngay từ những trang sách đầu tiên. Bạn sẽ không phải hối tiếc về thời gian khi đọc những cuốn tiểu thuyết này.




100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại

  1. Middlemarch by George Eliot
  2. Moby-Dick; or, The Whale by Herman Melville
  3. Anna Karenina by Leo Tolstoy
  4. The Portrait of a Lady (Chân dung một mệnh phụ) by Henry James
  5. Heart of Darkness (Tận cùng tối tăm) by Joseph Conrad
  6. In Search of Lost Time (Đi tìm thời gian đã mất) by Marcel Proust
  7. Jane Eyre by Charlotte Brontë
  8. Disgrace (Ruồng bỏ) by J. M. Coetzee
  9. Mrs Dalloway (Bà Dalloway) by Virginia Woolf
  10. Don Quixote by Miguel de Cervantes
  11. Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) by Jane Austen
  12. Robinson Crusoe by Daniel Defoe
  13. David Copperfield by Charles Dickens
  14. Wuthering Heights (Đồi gió hú) by Emily Brontë
  15. The Code of the Woosters by P. G. Wodehouse
  16. Brighton Rock by Graham Greene
  17. Tess of the D'Urbervilles (Tess nhà d'Urbervilles) by Thomas Hardy
  18. Scoop by Evelyn Waugh
  19. The War of the Worlds (Thế giới đại chiến) by H. G. Wells
  20. The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman by Laurence Sterne
  21. Nineteen Eighty-Four by George Orwell
  22. A Passage to India by E. M. Forster
  23. Madame Bovary (Bà Bovary) by Gustave Flaubert
  24. Ulysses by James Joyce
  25. The Moonstone by Wilkie Collins
  26. Cranford by Elizabeth Gaskell
  27. Frankenstein by Mary Shelley
  28. Tom Jones by Henry Fielding
  29. Life: A User's Manual by Georges Perec
  30. Atonement by Ian McEwan
  31. Suite Française by Irène Némirovsky
  32. A Dance to the Music of Time. 4th movement, Winter by Anthony Powell
  33. Clarissa: Or the History of a Young Lady by Samuel Richardson
  34. The Big Sleep by Raymond Chandler
  35. Lucky Jim (Jim may mắn) by Kingsley Amis
  36. Les Misérables (Những người khốn khổ) by Victor Hugo
  37. The Warden by Anthony Trollope
  38. The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) by F. Scott Fitzgerald
  39. Things Fall Apart (Quê hương tan rã) by Chinua Achebe
  40. The House of Mirth by Edith Wharton
  41. The Hound of the Baskervilles (Con chó của dòng họ Baskervilles) by Sir Arthur Conan Doyle
  42. Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) by Mark Twain
  43. Rabbit Angstrom: A Tetralogy; Rabbit, Run; Rabbit Redux; Rabbit Is Rich; Rabbit at Rest; with an Introduction by the Author by John Updike
  44. Nausea by Jean-Paul Sartre
  45. The Voyeur by Alain Robbe-Grillet
  46. The Prime of Miss Jean Brodie by Muriel Spark
  47. The Unbearable Lightness (Đời nhẹ khôn kham) of Being by Milan Kundera
  48. Go Tell It on the Mountain by James Baldwin
  49. The Grapes of Wrath (Chùm nho nổi giận) by John Steinbeck
  50. Beloved (Thương) by Toni Morrison
  51. Underworld by Don DeLillo
  52. The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) by J. D. Salinger
  53. The Handmaid’s Tale by Margaret Atwood
  54. Lolita by Vladimir Nabokov
  55. Austerlitz by W. G. Sebald
  56. The Tin Drum (Cái trống thiếc) by Günter Grass
  57. The Glass Bead Game by Hermann Hesse
  58. The Savage Detectives by Roberto Bolaño
  59. London Fields by Martin Amis
  60. One Hundred Years of Solitude (Trăm năm cô đơn) by Gabriel García Márquez
  61. My Name is Red (Tên tôi là Đỏ) by Orhan Pamuk
  62. Gulliver's Travels (Gulliver du ký) by Jonathan Swift
  63. The Strange Case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde by Robert Louis Stevenson
  64. The Cairo Trilogy: Palace Walk, Palace of Desire, Sugar Street by Naguib Mahfouz
  65. Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago) by Boris Pasternak
  66. Crime and Punishment (Tội ác và trừng phạt) by Fyodor Dostoevsky
  67. A Bend in the River (Khúc quanh của dòng sông) by V. S. Naipaul
  68. Crash by J. G. Ballard
  69. If on a winter's night a traveler by Italo Calvino
  70. The Leopard by Giuseppe Di Lampedusa
  71. A Dream of Red Mansions (Hồng lâu Mộng) by Cao Xueqin
  72. Dinner at the Homesick Restaurant by Anne Tyler
  73. All Quiet on the Western Front (Phía Tây không có gì lạ) by Erich Maria Remarque
  74. Waiting for Mahatma by R. K. Narayan
  75. Cider with Rosie by Laurie Lee
  76. The Trial (Phiên tòa) by Franz Kafka
  77. Catch-22 by Joseph Heller
  78. Alice's Adventures in Wonderland (Alice ở xứ sở diệu kỳ) by Lewis Carroll
  79. Wide Sargasso Sea by Jean Rhys
  80. Oscar and Lucinda by Peter Carey
  81. The Name of the Rose (Tên của Hoa hồng) by Umberto Eco
  82. The Stranger (Người xa lạ) by Albert Camus
  83. Germinal by Émile Zola
  84. The Three Musketeers (Ba chàng lính ngự lâm) by Alexandre Dumas
  85. The Red and the Black (Đỏ và Đen) by Stendhal
  86. Old Goriot (Lão Goriot) by Honoré de Balzac
  87. On the Road (Trên đường) by Jack Kerouac
  88. Eugene Onegin by Alexander Pushkin
  89. The Golden Notebook by Doris May Lessing
  90. Under the Net by Iris Murdoch
  91. The Tale of Genji by Murasaki Shikibu
  92. Cold Comfort Farm by Stella Gibbons
  93. Tinker, Tailor, Soldier, Spy by John le Carré
  94. Midnight's Children (Những đứa trẻ nửa đêm) by Salman Rushdie
  95. The Sorrows of Young Werther (Nỗi buồn của chàng Werther) by Johann Wolfgang von Goethe
  96. The Arabian Nights (Nghìn lẻ một đêm) by Husain Haddawy
  97. The Hitchhiker's Guide to the Galaxy by Douglas Adams
  98. The Home and the World by Rabindranath Tagore
  99. To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) by Harper Lee
  100. The Lord of the Rings (Chúa nhẫn) by J. R. R. Tolkien
Nguồn: wikipedia