468x1000 Ads

Truyện

Hoàng Tử Bé: Chương 4

Hoàng tử bé



Chương 4-1

"Chào đó", hoàng tử bé nói.  
"Chào đó", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.  
"Bác làm chi đây", hoàng tử bé nói.  
"Ta tuyển lựa hành khách, từng tốp hàng ngàn", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.  
"Ta phát tống những chuyến tàu mang chở họ đi, lúc về phía hữu, lúc về phía tả."  
Và một chuyến tàu tốc hành sáng rỡ, vang ì ầm như sấm làm rung chuyển buồng máy bẻ ghi.  
"Họ hối hả vội vàng lắm", hoàng tử bé nói. "Họ tìm kiếm chi?"  
"Người lái đầu máy hỏa xa cũng không biết nốt", người bẻ ghi chuyển lô nói.  
Và chợt vang ì ầm, một con tàu tốc hành thứ hai sáng rực, từ phương hướng ngược chiều chạy tới.  
"Họ về trở lại rồi ư?" hoàng tử bé hỏi...  
"Đấy không phải là bọn người khi nãy", người bẻ ghi chuyển lộ nói. "Đây là một đổi trao."  
"Bọn họ không vừa lòng, tại nơi họ ở?"  
"Chẳng bao giờ người ta vừa lòng với nơi chốn mình đương ở", người bẻ ghi chuyển lộ nói.  
Và chợt vang ì ầm sấm sét con tàu tốc hành thứ ba.  
"Bọn họ đuổi theo lũ hành khách đầu tiên?", hoàng tử bé hỏi.  
"Bọn chúng chẳng đuổi theo cái gì ráo", người bẻ ghi chuyện lộ nói. "Bọn chúng ngủ khì trong đó, hoặc ngồi ngáp ngắn ngáp dài! Chỉ bọn con trẻ là dán mũi vào cửa kính mà dòm ra."  
"Chỉ lũ con trẻ là biết cái điều chúng tìm kiếm, hoàng tử bé thốt. Chúng tiêu phí thì giờ vì một con búp bê giẻ rách, và con búp bê trở thành hệ trọng, và nếu người ta cướp giật đi, thì chúng khóc lóc..."  
"Chúng may mắn lắm đó", người bẻ ghi chuyển lộ nói.  

Chương 4-2

"Chào đó", hoàng tử bé nói.  
"Chào đó" người buôn hàng nói.  
Đó là một người buôn bán những hoàn thuốc tuyệt hảo làm dịu cơn khát nước. Người ta nuốt mỗi tuần một viên và người ta sẽ không còn cảm thấy cần uống nước nữa.  
"Tại sao bác bán những thứ đó"? hoàng tử bé hỏi.  
"Đó là một sự tiết kiệm thì giờ rất lớn", người buôn bán nói. "Những nhà chuyên môn đã làm những con tính tổng kê. Ta dành dụm được năm mươi ba phút mỗi tuần."  
"Và dùng làm gì với năm mươi ba phút đó?"  
"Dùng làm cái gì thì làm, tùy thích..."  
"Ta", hoàng tử bé tự nhủ, "nếu ta có năm mươi ba phút để tiêu dùng, ta sẽ bước đi thật êm dịu tìm tới một mạch giếng..."


  
Chương 4-3

Thấm thoát loay hoay đã tới ngày thứ tám kể từ bữa hỏng máy rớt trong sa mạc, và tôi đã ngồi lắng tai nghe câu chuyện về gã lái buôn, vừa uống giọt cuối cùng của số nước tích trữ:  
"A!", tôi bảo hoàng tử bé, "những kỷ niệm của chú thật quả là xinh, nhưng tôi chữa chạy chưa xong chiếc phi cơ, tôi chẳng còn chi để uống, và tôi cũng sẽ sung sướng lắm nếu mình có thể bước đi một cách êm ái mà tìm tới một cái mạch giếng nước đâu đó đang dạt dào!"  
"Người bạn chồn cỏn con từng bảo với tôi rằng..."  
"Này chú bạn bé bỏng của tôi ơi, bây giờ không còn chuyện bạn chồn, chồn bạn, chồn cỏn con, con chồn chồn chi nữa hết!"  
"Tại sao vậy?"  
"Tại vì người ta sắp chết khát..."  
Chú bé không hiểu lý luận đó của tôi, trả lời:  
"Có một người bạn thiết, thật là tốt lắm đó, cho dẫu có sắp phải chịu chết. Tôi, tôi rất hài lòng hả dạ đã có được một anh bạn chồn..."  
"Chú không ước độ nổi cái hiểm họa lù lù, tôi tự nhủ. Chú chẳng bao giờ đói, chẳng bao giờ khát, Một chút ánh trời đã đủ lắm với chú rồi..."  
Nhưng chú nhìn tôi và đáp lại ý tưởng của tôi:  
"Tôi cũng khát nước... ta đi kiếm một cái giếng..."  
Tôi làm một cử chỉ chán nản rạc rời: "Chạy tìm một cái giếng giữa mênh mông sa mạc, là một điều phi lý".  
Tuy nhiên chúng tôi cũng đứng lên bước đi.  
Khi chúng tôi đã bước đi, đi mãi hàng giờ, lặng lẽ, thì trời sập tối, và những ngôi sao khởi sự sáng. Tôi nhìn chúng như thoáng nhìn trong chiêm bao, tôi thấy hơi có cơn sốt trong mình, vì khát nước. Những lời của hoàng tử bé nhảy múa trong ký ức tôi:  
"Chú cũng khát nước nữa hả?" Tôi hỏi thế.  
Nhưng chú không đáp câu hỏi. Chú chỉ nói giản dị:  
"Nước có thể rất là tốt đối với trái tim..."  
Tôi không hiểu lời đáp đó nhưng tôi không nói gì... Tôi biết rằng không nên hỏi chú một chút gì hết cả.  
Chú đã mỏi. Chú ngồi xuống. Tôi ngồi một bên. Sau một lúc im lặng chú bảo:  
"Những ngôi sao đẹp lắm, ấy là bởi một đóa hoa mà ta không nhìn thấy..."  
Tôi đáp “hẳn nhiên" và lặng lẽ nhìn vào những nếp cát dưới ánh trăng.  
"Sa mạc đẹp lắm", chú nói thêm...  
Và quả thật là vậy. Tôi đã yêu sa mạc luôn luôn. Người ta ngồi trên một đụn cát. Người ta chẳng thấy gì hết. Người ta chẳng nghe gì hết. Tuy nhiên có cái gì lặng lẽ chiếu sáng liên miên.  
"Cái làm cho sa mạc đẹp ra", hoàng tử bé nói, "ấy là nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó..."  
Tôi bỗng ngạc nhiên chợt hiểu sự ngời sáng huyền bí nọ của cát. Thuở tôi còn bé, tôi đã ở trong một ngôi nhà cổ kính, và một truyền kỳ truyền lại rằng có một kho tàng chôn dấu tại đó. Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có kẻ nào khám phá ra kho tàng nọ. Và có lẽ cũng chẳng có ai tìm kiếm nó. Nhưng nó đã âm thầm làm cho toàn thể ngôi nhà trở thành huyền ảo. Ngôi nhà của tôi chứa chất một niểm bí ẩn ở trong đáy linh hồn của nó...  
"Ừ", tôi bảo hoàng tử bé, "dù là chuyện căn nhà, chuyện ngàn sao hoặc sa mạc, thì cái gì làm nên vẻ đẹp của chúng, cái đó vô hình!"  
"Tôi rất hài lòng thấy bác đồng ý với anh bạn chồn của tôi. "  
Hoàng tử bé ngủ rồi, tôi ôm chú vào trong cánh tay, và tiếp tục lên đường. Tôi cảm động. Tôi tưởng mình đang ôm một kho của quí mỏng manh. Tôi tưởng chừng không có gì mong manh hơn trên Trái Đất. Tôi nhìn dưới ánh trăng vầng trán xanh xao nọ, hai con mắt khép kín nọ, mấy mớ tóc run rẩy trước gió, và tôi tự nhủ: "cái ta thấy đó chỉ là một lớp vỏ thôi. Cái hệ trọng nhất, thì vô hình..."  
Thấy hai môi chú hé mở có dáng dấp một nụ cười, tôi tự nhủ thêm: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là hình ảnh một đóa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ...". Và tôi nhận thấy dường như chú còn mong manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn. Một cơn gió có thể làm cho tắt mất...  
Và, bước đi như vậy, tôi đã tìm thấy một mạch giếng vào lúc bình minh.  

Chương 4-4

"Người ta", hoàng tử bé nói, "người ta họ cuốn thân vào trong những chuyến xe tốc hành, nhưng họ không còn biết nữa cái điều mình tìm kiếm. Thế rồi họ loay hoay quẩn quanh mãi..."  
Và chàng nói thêm:  
"Đó chẳng đáng chi đâu mà nhọc sức."  
Cái giếng chúng tôi mò tới gặp được, chẳng giống những giếng khác trong Sahara. Những giếng nước trong Sahara chỉ là những cái lỗ đơn sơ đào trong cát. Cái giếng này lại giống một cái giếng nơi thôn ở xóm làng. Nhưng tại đây chẳng có thôn làng nào cả, và tôi tưởng mình đang chiêm bao.  
"Thật là kỳ dị", tôi bảo hoàng tử bé, "mọi sự sẵn sàng cả: bánh xe ròng rọc, cái gàu và sợi dây..."  
Chú cười, sờ vào sợi dây, nắm lấy và giật cho lăn bánh xe ròng rọc... Bánh xe ròng rọc rên siết một cái nghe như tiếng rên rỉ của một chiếc chong chóng cũ kỹ mòn mỏi đợi gió vắng thổi lâu ngày.  
"Bác nghe thấy không", hoàng tử bé nói, "chúng ta đánh thức cái giếng dậy, và nó ca hát đó..."  
Tôi không muốn chàng ta phải nhọc sức.  
"Để đó cho tôi", tôi bảo, "chú thì nhỏ, mà nó thì bự quá."  
Chậm rãi, tôi kéo cái gàu lên tới bên mép giếng. Tôi đặt nó nằm yên ổn vững chắc tại đó. Trong tai tôi như còn nghe ngân dài tiếng ca của bánh xe ròng rọc và trong bóng nước còn rung rinh tôi nhìn thấy mặt trời run rẩy.  

"Tôi khát thứ nước nọ", hoàng tử bé nói, "cho tôi uống đi..."  
Và tôi hiểu chàng đã từng tìm kiếm cái thứ gì!  
Tôi nâng cái gàu nước lên ngang miệng chú bé. Chú uống, hai mắt nhắm lại. Cũng êm ái dịu dàng như hội là lễ ấy. Cái nước đó quả là cái gì khác hơn cái món ăn món uống. Nước đó phát sinh từ trận bước đi dưới vòm trời sao sáng, từ điệu ca của bánh xe ròng rọc, từ cuộc gắng sức của hai cánh tay tôi. Nó tốt cho trái tim lắm đó, cũng như một tặng vật. Thuở tôi còn bé, màu ánh sáng cây Noel, tiếng âm nhạc mi xa bán dạ, mối dịu dàng trên những làn môi mỉm cười, đã từng làm nên cái rõi rạng ngời bờ bến của Tặng vật Noel mà tôi đã đón nhận cho tuổi thơ mình.  
"Những con người ta trong xứ sở của bác", hoàng tử bé nói, "họ trồng trọt năm ngàn đóa hồng mọc chung trong một thửa vườn... và họ chẳng tìm ra cái mà họ tìm kiếm."
"Họ chẳng tìm ra", tôi đáp...
"Ấy thế mà cái họ tìm kiếm rất có thể được tìm ra trong riêng chỉ một đóa hồng hoặc trong một tí nước giọt."  
"Hẳn thế", tôi đáp...  
Và hoàng tử bé nói thêm:  
"Nhưng con mắt nó mù. Phải tìm kiếm với cái trái tim. "  
Tôi đã uống. Tôi hô hấp tốt lành. Cát, lúc bình minh, màu hồng vàng của mật. Tôi sung sướng trở lại rồi với cái màu mật dịu dàng ấy. Tại sao còn phải khổ não làm gì nữa ở trong lòng của cái trái tim...  
"Bác cần phải giữ cái lời hứa", hoàng tử bé nói dịu dàng, và trở lại ngồi xuống bên cạnh tôi.  
"Lời hứa nào?"  
"Bác biết đó... một cái rọ bịt mõm cho con cừu của tôi... Tôi có trách nhiệm với cái đóa hoa đó!"  
Tôi rút trong túi áo ra những phác họa hình vẽ. Hoàng tử bé nhìn thấy thoáng một cái, thì cười một trận:  
"Những cây cẩm quỳ của bác, chúng hơi giống những búp su đấy..."  
"Ồ!"  
Tôi, tôi đã hãnh diện xiết bao với những cây cẩm quỳ của mình!  
"Con chồn của bác... những cái tai của nó... hơi giống những cái sừng một chút... và chúng dài quá đi!"  
Và chú ta cười nữa.  
"Chú bất công lắm, chú bé ạ, tôi chỉ có biết vẽ những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử mà thôi."  
"Ồ! không sao, cũng được đi cái đó, con trẻ thì chúng hiểu mà. "  
Vậy là tôi nguệch ngoạc một cái rọ bịt mõm. Và lòng tôi se lại lúc trao cái rọ cho chú:  
"Chú có những dự định gì tôi không rõ..."  
Nhưng chú không trả lời. Chú bảo:  
"Bác biết, cuộc rơi xuống Đất này... từ bữa tôi rớt xuống Trái Đất... mai đây là đầy năm..."  
Rồi, sau một lúc im lặng, chú nói thêm:  
"Tôi đã rớt xuống tại chỗ gần sát đây..."  
Và chú đỏ mặt.  
Và lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy một mối sầu kỳ quặc. Tuy nhiên tôi buột miệng hỏi:  
"Vậy thì không phải do tình cờ mà cái bữa sáng hôm đó tôi được quen biết chú, cách đây tám ngày, không phải tình cờ mà chú dạo gót một mình như vậy, xa hàng ngàn dặm những miền đất đai người ta ở! Chú đã bước đi tìm lại cái chỗ đã rơi xuống?"  
Hoàng tử bé lại đỏ mặt nữa.  
Và tôi nói thêm, ngập ngừng:  
"Có lẽ là bởi cái ngày kỷ niệm giáp năm?..."  
Hoàng tử bé đỏ mặt lần nữa. Chú chẳng bao giờ đáp những câu hỏi, nhưng, khi người ta đỏ mặt, cái đó có nghĩa là “vâng ạ", phải không?  
"A! Tôi sợ..."  
Nhưng chú đáp:  
"Bây giờ bác phải làm công việc đi. Bác phải quay trở lại với cái máy đi. Tôi chờ bác tại đây. Tối mai bác trở lại đây..."
Nhưng tôi không an lòng. Tôi nhớ lại con chồn. Người ta có thể sa vào trong từng cơn rơi lệ nếu người ta từng đã để cho một ai đó tuần dưỡng cõi lòng mình...  

Chương 4-5

Bên cạnh cái giếng có một bờ tường đổ nát. Khi tôi từ phi cơ quay trở lại tối hôm sau, tôi thấy thoáng hoàng tử bé ngồi ở bên kia, buông thõng hai ống chân xuống. Và tôi nghe chú nói:  
"Chú quên rồi sao?", chàng nói. "Không đúng hẳn là chỗ này!"  
Một giọng khác đáp lại:  
"Sao không! Sao không! chính là đúng cả ngày đó, tuy rằng cái chỗ không phải là đây..."  
Tôi tiến tới phía bờ tường. Tôi không nhìn thấy cũng không nghe ra kẻ lạ đó là kẻ nào. Tuy nhiên hoàng tử bé lại đáp trở lại:  
"... Hẳn nhiên. Chú sẽ thấy cái dấu chân tôi khởi từ chỗ nào trên mặt cát. Chú chỉ cần chờ tôi tại đó. Tôi sẽ tới đó đêm nay."  
Tôi còn cách bức tường hai mươi thước, và vẫn chẳng nhìn thấy gì hết.  
Hoàng tử bé nói thêm, sau một hồi im lặng:  
"Chú có nọc độc tốt đó chớ? Chú chắc chắn là không làm tôi đau đớn quá lâu?"  
Tôi dừng lại, lòng se thắt, nhưng vẫn không hiểu được.  
"Bây giờ chú hãy đi đi, chàng nói... tôi muốn tuột xuống trở lại!"  
Bây giờ tôi mới đưa mắt ngó xuống phía dưới hoàng tử bé, và tôi nhảy đánh thót một cái! Tại đó, một con rắn đang vươn mình lên hướng đầu về phía hoàng tử bé. Một con rắn trong cái loại rắn màu vàng rất độc, nó mổ một cái là kết liễu tính mạng người ta sau mười giây đồng hồ tíc tắc. Tôi vừa moi trong túi tìm cái khẩu súng sáu rút ra, vừa chạy nhanh tới, nhưng nghe tiếng chân động, con rắn đã nhẹ nhàng lướt vào trong cát, như một tia nước chìm tan, len lỏi mất tăm vào giữa những gạch đá văng vẳng một tiếng động ti ti như âm thanh kim khí...  

Tôi tới bờ tường vừa đúng lúc để đón nhận trong cánh tay mình thân chú hoàng tử bé bỏng, xanh xao trắng bạc như màu tuyết.  
"Hừ hừ! Cái chuyện làm như rứa đó là cái chuyện chi! Chú ăn nói cái chi, mà bữa nay lại đi ăn nói với rắn!"  
Tôi đã lột cái khăn choàng vàng óng mà chú liên miên quấn trên vai. Tôi đã đắp nước vào hai màng tai chú và bắt chú uống. Và bây giờ tôi không còn dám hỏi chú gì nữa cả. Chú nhìn tôi nghiêm trọng và đưa tay choàng qua cổ tôi. Tôi cảm thấy trái tim chú đập hổn hển như trái tim một con chim hấp hối khi bị viên đạn vào. Chú bảo tôi:  
"Tôi rất hài lòng cho bác đã tìm ra được cái vật thiếu mất đi mấy ngày rày ở trong cái máy của bác. Bác sắp có thể về lại quê nhà bác..."  
"Làm sao mà chú biết!"  
"Thì chính tôi đến tìm chú để báo tin rằng, bất ngờ hết sức, tôi đã thành công trong cái việc làm hì hục, may mắn một cách bất ngờ không tưởng tượng được."  
Chú không trả lời tôi, chỉ nói thêm!  
"Tôi cũng vậy, hôm nay, tôi trở về quê nhà..."  
Rồi ủ rũ:  
"Thật xa hơn nhiều lắm... Thật khó khăn hơn nhiều lắm..."  
Tôi cảm thấy rõ là có cái gì kỳ lạ đã xảy ra. Tôi ôm siết chú trong tay, mà vẫn tưởng như chú đang trôi tuột xuống một cái hố, và tôi chẳng có thể làm được gì hết để nắm giữ chú ở lại bên mình.  
Chú có cái nhìn trang trọng, chìm hút xa xôi:  
"Tôi có con cừu bác cho. Tôi có cái thùng cho con cừu. Và tôi có cái rọ bịt mõm..."  
Và chú mỉm cười ủ rũ.  
Tôi chờ rất lâu. Tôi cảm thấy thân chú dần dà ấm lên một chút:  
"Chú bé ạ, chú đã có sợ hãi..."  
Chú từng đã có sợ hãi, hẳn nhiên. Nhưng chú cười dịu dàng:  
"Tôi sẽ còn sợ hãi nhiều hơn nữa, đêm nay..."  
Lần nữa tôi cảm thấy tê cóng cả người vì linh cảm một cái gì bất khả vãn hồi đang xảy đến. Và tôi hiểu rằng mình không thể chịu đựng nổi cái ý tưởng sẽ chẳng bao giờ còn nghe nữa tiếng cười kia. Đối với tôi, tiếng cười đó cũng như nguồn giếng trong sa mạc.  
"Chú bé ngu ngơ lẩn thẩn ôi, tôi muốn còn được nghe chú cười nữa..."  
Nhưng chú bảo tôi:  
"Đêm nay, là giáp một năm. Ngôi sao của tôi sẽ sáng ở ngay bên trên cái chỗ mà năm ngoái tôi đã rớt xuống..."  
"Chú bé ngẩn ngơ ôi, có phải đó là một cơn ác mộng hay không, cái câu chuyện rắn, và hẹn giờ, và ngôi sao..."  
Nhưng chú không đáp câu hỏi của tôi. Chú bảo:  
"Cái cốt yếu, làm sao mà nhìn thấy với hai con mắt..."  
"Hẳn là như thế..."  
"Đó cũng như là chuyện đóa hoa. Nếu bác yêu một đóa hoa nằm ở trong một ngôi sao, thì ban đêm nhìn lên trời, thật là êm ái. Hết thảy các ngôi sao đều nở hoa."  
"Hẳn là như thế..."  
"Đó cũng như là chuyện nước. Nước bác cho tôi uống nghe róc rách giống như một thứ âm nhạc, do cái tiếng bánh xe ròng rọc và cái sợi dây... bác nhớ đó... trước thật tốt lành."  
"Hẳn là như thế..."  
"Ban đêm bác sẽ nhìn những ngôi sao. Ở quê nhà tôi, thì nhỏ lắm, tôi không chỉ dẫn cho bác ngó thấy được ngôi sao của tôi nằm tại chỗ nào. Như vậy kể cũng hay. Ngôi sao của tôi sẽ là một trong những ngôi sao đối với bác. Thì như thế, hết thảy những ngôi sao, bác sẽ thích nhìn... Hết thảy đều là bạn của bác. Và đây này tôi giao bác một tặng vật."  
Chú lại cười.  
"A! Chú bé ôi, chú bé ngẩn ngơ ôi, tôi muốn nghe tiếng cười ấy!"  
"Chính đó sẽ là tặng vật của tôi... đó sẽ là cũng như với nước..."  
"Chú có ý nói sao?"  
"Người thiên hạ có những ngôi sao không như nhau vậy. Đối với kẻ này du lịch thì ngôi sao là kẻ dẫn đường. Đối với kẻ kia, ngôi sao chẳng gì khác hơn là những đốm sáng li ti. Đối với những kẻ nọ bác học, ngôi sao là những vấn đề. Đối với người ắp phe, ngôi sao là những nén vàng. Nhưng hết thảy những loại sao đó đều câm. Bác, thì bác sẽ có những ngôi sao như của riêng của bác, không ai có được như thế..."  
"Chú bé có ý nói chi?"  
"Ngày sau, những lúc nào bác ngó bầu trời đêm đêm, vì bởi rằng tôi sẽ trú tại một ngôi sao trong đám sao xúm xít đó, vì bởi tôi sẽ cười ở trong một ngôi sao nào trong số đó, thì đối với bác cũng như là mọi ngôi sao cùng người lên tất cả. Bác ạ, bác sẽ có những ngôi sao thảy thảy biết cười!"  
Và chú cười nữa.  
"Và khi nào mai sau bác được an ủi (người ta sẽ được an ủi luôn luôn) bác sẽ hài lòng vì đã quen biết tôi. Bác sẽ luôn luôn là người bạn của tôi. Bác sẽ muốn cười với tôi. Và bác sẽ mở cánh cửa sổ ra đôi lúc, vậy đó, cho vui hứng hoan hỷ... đó thôi. Và những bạn hữu của bác sẽ ngạc nhiên nhìn thấy bác ngó trời mà cười. Thì bác sẽ bảo họ: "Ừ, những ngôi sao, những ngôi sao là cái gì như thế! Mà bởi đâu cái đó lúc nào cũng khiến cho tôi cười!". Và họ sẽ tưởng là bác điên. Thế thì té ra tôi sẽ chơi khăm bác một vố tệ hại thật..."  
Và chú cười nữa.  
"Thì cũng như là tôi đã cho bác một mớ những lục lạc, những chuông con viết cười, thay vì những ngôi sao..."  
Và chú cười nữa. Rồi trở lại nghiêm trang:  
"Đêm nay... bác biết đó... đừng có tới nhé."  
"Tôi sẽ không rời chú."  
"Tôi sẽ có vẻ như đau đớn... tôi sẽ có vẻ như là chết đi, có vẻ sơ sơ thôi. Vậy đó. Bác đừng tới coi làm chi, có đáng chi đâu..."  
"Tôi sẽ không rời chú"  
Nhưng chú bé lo âu.  
"Tôi nói vậy... ấy là bởi con rắn. Chẳng nên để nó mổ vào bác... Rắn, chúng nó độc ác lắm. Có thể cắn mổ người ta để mà chơi..."  
"Tôi sẽ không rời chú."  
Nhưng có cái gì làm chú bé an tâm:  
"Ấy nhưng thật rằng chúng không còn nọc độc nữa cho lần mổ thứ hai..."  
Đêm hôm đó tôi không nhìn thấy chú khởi sự lên đường. Chú đã thoát đi ra không tiếng động. Lúc tôi chạy theo kịp, thì chú bước đi một cách quyết định, bước đi nhanh. Chú chỉ nói:  
"A! bác lại tới rồi..."  
Và chú nắm lấy tay tôi. Nhưng chú còn bứt rứt:  
"Bác sai rồi đó. Bác sẽ khổ lòng. Tôi sẽ có vẻ như chết đi, và thật ra là không phải..."  
Tôi, tôi im lặng.  

"Nhưng sẽ cũng chỉ như một cái vỏ khô bỏ rớt lại. Đâu có chi buồn, những cái vỏ khô..."  
Tôi, tôi im lặng.  
Chú có ý chán nản một ít. Nhưng chú gắng nói thêm:  
"Sẽ ngộ nghĩnh lắm mà. Tôi nữa, tôi cũng sẽ nhìn những ngôi sao. Mọi ngôi sao sẽ là những cái giếng với một cái bánh xe ròng rọc hoen rỉ. Mọi ngôi sao sẽ rót nước cho tôi uống..."  
Tôi, tôi im lặng.  
"Sẽ thích thú lắm mà! Bác sẽ có năm trăm triệu cái chuông con, tôi sẽ có năm trăm triệu cái giếng..."  
Và chú, chú cũng im lặng, vì chú khóc...  
"Đó rồi. Để cháu bước một mình."  
Và chú ngồi xuống vì chú sợ.  

Chú nói nữa:  
"Bác biết đó... đóa hoa của tôi... tôi chịu trách nhiệm. Nó yếu ớt quá! Và ngây thơ quá. Nó có bốn cái gai nhọn chẳng ăn nhầm đâu vào đâu cả, thì làm sao mà tự bảo vệ được thân mình..."  
Tôi, tôi ngồi xuống vì tôi không có thể đứng được nữa. Chú bảo:  
"Đó... Thế là xong..."  
Chú ngập ngừng một chút, rồi đứng dậy. Chú bước một bước. Tôi, tôi không thể nhúc nhích nữa.  
Chỉ có thấy một thoáng chớp vàng lóe bên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng.


  
Chương 4-6

Và ngày nay, hẳn nhiên, đã sáu năm rồi... Tôi chưa lần nào kể lại chuyện này. Những bạn bè gặp lại tôi đã hài lòng thấy tôi thoát nạn mà trở về. Tôi buồn rầu nhưng tôi bảo họ: Ấy chỉ vì mệt mỏi...  
Bây giờ tôi thấy hơi an ủi. Nghĩa là... không hoàn toàn an ủi. Nhưng tôi biết rõ lắm là chú bé đã trở về tinh cầu mình, bởi vì lúc trời sáng, tôi không thấy tấm thân chú ở đâu. Tấm thân chẳng có chi nặng lắm... Và tôi thích lắng nghe tinh tú ban đêm. Ấy cũng như là năm trăm triệu chuông con lấp lánh dịu dàng reo...  
Nhưng rồi lại có một sự kỳ lạ xảy ra.  
Cái rọ bịt mõm mà tôi đã vẽ cho hoàng tử bé, tôi đã quên thêm vào cái đai da! Chú sẽ chẳng bao giờ cột được cái rọ vào mồm con cừu. Tôi tự hỏi: "Việc gì đã xảy ra trên tinh cầu của chú bé? Có thể rằng con cừu đã ăn mất đóa hoa..."  
Lúc thì tôi tự nhủ: "Chắc hẳn là không! Hoàng tử bé đêm nào cũng nhốt kín đóa hoa dưới bầu tròn bằng gương, và chú canh chừng kỹ lưỡng con cừu..." Thế là tôi sung sướng. Và mọi tinh tú dịu dàng cười.  
Lúc thì tôi tự nhủ: "Làm sao khỏi có một lúc nào đó người ta lơ đễnh, và chừng đó đủ rồi! Một đêm nào, chú đã quên cái bầu tròn, hoặc là con cừu đã mò ra không tiếng động..." Thế là những chuông con biến hết thành lệ!...  
Đó là một bí mật rất lớn. Đối với bạn, bạn cũng yêu hoàng tử bé, cũng như đối với tôi, không có gì của vũ trụ còn giống như nguyên, nếu một nơi nào đó, chẳng biết là đâu, một con cừu mà chúng ta không biết, đã có hay không, ăn mất một đóa hồng...
Bạn nhìn trời đi. Hãy tự hỏi: con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa? Và bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi xiết bao...  
Và không một người lớn nào sẽ hiểu rằng sự ấy có hệ trọng chi nhiều như thế!  
Cảnh đó đối với tôi là phong cảnh đẹp nhất và buồn nhất cõi thế gian. Đó cũng là cùng một phong cảnh với trang trước, nhưng tôi vẽ lại nó một lần nữa để chỉ cho bạn nhìn thật rõ. Chính tại đó là nơi hoàng tử bé hiện ra, rồi biến mất.  
Bạn hãy chăm chú nhìn phong cảnh ấy đi để có thể tin chắc là sẽ nhận ra được nó, nếu một ngày nào bạn sẽ du lịch sang Phi châu, trong sa mạc. Và nếu bạn có dịp đi ngang qua đó, tôi xin khẩn cầu bạn nhé, xin bạn đừng vội vã qua mau, xin chờ một chút, ở ngay dưới ngôi sao! Nếu lúc đó một đứa bé tới bên bạn, nếu có cười, nếu nó có mái tóc vàng, nếu nó không trả lời lúc người ta hỏi nó, thì bạn sẽ đoán ra nó là ai. Thì xin hãy độ lượng vui lòng chịu khó. Đừng để tôi phải buồn quá thế này: viết thư nhanh cho tôi, nhắn cho tôi biết rằng chú bé đã trở lại...



Phụ lục
Thơ

Trung Niên tặng Saint-Exupéry


Ngậm ngùi từ biểu ngôn trưng 

Âm dong tiếu mạo hình dung xa vời

(Mưa nguồn hòa âm 

Nhật ký Nguyễn Du)

  
Chút gọi là
 Giếng vàng cổ nguyệt vàng hoe 

Nằm im suốt cõi vắng hoe tâm hồn 

Chỉ sầu một chút cỏn con 

Ấy sầu riêng chút cỏn con gọi là

  
Bóng hồng và cánh hồng
 Bóng Hồng gieo bổng Cánh Hồng 

Bên Quần Thoa mỵ Bên Hồng Hộc tung 

Bên hồng quần bóng Liễu buông 

Bên hồng hoang Nhạn giũ buồn Thiên Nga

  
Bên vùng
 Bên vùng nước mọc lim dim 

Giữa đêm thuyền đắm mộng chìm thênh thang 

Luân hồi trở giấc dã man 

Lên mùa ngọc diện dã tràng thu thanh 

Bạch hồng hải điểu cầm canh 
Phường xuân dị biệt chưa thành lối đi

  
Hồi sinh
Thưa em đời rộng đang chìm 

Người trao kẻ giữ đứa tìm chưa ra 

Hồi sinh hồng lệ trao quà 

Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm em

(Ngàn thu rớt hột)


 *
 Đắm
 Thưa em đời rộng đang chìm 

Người trao người giữ đứa tìm chưa ra 

Giật mình lá cỏ tháng ba 

Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng 

Đứa tìm ngõ chạy lang thang 
Người trao đã chết theo tràng giang đi

  
Một chùm
 Một chùm lá một chùm cây 

Một chùm kết cụm mỏng dày ra bông 

Một chùm trái đỏ sương đồng 

Lắt lay cây giũ phiêu bồng nắng bay 

Chùm bông tuyết mỏng ngân dài 
Gieo vàng sa mạc vần xoay nghiêng mình.

  
Ngựa
 Ngựa lên đường một ngả ba 

Một dâng ngả bảy dàn xa ngả mười 

Một rừng chở biển rút lui 

Đầu dâng tóc rũ cho vui ý rừng 

Ngựa lên đường, ý rưng rưng 
Ngụ trong ý tứ ngựa mừng máu me 
Ngất trời rợp tạnh bóng khe 
Đầu dâng tóc lục cho khe gội vàng 
Ngựa lên đường rẽ lối ngang 
Ngụ trong ý ngựa dọc ngang tự mình 
Ngất trời dâu biển nín thinh 
Đầu dâng tóc loạn cho mình riêng vui 
Ngựa lên đường rẽ lối xuôi 
Ngụ trong ý ngựa trời vui hơn mình 
Dậy trời ngất tạnh điêu linh 
Đầu dâng tóc rối cho tình tự ren 
Ngựa lên đường biến ra hoa 
Ngụ trong ý ngựa hồn hoa dậy thì 
Loạn trời cuồng đất dại mây 
Đầu dâng tóc cụt cho ngây ngây người 
Ngựa lên đường ngựa mất chân 
Ngụ trong ý ngựa đất cần ngựa đi 
Song trùng non biển chia ly 
Đầu dâng tóc trục cho tỳ sương pha


Gò Công
 Gò Công nhớ phố thị này 

Ghi hình trùng ngộ dặm dài lang thang 

Một lầm hai lỡ giữa trang 

Còn trong ý gió lang thang bên ngoài 

Những ngày lạnh rớt phai phai 
Những ngày đầu ngõ vườn mai vắng người

  
Châu Đốc
 Một hôm ở giữa một vùng 

Một hàng cò trắng rẽ vào cụm mây 

Về sau sự huống khôn tày 

Đi về lãng đãng những ngày mù sương 

Bước xa bờ cỏ xa đường 
Cuối cùng lãng đãng về vườn mây bay

  
Em bé
 Nhớ ngày hành cước phương xa 

Gặp em bé nhỏ tên là lang thang 

Ngủ yên xó chợ đầu đàng 

Như đời ngủ giữa xó đàng biển dâu 

Một hôm sự huống đi về 
Trong cơn mộng dậy bên lề tang thương 
Cầm tay em bé vô thường 
Phất phơ rong ruổi dặm đường trùng lai 
Một hôm đường thấy xuôi dài 
Dòng xuôi lên ngược về ngay bên mình 
Cầm tay em bé thình lình 
Nằm yên ngủ giữa dị hình tang thương 
Một hôm tang hải lên đường 
Vấp chân người ngủ vô thường người nghe 
Cầm tay em bé cuối hè 
Đứng lên vỗ nhịp hội hè tang thương 
Yêu nhau dọc suốt dặm đường 
Chừng nghe dâu biển dặm đường đổi tên.  

Bùi Giáng 

(Gò Công Châu Đốc, Thu Đông 1973)



0 nhận xét:

Post a Comment