468x1000 Ads

Truyện
Showing posts with label truyen-thuyet-trung-quoc. Show all posts
Showing posts with label truyen-thuyet-trung-quoc. Show all posts

Truyền thuyết Hứa Tiên - Bạch Xà


Tây Hồ tại Hàng Châu không chỉ là điểm đến thu hút với cảnh đẹp thơ mộng mà còn là nơi ẩn chứa nhiều truyền thuyết kỳ bí, trong đó có câu chuyện nổi tiếng Thanh Xà Bạch Xà.

Theo Lonely Planet, hiện nay tại Trung Quốc có 800 địa điểm mang tên Tây Hồ. Trong đó, Tây Hồ ở Hàng Châu được du khách biết đến nhiều nhất. Không chỉ mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng, nơi đây còn thu hút du khách bởi những truyền thuyết kỳ bí, trong đó nổi tiếng nhất là chuyện tình giữa chàng Hứa Tiên và nàng Bạch Xà.

Truyền thuyết Na Tra, Kim Tra, Mộc Tra


Na Tra (chữ Hán: 哪吒) là một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa. Được mô tả chi tiết thông qua các tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, Tây du ký, Na Tra được mô tả là một vị thần có pháp lực cao cường, đứng vào hàng những vị thần cao cấp nhất của Thượng giới.

Độc Cô Cầu Bại

Độc Cô Cầu Bại là một nhân vật hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được xem là một nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Độc cô cầu bại được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc cô cầu bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết mà chỉ để lại những triết lí đặc sắc về kiếm thuật. Tên của Độc cô cầu bại có nghĩa là Cô độc một mình mong được bại trận, biểu thị khả năng kiếm thuật thần thông của nhân vật này. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc cô cầu bại là Dương Quá, Phong Thanh DươngLệnh Hồ Xung



Nhân vật Độc Cô Cầu Bại xuất hiện trong Thần điêu hiệp lữ:
 Theo sự hồi tưởng của Dương Quá khi được con thần điêu, con vật được cho là người bạn cuối đời của Độc Cô, dẫn Dương Quá đến mộ của ông ta. Dương Quá đã hồi tưởng về một con người Độc Cô Cầu Bại kiếm thuật vô song, tung hoành thiên hạ, cuối đời cô quạnh sống với chim điêu, chết trong buồn bã vì không thể tìm được một người có thể địch nổi kiếm thuật của ông ta, mong một lần thất bại mà không được. Ông ta đã chôn các thanh kiếm của mình tại nơi gọi là kiếm mộ và 5 chú giải triết lí của bốn thanh kiếm.- Phát hiện kiếm mộ

Chàng thấy trên phiến đá lớn, bên cạnh hai chữ "Kiếm mộ", còn có hai hàng chữ khắc vào đá:Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại vô địch thiên hạ, chôn kiếm chốn này.Ô hô! Quần hùng thúc thủ, trường kiếm dẫu sắc, còn có ích chi!

- Phát hiện ba thanh kiếm và một tảng đá đặt trên một phiến đá xanh:

Thần điêu lại kêu khẽ vài tiếng, dùng hai chân bới các tảng đá trên mộ kiếm sang một bên. Dương Quá chợt nghĩ: "Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại võ công tuyệt thế, không chừng lưu lại kiếm kinh kiếm phổ gì chăng?". Chỉ thấy thần điêu hai chân chuyển đá không ngừng, để lộ ra một dãy ba thanh kiếm, giữa thanh kiếm thứ nhất và thanh kiếm thứ hai có một phiến đá dài. Ba thanh kiếm và phiến đá được đặt trên một tảng đá lớn màu xanh.

- Thanh kiếm thứ nhất Độc Cô Cầu Bại đã dùng: Cương kiếm

Dương Quá nhấc thanh kiếm thứ nhất lên, thấy dưới bề mặt tảng đá có khắc hai hàng chữ nhỏ:Cương mãnh lợi hại, cứng mấy cũng xuyên,Thời trẻ dùng để tranh đấu với quần hùng

Nhìn lại thanh kiếm, thấy dài chừng bốn thước, thanh quang lấp loáng, đích thị là kiếm sắc.

- Tảng đá (Thanh kiếm thứ hai Độc Cô Cầu Bại đã dùng): Tử vi nhuyễn kiếm

Chàng đặt thanh kiếm ấy xuống chỗ cũ, cầm phiến đá lên, thấy dưới bề mặt tảng đá xanh cũng có khắc hai hàng chữ nhỏ:Tử Vi nhuyễn kiếm, dùng trước ba mươi tuổi,Lỡ tay đả thương nghĩa sĩ, bèn vứt xuống vực sâu.

Dương Quá nghĩ: "Chỗ này thiếu một thanh kiếm, thì ra đã bị lão tiền bối ném xuống vực, không hiểu đã lỡ tay đả thương nghĩa sĩ như thế nào, chuyện đó chắc là vĩnh viễn không ai biết được".

- Thanh kiếm thứ hai (Thanh kiếm thứ ba Độc Cô Cầu Bại đã dùng): Huyền thiết trọng kiếm

Chàng xuất thần một hồi, nhấc thanh kiếm thứ hai lên, được vài thước thì "keng" một tiếng, thanh kiếm tuột tay rơi xuống đá, lửa bắn tung toé, bất giác chàng giật mình. Nguyên thanh kiếm đen trũi này trông không có gì lạ, song cực nặng, đốc kiếm dài hơn ba thước, nặng không dưới bảy, tám chục cân, gấp vài lần thứ binh khí nặng nhất trong chiến trận. Dương Quá lúc cầm lên không ngờ nó nặng đến thế, nên đánh rơi nó xuống. Chàng cúi nhấc nó lên, lần này có phòng bị, dĩ nhiên cũng nhấc được, không mấy khó khăn. Chàng thấy kiếm không có lưỡi sắc, mũi kiếm thì tròn như hình bán cầu, nghĩ bụng: "Thanh kiếm đã nặng, sử dụng bất tiện, lại không có lưỡi sắc và mũi nhọn, kỳ lạ thật!" Nhìn dưới bề mặt tảng đá, thấy có khắc hai hàng chữ nhỏ:Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công.Trước bốn mươi tuổi, tung hoành thiên hạ.

Dương Quá lẩm bẩm tám chữ "Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công", tựa hồ đã hiểu ra, nhưng nghĩ kiếm thuật trên thế gian, bất kể các môn phái biến hóa như thế nào, trước hết cũng phải coi trọng việc sử dụng linh hoạt thuận tiện, còn thanh kiếm này quá nặng, không biết sử dụng ra sao, chàng cứ ngẩn người suy nghĩ.

- Thanh kiếm thứ ba (Thanh kiếm thứ tư Độc Cô Cầu Bại đã dùng) và 2 triết lý cuối cùng

Một hồi sau, chàng mới đặt thanh kiếm nặng đó xuống, nhấc thanh kiếm thứ ba lên, lần này chàng lại bị lầm. Chàng cứ tưởng thanh kiếm này phải nặng hơn thanh kiếm vừa rồi, nên vận lực ra cánh tay. Nào ngờ nó nhẹ tênh như không, chàng ngưng thần xem kỹ, hóa ra đó là một thanh kiếm gỗ, chôn dưới đá lâu năm, thân và cán kiếm đều đã bị mục, đọc dưới mặt đá có khắc dòng chữ:Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí,Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm.Cứ thế tinh tu, đạt tới cảnh giới vô kiếm thắng hữu kiếm.

Đây chính là 2 triết lý cuối:

- Triết lý thứ tư về mộc kiếm

- Triết lý thứ năm về vô kiếm: vô kiếm thắng hữu kiếm

Chàng cung kính đặt thanh kiếm gỗ xuống chỗ cũ, thở dài, nói:

- Thần kỹ của tiền bối, khiến người ta khó bề tưởng tượng. Chàng nghĩ không biết bên dưới tảng đá xanh có bản kiếm phổ hay chăng, bèn lật tảng đá lên, nhưng bên dưới là nền đá cứng, không có vật gì khác, thì không khỏi thất vọng.

Sau này Dương Quá đã ngộ ra được chân lí này, và dùng thanh Huyền thiết trọng kiếm nặng nề để luyện nội công dưới thác nước dưới sự trợ giúp của thần điêu, qua đó trở thành một siêu cao thủ dù một tay đã bị cụt. Không ai rõ Độc cô cầu bại sống ở thời nào.



Độc Cô Cầu Bại trong Tiếu ngạo giang hồ - Độc cô cửu kiếm

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Độc cô cầu bại chỉ xuất hiện qua lời kể của Phong Thanh Dương khi truyền thụ Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung. Theo lời kể của Phong Thanh Dương, Độc cô cầu bại là một người thông minh tuyệt đỉnh, là người đã sáng tạo ra Độc cô cửu kiếm, và nhờ kiếm pháp tuyệt luân này, Độc cô cầu bại cũng không có địch thủ và ông ta thậm chí còn vui mừng biết bao khi có một người có khả năng khiến cho ông ta phải quay kiếm trở lại phòng thủ. Phong Thanh Dương chính là truyền nhân của Độc cô cửu kiếm với 9 nguyên lí:

Tổng quát thức: Là các quy luật chung, các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật: di chuyển, quan sát, tấn công... Các biến hóa trong tổng quát thức dựa trên các quy luật biến hóa của bát quái trong Kinh Dịch với 360 cách biến hóa.

Phá kiếm thức: Là các quy tắc phá kiếm thuật.

Phá đao thức: Các quy tắc tấn công đối thủ dùng đao.

Phá thương thức: Quy tắc tấn công các đối thủ sử dụng thương, giáo, kích, gậy...

Phá tiên thức: Hóa giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt...

Phá sách thức: Phá trường sách, nhuyễn tiên, tam thiết côn, trùy...

Phá chưởng thức: Hóa giải quyền, cước, chỉ, chưởng (võ công sử dụng trực tiếp tay, chân, công lực...)

Phá tiễn thức: Dùng để phá các tên, ám khí.. chẳng những dùng kiếm gạt ám khí mà có thể phản công trở lại. Một minh họa điển hình của chiêu thức này là Lệnh Hồ Xung dù mất hết nội lực vẫn sử dụng một chiêu kiếm xuất thần đâm mù mắt 15 đại cao thủ vây quanh trong miếu Dược Vương.

Phá khí thức: Dùng để hóa giải các đối thủ có nội công thượng thặng.

Phong Thanh Dương chính là người phát triển 9 nguyên lí này thành một nguyên lí duy nhất là "Dĩ vô chiêu địch hữu chiêu". Có thể suy đoán rằng chính những người sử dụng Độc cô cửu kiếm rồi sẽ trở thành những Độc cô Cầu bại, mà cuộc đời của Phong Thanh Dương là một ví dụ điển hình

Tứ Đại Mỹ Nhân


Chiêu Quân 
Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, là một cung phi của vua Nguyên đế nhà Hán (48 - 53 trước Tây lịch). Lúc bấy giờ vua nằm mộng thấy mỹ nhân cùng giao ước 100 năm. Nhà vua cứ ngày đêm mơ tưởng đến người trong mộng nên truyền các quan địa phương tìm cho được người đẹp trong giấc mộng. Thái sư Mao Diên Thọ lãnh phần việc ấy. Mao Diên Thọ thừa "nước **c thả câu", ăn hối lộ của cung phi. Hễ ai đút lót tiền thì cho vẽ đẹp đẽ, xinh tươi dâng lên vua. Chiêu Quân đẹp nhất nên không chịu lo lót, lại còn xỉ vả Mao Diên Thọ. Do đó, khi cầm bức vẽ Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt Chiêu Quân một chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên vua, hắn sàm tấu rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng có nốt ruồi mà sách tướng gọi là "thương phu trích lệ". Ðó là nốt ruồi sát phu. Nhà vua nghe vậy nên không đoái hoài đến Chiêu Quân.


10 vị tiên tình ái trong truyền thuyết Trung Quốc

Đất nước Trung Hoa có rất nhiều những truyền thuyết về các vị thần tiên, mà hàng ngàn năm qua vẫn được phụng thờ trong tín ngưỡng dân gian. Những vị thần tiên này có thể nói là muôn màu muôn vẻ, có thần tình yêu, có thần hôn nhân, có thần về sinh sản, có thần bảo hộ cho gia đình, có thần chưởng quản về thi cử, đỗ đạt, phúc lộc, tiền tài …Trong đó có không ít thần tiên có liên quan đến chuyện tình ái.

1. Nữ Oa - Thần mai mối:
Nữ Oa là một vị nữ thần được sùng bái từ rất lâu đời trong rộng rãi nhân dân Trung Quốc. Bà được coi là vị thần thuỷ tổ của người Hoa, đã sáng tạo ra thế giới. Trong truyền thuyết, Nữ Oa có thể hoá sinh ra vạn vật, và kỳ tích nổi tiếng nhất của bà mà không ai không biết, đó là luyện đá vá trời, và nặn đất tạo ra con người.

Trước khi tạo ra con người, thì bà đã tạo ra các con vật: Ngày 1 tháng Giêng tạo ra gà, mùng 2 tháng Giêng tạo ra chó, mùng 3 tạo ra dê, mùng 4 tạo ra lợn, mùng 5 tạo ra trâu, mùng 6 tạo ra ngựa, đến mùng 7 tháng Giêng mới nhào đất và nước tạo ra con người (chính vì vậy người Trung Hoa vẫn gọi ngày 7 tháng Giêng âm lịch là nhân nhật). Nghĩ đến con người phải được truyền nối đời đời, bà bèn tạo lập ra các chế độ hôn phối, kết hợp con trai và con gái để sinh con đẻ cái, vì vậy Nữ Oa trở thành bà mối đầu tiên trên thế gian, được người đời tôn thờ là vị tổ thần mai mối, gọi là "Cao Môi". Người ta dựng miếu thờ Nữ Oa, hay còn gọi miếu Cao Môi và tế lễ vị thần hôn nhân này rất linh đình bằng lễ thái lao (giết ba con vật lợn, trâu, dê để cúng tế), đây là lễ tế cao nhất trong các hoạt động tế tự xưa. Những miếu Cao Môi hiện vẫn còn ở nhiều nơi như Lạc Ninh - Sơn Đông, Hà Tân - Sơn Tây, Vu Đô - Giang Tây … Sự xuất hiện của thần Nữ Oa cho thấy dưới thời kỳ thị tộc mẫu hệ, phụ nữ là trung tâm trong việc hôn nhân và nữ tộc trưởng nắm việc hôn nhân của toàn bộ tộc.

Thiên địa can chi

Can Chi (Trung: 干支 (Can Chi)/ Gānzhī), đôi khi gọi dài dòng là Thiên Can Địa Chi (Trung: 天干地支 (Thiên Can Địa Chi)/ Tiāngān dìzhī) hay Thập Can Thập Nhị Chi (Trung: 十干十二支 (Thập Can Thập Nhị Chi)/ Shí gàn shí'èrzhī), là hệ thống đánh số thành chu kỳ được dùng tại các nước có nền văn hóa Á Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Nó được áp dụng với tổ hợp chu kỳ sáu mươi (60) trong âm lịch nói chung để xác định tên gọi của thời gian (ngày, giờ, năm, tháng) cũng như trong chiêm tinh học. Người ta cho rằng nó có xuất xứ từ thời nhà Thương ở Trung Quốc.

>> Tứ linh
>> Tứ tượng

Trong đời sống, hệ Can Chi được gọi đơn giản là 12 con giáp, với các loài vật như

Mười hai con giáp
Tý (Chuột) · Sửu (Trâu) · Dần (Hổ) · Mão (Mèo/Thỏ) · Thìn (Rồng) · Tỵ (Rắn) · Ngọ (Ngựa)  · Mùi (Dê) · Thân (Khỉ) · Dậu (Gà) · Tuất (Chó) · Hợi (Lợn)

Can
Can được gọi là Thiên Can (tiếng Hán: 天干; pinyin: tiāngān) hay Thập Can (tiếng Hán: 十干; pinyin: shígān) do có đúng mười (10) can khác nhau. Can cũng còn được phối hợp với Âm-Dương và Ngũ hành.

Danh sách 10 can
Số Can Việt Âm-Dương Hành
1 giáp Dương Mộc
2 ất Âm Mộc
3 bính Dương Hỏa
4 đinh Âm Hỏa
5 mậu Dương Thổ
6 kỷ Âm Thổ
7 canh Dương Kim
8 tân Âm Kim
9 nhâm Dương Thủy
10 quý Âm Thủy

Chi
Chi hay Địa Chi (Hán: 地支; pinyin: dìzhī) hay Thập Nhị Chi (Hán: 十二支, shíèrzhī) do có đúng thập nhị (mười hai) chi. Đây là mười hai từ chỉ 12 con vật của hoàng đạo Trung Quốc dùng như để chỉ phương hướng, bốn mùa, ngày, tháng, năm và giờ ngày xưa (gọi là canh gấp đôi giờ hiện đại). Việc liên kết các yếu tố liên quan đến cuộc sống con người với Chi là rất phổ biến ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Danh sách 12 Chi


Truyền thuyết bạch xà

Truyền thuyết Bạch Xà (tiếng Hoa: 白蛇传说, tiếng Anh: The Sorcerer and the White Snake, It's Love hay Madame White Snake) là một bộ phim của đạo diễn Trình Tiểu Đông với sự tham gia của diễn viên Lý Liên Kiệt. Bộ phim chuyển thể từ câu chuyện Bạch Xà truyện trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc. Phim được khởi quay vào ngày 10 tháng 9 năm 2010 và kết thúc vào ngày 16 tháng 1 năm 2011. Bộ phim sẽ được phát hành dưới dạng 3-D và tham gia Liên hoan phim Venice lần thứ 68 vào ngày 3 tháng 9 năm 2011. Phim dự kiến phát hành ở Hồng Kông vào ngày 29 tháng 9 năm 2011 và dự kiến phát hành ở Việt Nam vào ngày 30 tháng 9 năm 2011 với tên gọi Truyền Thuyết Bạch Xà

Truyền thuyết bạch xà:
Vào thời nhà Tống dời đô về Lâm An, một lũ yêu ma từ trong rừng trốn ra, chúng toàn làm chuyện ác, khiến cho nhân gian phải gặp tai họa lớn. Trụ trì chùa Kim Sơn là Pháp Hải đại sư biết được, mang theo đệ tử là Năng Nhẫn xuống núi trừ diệt yêu quái, thay trời hành đạo. Họ đã chiến đấu quyết liệt với Tuyết Yêu, Hồ Yêu nghìn năm...

Bạch Xà ở trong núi sâu đã tu luyện được một nghìn năm, vì tịch mịch khó chịu nên cùng với Thanh Xà hóa thành hình người, lấy tên là Bạch Tố Trinh và Tiểu Thanh đến nhân gian du ngoạn, tình cờ gặp được một người hái thuốc là Hứa Tiên, Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên yêu nhau, nhưng Hứa Tiên không biết Bạch Tố Trinh là xà tinh đã tu luyện nghìn năm. Tiểu Thanh quyết định tác hợp cho Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên, trên đường nàng gặp đồ đệ của Pháp Hải là Năng Nhẫn, hai người kết bạn, nhưng Năng Nhẫn không biết Tiểu Thanh là xà tinh. Vào lúc này, dơi tinh làm hại bách tính ở nhân gian, ai bị dơi tinh cắn phải đều sẽ biến thành dơi tinh. Năng Nhẫn không may gặp phải dơi tinh, một trận ác chiến xảy ra, Năng Nhẫn không may bị dơi tinh đả thương. Pháp Hải kịp thời đến cứu, cứu được tính mạng Năng Nhẫn. Cuối cùng dơi tinh bị Pháp Hải tiêu diệt.

Tiểu Thanh tụ tập một nhóm yêu tinh giả làm cha mẹ và gia nô của Bạch Tố Trinh, nghênh đón Hứa Tiên đến hỏi cưới Bạch Tố Trinh, cuối cùng Bạch Tố Trinh thực hiện được ước mơ kết duyên với Hứa Tiên. Lúc này Năng Nhẫn trúng phải yêu độc của dơi tinh nên thân thể dần biến thành yêu ma, cảm thấy vô cùng tuyệt vọng nên quyết định tìm đến cái chết, sau đó Tiểu Thanh xuất hiện, đem chuyện mình là yêu tinh nói cho Năng Nhẫn biết, phá hết mọi giới luật của Năng Nhẫn, nói với Năng Nhẫn rằng anh ta giờ đã trở thành đồng loại của Tiểu Thanh, bắt Năng Nhẫn đối mặt với sự thật...

Chuyện của Bạch Tố Trinh cuối cùng bị Pháp Hải phát hiện, Tiểu Thanh để Bạch Tố Trinh mang Hứa Tiên đi trước, một mình đánh nhau với Pháp Hải, Tiểu Thanh chống không nổi suýt bị Pháp Hải giết chết, may Năng Nhẫn kịp thời đến cản Pháp Hải, cứu thoát Tiểu Thanh. Năng Nhẫn đem thân hình yêu quái của mình đối diện với sư phụ, Năng Nhẫn cầu xin Pháp Hải tha cho Tiểu Thanh rồi gạt nước mắt chia tay sư phụ, Pháp Hải biết rằng Năng Nhẫn không thể nào quay đầu được nữa.

Vào tết Đoan ngọ, Pháp Hải truy tìm hành tung của Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên, dùng kế làm Bạch Tố Trinh hiện ra nguyên hình, sau đó hai bên đánh nhau kịch liệt, kết quả hai bên đều thua trận bỏ chạy. Hứa Tiên vì cứu Bạch Tố Trinh, quyết định đến chùa Kim Sơn tìm cỏ tiên, không may bị Pháp Hải bắt được đem nhốt trong chùa Kim Sơn. Bạch Tố Trinh và Tiểu Thanh nghe tin, vội vàng đến chùa Kim Sơn tìm Pháp Hải để đòi người, hai bên lại giao đấu kịch liệt, Năng Nhẫn cũng đến giúp đỡ Tiểu Thanh. Bạch Tố Trinh cùng Tiểu Thanh dâng nước nhấn chìm chùa Kim Sơn nhưng cuối cùng thất bại, Bạch Tố Trinh bị Pháp Hải giam lại vĩnh viễn dưới đáy Lôi Phong tháp. Hứa Tiên hằng ngày đều đến quét sân quanh tháp để nhớ đến vợ mình còn Năng Nhẫn núp trên một tảng đá hướng mắt đến thầy mình. Pháp Hải lấy trái táo quăng lên đồ đệ và nói"bộ dạng này trông hợp với con lắm Năng Nhẫn"

Rồng Phương Đông

Rồng hay Long là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại một số nước châu Á, rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Đa số các nước châu Á coi rồng là con vật linh thiêng trong khi các nước châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.

Tại Trung Quốc và các nước lân cận khác, rồng là một trong bốn linh vật mà Lễ Ký 禮記 (thiên Lễ Vận 禮運) chép: "Long, lân, quy, phụng vị chi tứ linh" 麟鳳龜龍謂之四靈 (Long, lân, quy, phụng gọi là tứ linh). Bốn linh vật này chỉ có rùa là có thực.





Rồng với người Trung Quốc

Vì đứng đầu trong tứ linh nên rồng có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tâm linh của người dân Trung Quốc. Cuối năm 1987 tại huyện Bộc Dương (濮陽) tỉnh Hà Nam, người ta khai quật được một con rồng bằng gốm, giám định là có 6 ngàn năm tuổi.

Như vậy điều này càng chứng minh thêm sự sùng bái rồng trong xã hội nguyên thủy chiếm địa vị trọng yếu trong tín ngưỡng linh vật hay vật tổ (totemism: Đồ đằng sùng bái 圖騰崇拜)

Và liên quan mật thiết đến chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, phong tục dân gian từ đời Hạ, đời Thương và ảnh hưởng này kéo dài mấy ngàn năm không suy giảm.

Rồng luôn hiện hữu trong các truyện thần thoại Trung Quốc, trong các cổ vật, tranh vẽ, lời bói trên mai rùa xương thú khai quật được, và trong các thư tịch cổ như Chu Dịch, Sơn Hải Kinh, Tả Truyện, v.v...

Rồng chữ Hán viết là 龍 với các cách phiên thiết như:

Khang Hi 康熙: lực chung thiết 力鍾切, như vậy đọc là lung; lô dung thiết âm lung 盧容切音籠, như vậy cũng đọc là lung.

Chu Dịch Đại Từ Điển 周易大辭典 (căn cứ Thuyết Văn Giải Tự 說文解字): lực chung thiết chung vận 力鍾切鍾韻, như vậy đọc là lung.

Từ Hải 辭海: lư dung thiết âm lung 閭容切音籠, như vậy đọc là lung.

Theo các cách phiên thiết trên thì chữ 龍 nên đọc là «lung». Nhưng từ trước đến nay người Việt vẫn đọc là «long», có lẽ căn cứ vào thanh phù đồng 童 (giản lược thành chữ lập 立 trên đầu).

Thuyết Văn Giải Tự giảng về rồng (long) là: «Lân trùng chi trưởng, năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên.» 鱗蟲之長, 能幽能明, 能細能巨, 能短能長, 春分而登天, 秋分而潛淵 (Rồng đứng đầu các loài có vẩy, có thể ẩn hiện, có thể biến hóa nhỏ hoặc lớn, dài hoặc ngắn; tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì lặn sâu đáy vực).

Đoàn Ngọc Tài chú: «Mao Thi - Liệu Tiêu truyện viết: Long sủng dã. Vị long tức sủng chi giả tá dã. Chước truyện viết: Long hòa dã. Trường phát đồng. Vị long vi ung hòa chi giả tá tự dã.» 毛詩蓼蕭傳曰: 龍寵也. 謂龍即寵之假借 也.勺傳曰: 龍和也. 長發同. 謂龍為邕和之假借字也 (Truyện Liệu Tiêu trong Mao Thi viết: Long tức là sủng (bằng vinh diệu, yêu mến). Nói long tức là nói chữ giả tá của sủng. Chước truyện nói: Long tức là hòa. Đồng nghĩa với trường phát (bằng phát triển lâu dài). Nói long tức là nói chữ giả tá của ung hòa (bằng hòa mục, hòa hiệp).

Theo lời chú của Đoàn Ngọc Tài, trong cổ văn, chữ long ngoài ý nghĩa là một linh vật còn được dùng như chữ giả tá của sủng và hòa với các ý nghĩa đã nêu trên).



Chín đứa con của rồng phương đông:

Rồng có chín đứa con (Long Sinh Cửu Tử), là chín loài thần thú nhưng không phải rồng. tùy vào tính cách của mỗi con mà người ta dùng trang trí ở những nơi khác nhau như mái hiên, nóc nhà, lan can, vũ khí, chiến thuyền... Là con thứ 9 của con Rồng theo quan niệm phương Đông. Đây là con vật rất trung thành với chủ, dù chủ nó làm nghề gì nên được rất nhiều người Trung Quốc và cả người Việt Nam rước về (để lấy may mắn).

Theo "Hoài Lộc Đường Tập", tên của "Long Sinh Cửu Tử" lần lượt là:
  1. Ngưu Tù
  2. Nhai Xải
  3. Trào Phong
  4. Bồ Lao
  5. Toan Nghê
  6. Bí Hí
  7. Bệ Ngạn
  8. Phụ Hí
  9. Li Vẫn
Còn theo "Thăng Am Ngoại Tập" thì đó là:
  1. Bí Hí
  2. Li Vẫn
  3. Bồ Lao
  4. Bệ Ngạn
  5. Thao Thiết
  6. Công Phúc
  7. Nhai Xải
  8. Toan Nghê
  9. Tiêu Đồ

Long (Rồng) là một hình tượng Linh Thiêng của Trung Quốc và một số nước Á Đông, đặt nó ở đâu thì nơi đó mang ẩn ý chứa đựng điều cát tường, nó cũng là đứng đầu trong bốn con thú lành của Trung Quốc. Trong truyền thuyết Long Sinh Cửu Phẩm (Rồng Sinh 9 con), các phẩm không giống nhau phân biệt như sau:


Bí Hí là con trưởng của Rồng.
Còn có tên khác là Quy Phu, Điền Hạ hay Bá Hạ. Linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng, có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá...

Li Vẫn là con thứ hai của Rồng.
Còn có tên gọi là Si Vĩ hay Si Vẫn. Linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn, thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài…

Bồ Lao là con thứ ba của Rồng.
Linh vật thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn.

Bệ Ngạn là con thứ tư của Rồng.
Còn có tên gọi khác là Hiến Chương. Linh vật có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn, thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.

Thao Thiết là con thứ năm của Rồng.
Linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ, có tính tham ăn vô độ nên được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.

Công Phúc là con thứ sáu của Rồng.
Linh vật này thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như: cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.

Nhai Xải là con thứ bảy của Rồng.
Linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh nên thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm… ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.

Toan Nghê là con thứ tám của Rồng.
Linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút nên được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.

Tiêu Đồ là con thứ chín của Rồng.
Linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình nên thường được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

Ngoài chín linh vật nói trên, gia đình Rồng còn có một số linh vật khác như:

Tù Ngưu: Linh vật giỏi về âm luật nên thường được khắc trên các nhạc cụ, nhạc khí...

Trào Phong: Linh vật thường được chạm khắc trên nóc nhà với ngụ ý chống hoả hoạn và thị uy kẻ xấu (gần giống với li vãn).

Phụ Hí: Linh vật được chạm khắc trên các bia mộ, bài vị với ngụ ý bảo vệ mộ phần người đã khuất.

Trong chín con của Rồng duy có Bá Hạ thích mang vật nặng, ngoại hình của nó giống con rùa, đầu thì giống rồng, gọi là con thú mang bia (Có một số người, thậm chí cả các nhà Sử Học có sự nhầm lẫn khi cho rằng các con vật đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là loài Rùa, thật ra đó là Bá Hạ vì ngoài đặc tính thích mang vật nặng nó cũng rất thích văn chương nên người xưa dùng nó để đặt bia Tiến Sĩ - Điều này mang ý nghĩa sâu sắc hơn là một con rùa bình thường).

Trong dân gian thì các con rùa lớn linh thiêng cũng được gọi là Long Quy. Trong truyền thuyết cổ của Trung Quốc cũng có nói đến Nữ Oa Nương Nương dùng bốn chân rùa lớn để chống bốn góc trời bị Cung Công húc nghiêng lệch. Cũng vì Long Quy thích mang vật nặng, ngụ ý giúp con người chống lại Sát khí giảm tai họa, nên Long Quy thường dùng để trấn trạch hưng gia, nó cũng đem lại Phúc Trạch giúp cho cuộc sống tốt hơn. Long Quy đặt tại tài vị thì thúc đẩy tài lộc, đặt tại vị trí Tam Sát hoặc vị trí nhiều thủy khí thì tác dụng hóa giải rất lớn. Phong Thủy Học có nói: "Yếu khoái phát, đầu Tam Sát – Phát tác nhanh chóng nhất là Tam Sát". Thủy khí lớn chủ thị phi khẩu thiệt, Long Quy đặt ở đó có thể hóa giải tranh cãi, còn đem lại nhân duyên nữa. Long Quy có thể chiêu tài hóa sát, thêm nữa rùa có hàm nghĩa Nhân Thọ, cho nên Long Quy sử dụng ít khi úy kỵ. Hình dáng nó cũng làm cho nhiều người thích, nhà nhà ai cũng muốn bày nó. Khi bày Long Quy tốt nhất nên lấy Mệnh Vận của chủ nhà mà tính toán, sẽ không bao giờ bất lợi khi quan hệ với người khác. Muốn dùng chiêu tài thì đặt nó hướng ra cửa như dùng Tỳ Hưu. Long Quy bài trí ở phía hậu nhà thì có tác dụng Trấn Trạch. Long Quy có tác dụng tụ sinh khí làm cho vượng nhân đinh. Long Quy trước tiên mang hàm nghĩa Vinh Quý, ngụ rằng Vinh Hoa Phú Quý hay Áo Gấm Về Làng. Cho nên nói đến Long Quy thì đó là một con vật rất Tốt Lành. Đời Tống có quan niệm cho rằng Long Quy tức là Thần Vật của Bắc Đế Chân Võ (Một trong các Hóa Thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế).

Long Quy đầu đặt quay về cửa sổ (Bên ngoài cửa sổ có sông, ngòi, biển là tốt nhất), đặt tại phòng khách hoặc phòng đọc sách. Cửa sổ đặt ở vị trí phía đông càng tốt vì có câu "Tử Khí (Khí Lành) đến từ phương Đông".

Tại phòng làm việc nên bày đối diện cửa phòng hoặc cửa sổ (bày ngay trên bàn làm việc của mình). Sau đuôi Long Quy nên bày Tử Tinh Động (Động đá tím) để khí tím đến nhập vào huyệt động. Trước mặt Long Quy nên bày một thủy tinh cầu trong suốt để bổ sung thủy khí cho Long Quy

Tứ tượng

Tứ tượng hay tứ thánh thú, là một khái niệm hình tượng bộ bốn trong khoa học thiên văn, triết học, phong thủy,... phương Đông.
Tứ tượng là bốn thánh thú trong các chòm sao Trung Hoa cổ đại:

- Thanh Long của phương Đông
- Bạch Hổ của phương Tây
- Chu Tước của phương Nam
- Huyền Vũ của phương Bắc

 Mỗi thánh thú cai quản một phương và tượng trưng cho một mùa, chúng có những đặc điểm và nguồn gốc riêng. Chúng được miêu tả đầy sinh động trong thần thoại và trí tưởng tượng của người Trung Hoa, và cả trong Manga và Anime của Nhật.

Tứ linh


Tứ linh có nghĩa là 4 loài linh vật, chúng có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, nhất là những nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tứ linh bao gồm: long, ly, quy, phụng.Tứ linh và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) có mặt phổ biến trong hội họa, điêu khắc dân gian, nhất là ở các đình chùa và thường đi chung với các đề tài hoa lá, mây nước...

Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài

Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là một truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình bi thảm của một đôi trai gái, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài hay còn được viết tắt là Lương Chúc, từ tên gọi của hai người mà truyền thuyết này được biết đến trong tiếng Trung là 梁山伯與祝英台. Truyền thuyết Trung Hoa này thường được ví như là câu chuyện tình yêu Romeo và Juliet của nước Anh.

6 thành phố tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cộng tác từ năm 2004 để chính thức đề nghị UNESCO công nhận truyền thuyết này là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới, với dự kiến đệ trình năm 2006 thông qua Bộ văn hóa Trung Quốc.

>> Truyền thuyết Trung Quốc

Câu chuyện này bắt nguồn từ thời nhà Đông Tấn (317-420).
Một thiếu nữ tên là Chúc Anh Đài, người Thượng Ngu, Chiết Giang, từ nhỏ đã thông minh và hiếu học nên nối gót các huynh đệ học tập thơ văn. Chúc Anh Đài cải trang thành con trai để đến học tại một ngôi trường ở Hàng Châu tên là Nghi Sơn. Trên đường, cô tình cờ gặp gỡ một thư sinh là Lương Sơn Bá, một bạn cùng trường đến từ Cối Kê (Nay là Thiệu Hưng cùng tỉnh).

Họ cùng học với nhau trong 3 năm, từ đó quan hệ của họ càng được củng cố thêm. Tuy ở cùng nhau ba năm, Sơn Bá chưa bao giờ nghĩ Anh Đài là con gái. Khi hai người chia tay nhau, Chúc Anh Đài có nói rằng sẽ thu xếp để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi (thật chất ý nói là cô) của mình. Khi Lương Sơn Bá đến nhà Chúc Anh Đài, anh mới phát hiện ra giới tính thật sự của cô.

Mặc dù họ dành hết tình cảm cho nhau và yêu nhau say đắm kể từ thời điểm đó, nhưng Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài . Vì phiền muộn, Lương Sơn Bá đã lâm bệnh và sau đó mất tại nơi làm việc khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện.

Vào ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài, khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi lên ngăn cản đoàn đi tiếp. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ Lương Sơn Bá để cúng tế. Phần mộ Lương Sơn Bá bỗng mở ra và Chúc Anh Đài đi vào trong đó. Sau đó, từ trong mộ, một đôi bướm quấn quít bên nhau và cùng bay đi.

Ghi chép sớm nhất về truyền thuyết này có vào cuối thời nhà Đường. Trong Tuyên thất chí , tác giả Trương Độc  vào khoảng những năm 850-880 có viết:

Anh Đài, con gái nhà họ Chúc ở Thượng Ngu, cải trang thành nam tử, cùng học với Lương Sơn Bá đến từ Cối Kê.Sơn Bá không biết Anh Đài là gái nên xem Anh Đài là bạn thân, hai ngươi cùng ở cùng phòng với nhau. Tự hiệu của Sơn Bá là Xử Nhân. Chúc Anh Đài quay về nhà trước. Hai năm sau, Lương Sơn Bá đến thăm nhà nàng, chỉ khi đó mới biết nàng là gái, vì thế cảm thấy buồn bã như mất đi điều thuộc về mình. [Lương Sơn Bá] muốn cầu hôn với cha mẹ [Chúc Anh Đài], nhưng gia đình nàng đã đồng ý gả nàng cho con trai nhà họ Mã. Sơn Bá nhậm chức huyện lệnh tại huyện Ngân ( ngày nay là phía tây của Ninh Ba), sau đó chết tại nhiệm sở và được chôn cất tại phía tây thành Mậu (nay là phía đông của Ninh Ba). Khi Chúc Anh Đài được hộ tống đến nhà họ Mã bằng đường thủy thì thuyền cứ dừng lại trước mộ, không thể di chuyển được vì gió to và sóng cả. Sau khi biết rằng đó là mộ của Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài lên bờ kêu gào khóc thương, đất bỗng tự mở ra; Chúc Anh Đài vì thế cũng được chôn cất trong mộ. Tạ An, khi đó là thừa tướng nhà Tấn, tấu biểu cho đề lên mộ câu "義婦塚" (nghĩa phụ trủng – tức mộ của người vợ có nghĩa).

Truyền thuyết này cũng được ghi chép lại trong nhiều tài liệu chính thức khác, như Ngân huyện chí , Ninh Ba phủ chí và Nghi Hưng Kinh khê tân chí.

Đối với nghệ thuật hiện nay:
Truyền thuyết này đã được mô phỏng thành các phiên bản địa phương của hí kịch Trung Quốc truyền thống, chẳng hạn Lương Chúc trong hí kịch Thiệu Hưng và Liễu ấm kí  trong hí kịch Tứ Xuyên. Phiên bản trong Thiệu Hưng kịch đã được chuyển thể thành phim màu năm 1953 tại Trung Quốc với Phạm Thụy Quyên  vai Lương Sơn Bá, Viên Tuyết Phân  vai Chúc Anh Đài. Giới thiệu bộ phim này do Bộ Văn hóa và Ủy ban quân sự và chính trị Đông Hoa thực hiện đã diễn ra trên quê hương của Chúc Anh Đài ở Thượng Ngu.

Câu chuyện cũng truyền cảm hứng cho sự ra đời của Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc (bản côngxectô Lương Chúc dành cho viôlông), một sáng tác dành cho viôlông và dàn nhạc. Nó được các nhà soạn nhạc Trung Quốc là Hà Chiêm Hào  và Trần Cương sáng tác năm 1958.

Bản côngxectô này dài gần khoảng 30 phút và là một trong những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Trung Quốc hiện đại. Trong thập niên 1970, đài truyền hình TVB của Hồng Kông đã cho viết phỏng theo truyền thuyết này các đoạn tiểu khúc âm nhạc, với Đàm Bách Tiến và Susanna Kwan thể hiện các đoạn xướng âm cho các phần nhạc thu do Cố Gia Huy viết.

Ít nhất có 2 phim điện ảnh đã sử dụng nó cho phần nhạc chủ đề của mình: The Lovers do Từ Khắc làm đạo diễn và Dương Thái Ny cùng Ngô Kỳ Long thủ vai tại Hồng Kông năm 1994; và The Butterfly Lovers một phim truyện hoạt hình do Tsai Min-chin đạo diễn và các diễn viên Elva Siao, Rene Liu và Jacky Wu Jing thủ vai tại Đài Loan năm 2004.

Năm 1981, Jann Paxton, khi đó làm việc trong chương trình nghệ thuật nhà hát tại Đại học Old Dominion ở Norfolk, Virginia, đã được các sinh viên Trung Quốc giới thiệu cho biết về Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc.

Paxton đã cảm nhận nguồn cảm hứng từ bản côngxectô này và truyền thuyết nguyên bản của nó đến mức ông đã hình thành ra một một vở ba lê đủ dài dựa trên câu chuyện này và cố gắng thu được các quyền biểu diễn hạn chế đối với bản tổng phổ từ những người sở hữu nó tại Trung Quốc.

Sáng tác và dàn dựng của Randy Strawderman và Jann Paxton (ông thiết kế luôn cả cảnh dựng và trang phục), vở ba lê Butterfly Lovers (Hồ điệp tình nhân) đã được Nhạc viện North Carolina(NCSA) tại Winston-Salem, Bắc Carolina công diễn chính thức lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào mùa xuân năm 1982 tại nhà hát Agnes DeMille như là một phần của gala vũ điệu mùa xuân của trường này.

Các vai chính, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, do hai sinh viên của trường này là Sean Hayes và Alicia Fowler thể hiện. Câu chuyện của Paxton giữ nguyên phiên bản kinh điển của Trung Quốc với sự bổ sung một vài nhân vật phụ. Vở ba lê cũng đã được trình diễn theo kiểu "nhà hát hộp đen" và sử dụng các loại đồ dùng sân khấu bằng vải khác nhau cũng như các thay đổi trong trang phục.

Dựa trên chuyện tình này, xưởng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers studio) cũng đã sản xuất phim Love Eterne (Tình yêu vĩnh cửu) do Lý Hàn Tường đạo diễn, các diễn viên Lăng Ba vai Lương Sơn Bá và Lạc Đế vai Chúc Anh Đài năm 1962.

Tháng 5 năm 2001, một nhóm sinh viên của Đại học Oxford đã thành lập Công ty sản xuất kịch Lương Chúc, viết lại toàn bộ câu chuyện thành vở kịch hiện đại và trình diễn nó bằng tiếng Anh.