468x1000 Ads

Truyện

Hoàng Tử Bé: Chương 3

Hoàng tử bé




Chương 3-1

Tinh cầu thứ năm thật là rất lạ. Đó là tinh cầu bé bỏng nhất trong mọi tinh cầu. Chỉ vừa đủ chỗ cho một ngọn đèn lồng và cho một kẻ coi sóc thắp đèn. Hoàng tử bé không cách gì tự minh giải cho mình rõ sự vụ: trên một tinh cầu không nhà cửa, không dân cư, lưu lạc vật vờ giữa càn khôn man mác, thì một ngọn đèn lồng ở ngã ba đường không có ngã ba còn có thể phụng sự cho ai hoặc cho cái gì mới được? Tuy nhiên chàng tự nhủ:  


"Có lẽ rằng cái anh chàng này thuộc nòi phi lý máu xương. Tuy nhiên anh ta cũng không đến nỗi phi lý quá như ông vua, gã khoe khoang, ông làm áp phe và ông nhậu. Ít ra nữa thì công việc anh ta làm cũng còn có một chút ý nghĩa chi đó. Khi anh ta thắp ngọn đèn lồng thì cũng có thể gọi là làm một việc giống như làm nảy sinh thêm ra một cái ngôi sao nữa, hoặc một đóa hoa rạng rỡ nữa. Lúc anh ta tắt ngọn đèn thì cũng như là ru đóa hoa hoặc ngôi sao vào torng giấc ngủ. Đó là một công việc xinh xắn lắm vậy. Mà đã xinh, thì hẳn nhiên là hữu ích thật sự rồi vậy."  
Khi hoàng tử cập bờ tinh cầu, chàng kính cẩn chào người thắp đèn:  
"Xin chào ông ngày mới. Vì sao ông vừa tắt ngọn đèn lồng đi như rứa?"  
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp. "Chào chú ngày lành".  
"Hiệu lệnh là gì?"  
"Ấy là tắt ngọn đèn vậy. Chào chú đêm lành".  
Và anh ta thắp ngọn đèn lên.  
"Nhưng tại sao ông lại vừa thắp ngọn đèn trở lại?"  
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp.  
"Tôi không hiểu", hoàng tử bé nói.  
"Chẳng có gì để hiểu cả", người thắp đèn nói. "Hiệu lệnh là hiệu lệnh. Chào chú ngày lành".  
Và chàng ta tắt ngọn đèn lồng.  
Rồi chàng ta cầm lấy tấm mu xoa ca rô đỏ mà thấm mồ hôi trên trán.  
"Tôi làm một nghề kinh khủng đó chú thấy không. Xưa kia thì công việc cũng là hữu lý. Tôi tắt đèn buổi sáng, và thắp đèn lúc chiều hôm. Ngoài ra thì giờ còn lại của ban ngày thì tôi nghỉ ngơi, thì giờ còn lại ban đêm thì tôi yên ngủ..."  
"Và từ đó về sau, hiệu lệnh đã thay đổi?"  
"Hiệu lệnh không thay đổi", người thắp đèn bảo. "Đó là bi kịch! Tinh cầu mỗi năm mỗi quay nhanh chóng hơn, còn hiệu lệnh thì không thay đổi!"  
"Thế rồi?", hoàng tử bé nói.  
"Thế rồi tới ngày nay tinh cầu cứ mỗi phút là quay xong một vòng, thì tôi không còn một giây nghỉ ngơi. Mỗi phút tôi phải thắp lên và tắt xuống mỗi bận!"  
"Kỳ lạ thật. Mỗi ngày xứ anh chỉ có một phút!"  
"Chẳng có chi kỳ lạ hết", người thắp đèn bảo. "Từ lúc ta nói chuyện với nhau tới bây giờ, là một tháng tròn rồi đó."  
"Một tháng?"  
"Vâng. Ba mươi phút. Ba mươi ngày! Chào chú đêm lành".  
Và anh ta thắp ngọn đèn trở lại.  
Hoàng tử bé nhìn chàng và thấy yêu mến cái anh chàng thắp đèn này sao mà trung thành với hiệu lệnh đến thế... Hoàng tử nhớ lại những cơn mặt trời lặn, những trận tịch dương ngậm ngùi mà thuở xưa chàng đã xoay quanh ghế ngồi để tìm ngó. Chàng muốn giúp đỡ ông bạn thiết này:  
"Bác biết đó nhé... tôi biết một phương cách giúp bác nghỉ ngơi lúc nào bác muốn..."  
"Luôn luôn tôi muốn, người thắp đèn bảo. Bởi vì người ta có thể vừa trung thành vừa lười biếng."  
Hoàng tử bé tiếp:  
"Tinh cầu của bác nhỏ bé quá đến nỗi chỉ bước chơi ba bước là đi xong một vòng. Bác chỉ cần bước chậm chậm một chút là luôn luôn đứng dưới bóng mặt trời. Lúc nào bác muốn nghỉ ngơi thì bác bước bước đi... và tùy ý bác muốn bao nhiêu thì ban ngày sẽ kéo dài ra bấy nhiêu."  
"Cái đó chẳng giúp gì cho ta lắm đâu, người thắp đèn nói. Điều ta muốn trong đời, là ngủ."  
"Rủi thật", hoàng tử bé nói.  
"Rủi thật", người thắp đèn nói. "Chào chú ngày lành".  
Và chàng tắt ngọn đèn lồng.  
"Anh chàng này", hoàng tử bé tự nhủ khi tiếp tục cuộc hành trình, "anh chàng này sẽ bị mọi kẻ khác xem khinh, từ ông vua đến gã khoe khoang, ông nhậu, ông áp phe. Tuy nhiên, chính chàng mới là kẻ duy nhất mà ta thấy không lố bịch đó. Ấy có lẽ vì chàng bận tâm lo tới những gì khác hơn là chính bản thân mình."  
Hoàng tử thở dài luyến tiếc và tự nhủ thêm:  
"Chàng nọ là kẻ duy nhất mà ta có thể kết làm bạn thiết. Nhưng tinh cầu của y quả thật là quá bé. Không đủ chỗ cho hai người..."  
Điều mà hoàng tử bé không dám tự thú nhận với mình, ấy là: chàng luyến tiếc tinh cầu lai láng hạnh phúc kia nhiều nhất là bởi lẽ: tại đó trong khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chàng có thể hưởng được đến một ngàn bốn trăm bốn mươi cơn mặt trời lặn! [1]  
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ấy là ẩn ngữ mạt thể suy tư?
  
Chương 3-2

Tinh cầu thứ sáu là một tinh cầu rộng hơn gấp mười lần. Có một ông già cư trú, ông ta viết những cuốn sách thật bự.  

"Kìa một nhà thám hiểm!", ông ta thốt lớn khi thoáng thấy hoàng tử bé.  
Hoàng tử bé ngồi trên chiếc bàn, và thở có chiều hổn hển chút ít. Chàng đã du lịch nhiều biết mấy dặm đường!  
"Chú từ đâu tới?" cái ông cụ già hỏi.  
"Cuốn sách bự nọ là sách gì thế?". Hoàng tử bé hỏi. "Ngài làm chi tại đây?"  
"Ta là nhà địa lý", ông già nói.  
"Nhà địa lý là gì?"  
"Là một nhà bác học biết rõ biển khơi ở đâu, sông ngòi ở đâu, sa mạc ở đâu."  
"Cái đó nghe ra có mòi thích thú đấy, hoàng tử bé nói. Ừ! đó mới là nghề nghiệp đích thực đó."  
Và chàng đưa mắt ngó bốn xung quanh một cái, nhìn khắp quả tinh cầu của nhà địa lý. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một tinh cầu uy nghiêm thế này.  
"Thật là đẹp đó, cái tinh cầu của ông. Đây có đại dương không?"  
"Ta không thể biết được điều đó, nhà địa lý nói."  
"A!" (hoàng tử bé thất vọng). "Còn núi rừng?"  
"Ta không thể biết điều đó", nhà địa lý nói.  
"Còn những phố thị, còn những sông ngòi và sa mạc?"  
"Ta cũng không thể biết được nốt", nhà địa lý nói.  
"Nhưng ông là nhà địa lý kia mà!"  
"Cái đó đúng", nhà địa lý nói, "nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Nhà địa lý đâu có phải là kẻ kê khai toán định những phố thị, những sông ngòi, những núi rừng, những đại dương và những sa mạc. Nhà địa lý quan trọng lắm, đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm. Nhà địa lý chất vấn họ, và ghi vào sổ những kỷ niệm của họ. Và nếu những kỷ niệm của một kẻ trong bọn họ xem ra có vẻ đáng lưu tâm, thì nhà địa lý liền cho người đi mở cuộc điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm."  
"Để làm chi vậy?"  
"Bởi vì một nhà thám hiểm nếu rủi mà y nói dối một cái, thì có phải là tạo ra bao nhiêu nhào đổ đảo điên trong sách vở của nhà địa lý hay không? Và sự tình ngổn ngang cũng vậy, nếu nhà thám hiểm là một tay ghiền rượu."  
"Tại sao vậy?", hoàng tử bé hỏi.  
"Tại vì những bọn say rượu nhìn một ra hai. Do đó xui nhà địa lý lầm lạc theo, nhà địa lý ắt sẽ ghi hai ngọn núi tại một nơi chỉ có một ngọn núi mà thôi."  
"Tôi biết một kẻ", hoàng tử bé nói, "nếu y làm nghề làm hiểm thì hỏng bét".  
"Có thể lắm. Thế nên, khi mà đạo đức của nhà thám hiểm xem ra có bề tốt đẹp, thì người ta làm một cuộc điều tra về sự khám phá của y".  
"Người ta sẽ đi xem xét?"  
"Không. Như vậy phức tạp lắm. Người ta chỉ yêu cầu nhà thám hiểm đưa ra những bằng chứng. Nếu sự vụ vấn đề là sự khám phá một trái núi to, thì người ta đòi hỏi y mang về những hòn đá bự."  
Nhà địa lý đột nhiên có giọng kích động.  
"Nhưng còn chú bé, chú từ xa tới! Chú là một nhà thám hiểm! Chú hãy mô tả cho ta nghe tinh cầu của chú ra sao!"  
Và nhà địa lý, mở rộng cuốn sổ ra, cầm con dao gọt nhọn đầu cây bút chì. Ban đầu người ta ghi bằng bút chì những chuyện kể của những nhà thám hiểm. Người ta chờ đợi nhà thám hiểm đưa ra đủ bằng chứng rồi mới ghi lại bằng mực đen trên giấy trắng.  
"Thế nào?" nhà địa lý chất vấn. "Thế nào? Ta khởi sự chứ?"  
"Ồ! nơi xứ sở tôi", hoàng tử bé nói, "chẳng có gì ra trò, chẳng có gì đáng lưu ý lắm đâu, thật bé bỏng lắm. Tôi có ba ngọn hỏa sơn. Hai ngọn đương phun lửa, và một đã tắt. Nhưng ai biết đâu bao giờ."  
"Ai biết đâu bao giờ", nhà địa lý nói.  
"Tôi cũng có một đóa hoa."  
"Chúng ta không ghi chép hoa", nhà địa lý nói.  
"Nói nghe lạ chưa! Sao vậy? Hoa là cái xinh nhất!"  
"Nhưng vì hoa vốn là phù du".  
"Sao gọi là phù du? Phù du nghĩa là gì?"  
"Địa lý lục", nhà địa lý nói, "là những cuốn sách quý nhất trong mọi thứ sách. Chúng chẳng thể trở thành trần hủ, lỗi thời, quá mối bao giờ. Ít khi có cái sự vụ một ngọn núi dời chỗ, di lịch địa điểm. Rất ít khi một đại dương cạn ráo hết nước. Chúng ta viết, chúng ta ghi chép những sự vật thiên thu, những sự vụ vạn đại, những sự kiện vĩnh viễn muôn năm, trường tồn tuế nguyệt."  
"Nhưng những ngọn hỏa sơn đã tắt, bất ngờ có thể tỉnh giấc trở cơn, phun lửa trở lại, hoàng tử bé ngắt lời. Sao gọi là “phù du"?"  
"Dù hỏa sơn tắt, dù hỏa sơn phun lửa, thì cũng vậy thôi đối với thiên hạ, nhà địa lý học nói, cái đáng kể đối với chúng ta là trái núi. Trái núi thì không đổi dời."  
"Nhưng sao gọi là “phù du"?" hoàng tử bé lặp lại lần nữa, hoàng tử bé vốn là kẻ suốt đời không bao giờ đã chịu rút lui một câu hỏi, mỗi một khi đã nêu nó ra rồi.  
"Phù du có nghĩa là “bị đứng trước hiểm họa sắp điêu tàn tiêu diệt?"  
"Cố kỳ nhiên."  
"Đóa hoa của ta là phù du", hoàng tử bé tự nhủ, "và nó chỉ có bốn chiếc gai nhọn để tự bảo vệ tấm thân trước cõi đời! Thế mà ta đã nỡ bỏ nó lại một mình nơi quê ta!"  
Đó là niềm luyến tiếc ăn năn trở cơn lần thứ nhất trong tấm lòng hoàng tử bé, nhưng chàng thu lại can đảm:  
"Ngài khuyên tôi nên đi viếng gì bây giờ?", chàng hỏi.  
"Hành tinh Địa cầu, nhà địa lý đáp. Địa cầu có một tiếng tăm tốt lắm đó... Nghe nói đó là nơi thường xảy ra những sự vụ ly kỳ và thơ mộng phiêu bồng nhất vũ trụ."  
Và hoàng tử bé quay gót ra đi, mơ màng nghĩ tới đóa hoa cũ của mình.  

Chương 3-3

Tinh cầu thứ bảy vậy là trái đất.  
Trái đất không phải là một tinh cầu lai rai như những lai rai tinh cầu! Người ta đếm ra có tới một trăm mười một ông vua tại trái đất (cố nhiên không quên những ông vua da đen) bảy ngàn nhà địa lý, chín trăm ngàn nhà áp phe, bảy triệu rưỡi gã say ca múa cô đơn dưới nguyệt, ba trăm mười một triệu gã khoe khoang lố bịch, nghĩa là khoảng hai nghìn triệu con người lớn.  
Để cho các bạn có một ý niệm về kích thích Trái Đất, tôi sẽ nói rằng trước cuộc phát minh điện khí, người ta đã phải duy trì cấp dưỡng tại Trái Đất, trên toàn thể sáu châu, quả thật là cả một binh đoàn đích thực gồm bốn trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm mười một người thắp ngọn đèn lồng bên các vệ đường phiêu bồng bốn biển.  
Lùi khá xa mà ngó thì quả đó là một cảnh tượng huy hoàng. Những vận động của binh đoàn khổng lồ đó được điều chỉnh như những vận động của một vũ khúc ca kịch. Thoạt tiên là phiên những người thắp đèn lồng của Nouvelle Zélande và của Australie. Rồi sau khi đã thắp xong những ngọn đèn, thì bọn người này đi ngủ. Bấy giờ là tới lượt những người thắp đèn lồng của Trung Hoa và Sibérie bước vào cuộc vũ lộng. Rồi bọn này cũng biến lẩn đi trong những hậu phòng sân khấu. Lúc bây giờ là tới phiên những người thắp đèn lồng của nước Nga và Ấn Độ. Rồi tới phiên Nam Mỹ. Rồi Bắc Mỹ. Và không bao giờ bọn chúng nhầm lẫn lộn xộn trong thứ tự ra sân khấu trình diễn. Thật là vĩ đại nguy nga.  
Duy chỉ có người thắp ngọn đèn lồng duy nhất tại Bắc cực, và bạn đồng nghiệp thắp ngọn duy nhất tại Nam cực, là sống cuộc đời nhàn rỗi uể oải thong dong: mỗi năm chỉ làm việc hai lần.  

Chương 3-4

Khi người ta muốn mở cuộc tài khí, chơi cuộc tài tình, thì có lúc người ta phải gian dối chút ít. Quả thật là tôi không thật thà gì lắm, khi nói với bạn về những người thắp sáng đèn lồng. Tôi có thể gây một ý niệm sai lầm về địa cầu chúng ta cho những ai không biết nó. Con người choán rất ít chỗ trên mặt đất. Nếu cái số hai nghìn triệu dân cư trên địa cầu đứng sít lại bên nhau, như trong buổi mít tinh, thì họ có thể yên ổn đứng trong một khoảng vuông hai mươi cây số mỗi chiều. Ta có thể dồn toàn khối nhân loại về trên một hòn đảo nhỏ nhoi heo hút nào đó trong Thái Bình Dương.  
Những người lớn, cố nhiên, sẽ không tin lời anh. Họ tưởng mình choán nhiều chỗ lắm. Họ tưởng mình quan trọng như những cây cẩm quỳ. Anh hãy khuyên họ thử làm một phép tính. Họ chuộng con số lắm: điều anh đề nghị sẽ làm họ hài lòng. Nhưng bạn đừng để mất thì giờ với cái hình phạt nọ. Vô ích. Bạn tin cậy nơi tôi.  
Hoàng tử bé, một khi ghé địa cầu, đã ngạc nhiên vô cùng vì chẳng thấy bóng một ai cả. Chàng đã e sợ mình nhầm lẫn hành tinh, thì chợt thấy một cái vòng khoanh màu nguyệt bạch, rục rịch trong cát.  

"Chào chú đêm lành", con rắn nói.  
"Tôi đã rơi vào hành tinh nào đây vậy?", hoàng tử bé hỏi.  
"Vào trái đất, tại Phi Châu", con rắn đáp.  
"A!... thế thì té ra trên trái đất chả có một ai cả?"  
"Đây là sa mạc. Trong sa mạc không có người. Trái đất lớn lắm", con rắn nói.  
Hoàng tử bé ngồi xuống một hòn đá và ngước mắt nhìn lên trời:  
"Tôi tự hỏi, chàng nói, phải chăng các ngôi sao được soi tỏ là cốt để cho mỗi người có thể mai sau tìm thấy trở lại ngôi sao của mình. Hãy nhìn tinh cầu của tôi. Nó nằm ngay trên đầu tôi đó... Nhưng xa biệt xiết bao!"  
"Nó đẹp thật", con rắn nói. "Chú tới đây làm gì?"  
"Tôi gặp chuyện bối rối khó xử với một đóa hoa", hoàng tử bé nói.  
"A!" con rắn thốt.  
Và cả hai cùng im lặng.  
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé rốt cuộc lên tiếng trở lại. "Trong sa mạc kể cũng cô đơn thật..."  
"Tìm tới nơi chốn của con người", ta cũng vẫn cô đơn, "con rắn nói."  
Hoàng tử bé nhìn con rắn thật lâu rồi nói:  
"Ngươi thật là một con vật kỳ cục, ngươi mỏng manh như một cái ngón tay..."  
"Nhưng ta còn có quyền uy hơn ngón tay một ông vua", con rắn nói.  

Hoàng tử bé mỉm cười một cái:  
"Ngươi không quyền uy gì lắm đâu... ngươi cũng chẳng có chân... đi du lịch lai rai, ngươi cũng chẳng thể nào du lịch được..."  
"Ta có thể mang chú đi thật xa, còn hơn cả một chiếc tàu thủy", con rắn nói.  
Nó cuộn tròn thân quanh xương mắt cá hoàng tử bé, như một chiếc xuyến vàng:  
"Kẻ nào bị ta chạm nhẹ một cái, kẻ đó bị ta giao trả lại cho thớ đất mà nó đã từ trong đó rúc ra, con rắn nói thêm như thế. Nhưng chú thì trong sạch, và chú từ một ngôi sao mà xuống đây...  
Hoàng tử bé không trả lời gì.  
"Ta thấy ái ngại cho chú quá, chú yếu đuối xiết bao trên cái Trái Đất cứng như hoa cương thạch này. Một ngày nào nếu chú quá luyến tiếc tinh cầu của chú, thì ta có thể giúp chú. Ta có thể..."  
"Ồ! Ta rất hiểu", hoàng tử bé thốt, "nhưng tại sao ngươi cứ luôn luôn ăn nói bằng ẩn ngữ bí hiểm mãi như thế?"  
"Mọi ẩn ngữ, ta giải đáp được hết", con rắn nói.  
Và cả hai im lặng.  

Chương 3-5

Hoàng tử bé băng qua sa mạc và chỉ gặp một đóa hoa. Một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa nhỏ nhít tí tẻo.  
"Chào hoa ngày lành", hoàng tử bé nói.  
"Chào chú ngày lành", đóa hoa nói.  
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé lễ phép hỏi.  
Đóa hoa, vốn từng có thấy một đoàn lữ khách đi qua:  
"Ngươi ta? Hình như có chừng độ sáu, bảy chi đó. Cách đâu bao năm rồi, ta có thấy thoáng họ đi qua một lần. Nhưng làm sao mà tìm ra họ được. Gió đưa đẩy họ đi. Họ không có rễ, điều đó gây nên khó khăn bối rối cho họ rất nhiều."  
"Vĩnh biệt", hoàng tử bé thốt.  
"Vĩnh biệt", đóa hoa nói.  


Chương 3-6

Hoàng tử bé leo lên một ngọn núi cao. Những ngọn núi duy nhất mà chàng đã từng có biết là ba hỏa sơn sâu tới hai đầu gối chàng. Và chàng đã từng sử dụng ngọn hỏa sơn nguội như sử dụng một cái ghế con. “Từ một đỉnh núi cao như chóp núi này chàng tự nhủ, ta sẽ nhìn thoáng qua một cái là thấy khắp cả hành tinh, khắp cả mọi người..." Nhưng chàng chỉ nhìn thấy những chóp nhọn lởm chởm bén như đao.  

"Chào đó", chàng nói vu vơ khống khứ.  
"Chào đó... chào đó... chào đó...", tiếng vang đáp lại.  
"Các ngươi là ai?", hoàng tử bé hỏi.  
"Các ngươi là ai... các ngươi là ai... các ngươi là ai...", tiếng vang đáp lại.  
"Xin hãy là bạn thiết của ta, ta cô đơn lắm", chàng nói.
"Ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm...", tiếng vang đáp lại.  
“Hành tinh này sao mà kỳ cục thế!“, chàng tự nhủ. „Nó khô khan khô đét nó nhọn hoắt đắng cay, nó đìu hiu chát ngấm. Con người ở tại đây thì thiếu hẳn tưởng tượng. Ai bảo gì, thì chỉ biết lặp trở lại ba lần bốn lần cái điều họ bảo... Tại xứ sở mình, mình đã có một đóa hoa: bao giờ nàng cũng mở môi giật giành nói trước. Người ta chưa kịp mở miệng, thì nàng đã tuôn ra một tràng..."  

Chương 3-7

Nhưng rồi sau khi bước bước mãi xuyên qua những cát, những đá, những chỏm cứng, những cồn mềm, những gió lục, những nắng xanh, cuối cùng hoàng tử chợt thấy ra một con đường. Và mọi mọi con đường đều dẫn tới những con người ta.  
"Chào người đó", chàng bảo.  
Đó là một thửa vườn đầy hoa hồng nở.  
"Chào chú", những đóa hồng nói.  

Hoàng tử bé nhìn chúng, tất cả đều giống hệt đóa hoa của chàng. Chàng đờ đẫn kinh ngạc hỏi:  
"Các nường là ai?"  
"Chúng ta là những đóa hồng", những đóa hồng đáp thế.  
"A!" hoàng tử bé thốt...  
Và chàng cảm thấy vô cùng khổ sở. Đóa hoa của chàng từng đã kể lể rành mạch cho chàng rõ là nàng ta vốn là một cành thiên hương duy nhất trong chủng loại của nàng, một mình lộng lẫy nằm ở giữa vũ trụ bên cạnh càn khôn. Thế mà tại đây, coi kìa, có cả một loạt năm nghìn đóa, giống hệt như nhau, xum xít trong một thửa vườn xum xuê chật ních.  

"Nàng ắt sẽ phật ý bực mình lắm, chàng tự nhủ, nếu nàng nhìn thấy cái cảnh này... nàng ắt sẽ húng hắng ho tràn lan ra một cách thật đồ sộ và sẽ giả bộ chết đi để thoát khỏi lố bịch. Và ta ắt sẽ phải buộc lòng giả bộ chăm sóc nàng, bởi vì, nếu ta không làm thế, ắt nàng sẽ tự để cho thân nàng chết đi thật sự, để mà làm nhục ta, cho ta xấu hổ một phen..."  
Rồi chàng tự nhủ thêm: "Ta đã tưởng mình giàu sang vô hạn với một đóa hoa duy nhất, té ra mình chỉ có sở hữu một đóa hồng thông thường mà thôi. Té ra hoa của mình và ba ngọn hỏa sơn của mình sâu chỉ tới hai đầu gối của mình, và một ngọn thì có lẽ tắt ngấm vĩnh viễn, té ra mọi cái đó không đủ khiến cho ta thành một vị hoàng tử lớn lao chi cho lắm..." Và duỗi thân xuống cỏ, chàng nằm khóc miên man.  

Chương 3-8

Chính lúc đó hiện ra con chồn:  

"Chào chú", con chồn nói.  
"Chào chú", hoàng tử lễ độ đáp lại, "ngoảnh nhìn mà chẳng thấy chi hết."  
"Ta ở tại đây", giọng nói vẳng lên, "ta ở tại đây, dưới gốc cây táo..."  
"Chú là ai?", hoàng tử bé nói, "Chú xinh lắm đó..."  
"Ta là một con chồn", con chồn nói.  
"Hãy tới đây chơi với ta nhé", hoàng tử bé đề nghị. "Ta buồn quá đỗi..."  
"Ta chẳng thể chơi đùa với chú được", con chồn nói. "Ta chưa được tuần dưỡng nên tính khí chưa thuần".  
"A! xin lỗi nhé", hoàng tử bé thốt.  
Nhưng, sau cơn suy ngẫm, chàng nói thêm:  
"Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"  
"Chú không phải người của xứ này", con chồn nói, "chú tìm kiếm chi đây?"  
"Ta tìm kiếm con người", hoàng tử bé đáp. "Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"  
"Con người", con chồn nói, "con người họ có những khẩu súng và họ đi săn bắn. Thật là điều rầy rà lắm đó. Họ cũng nuôi những con gà mái tơ nữa. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa nơi xứ sở con người... Gà mái ôi! Gà mái tơ hơ hớ... Chú đi tìm gà mái đó ư?"  
"Không", hoàng tử bé đáp. "Ta tìm kiếm những người bạn thiết. Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"  
"Đó là một điều bị quên lãng quá nhiều", con chồn đáp: "Đó có nghĩa là tạo nên những mối liên lạc..."  
"Tạo nên những mối liên lạc?"  
"Hẳn thế, con chồn nói. Đối với tôi, chú hiện giờ chỉ là một đứa trẻ giống y như trăm nghìn đứa trẻ bé khác. Và ta không cần thiết gì tới chú. Và chú cũng chẳng cần gì tới ta. Đối với chú, ta chỉ là một con chồn lũi lang thang như trăm nghìn con chồn lũi phất phơ phiêu hốt dưới sương trời lỗ đỗ thế thôi. Nhưng nếu chú tuần thiện dưỡng ta, thì chúng ta sẽ cần tới nhau. Chú sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với ta. Ta sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với chú..."  
"Ta bắt đầu hiểu rồi đó", hoàng tử bé nói. "Có một đóa hoa... ta tưởng nàng đã tuần dưỡng ta..."  
"Có thể lắm, con chồn nói. Trên Trái Đất, thấy xiết bao là sự vật... vạn chủng thiên ban..."  
"Ồ! không phải ở trên Trái Đất", hoàng từ bé nói.  
Con chồn có vẻ động tính hiếu kỳ:  
"Ở trên một hành tinh khác?"  
"Ừ."  

"Có những kẻ đi săn, trên hành tinh ấy?"  
"Không."  
"Mọi sự, chẳng có một cái gì là hoàn hảo", con chồn thở ra một cái.  
Nhưng con chồn trở lại với ý tưởng của nó:  
"Đời ta tẻ nhạt. Ta đuổi bắt những con gà mái, loài người đuổi bắt ta. Mọi con gà mái đều giống nhau, và mọi con người đều giống nhau (dù là người phồn hoa rực rỡ, dù là người phố thị đìu hiu...). Vậy nên ta có u sầu chán ngán đôi chút. Nhưng, nếu chú tuần dưỡng ta, cuộc sống của ta sẽ sáng sủa ra, kể như có bóng mặt trời chiếu vào vậy. Ta sẽ biết một tiếng động của một bàn chân bước đi, nghe khác hẳn mọi tiếng chân bước khác. Những bước chân khác khiến ta chui vào hang trong đất. Bước chân của chú lại gọi ta ló đầu ra ngoài hang nghe như âm thanh một giọng nhạc. Và này coi kìa! Chú thấy ở đằng xa kia kìa những cánh đồng lúa mì đó chớ? Ta không ăn bánh mì. Lúa mì đối với ta vô dụng. Những cánh đồng lúa mì chả có nhắc nhở ta cái gì ráo. Và cái điều đó, thật đáng buồn! Nhưng chú có những sợi tóc màu vàng óng. Vậy nên sự vụ sẽ trở thành huyền diệu, một khi chú đã tuần dưỡng ta xong! Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú. Và từ đó ta sẽ yêu dấu tiếng gió thổi thánh thót trong lúa mì hiu hiu..."  
Con chồn dừng lại và nhìn thật lâu hoàng tử bé:  
"Nếu chú vui lòng... hãy tuần dưỡng ta đi!"  
"Ta muốn lắm", hoàng tử bé đáp, "nhưng ta không có thì giờ nhiều. Ta còn phải kiếm những bạn thiết, khám phá thêm, còn nhiều sự vật phải tìm hiểu biết."  
"Người ta chỉ hiểu biết những sự vật được người ta tuần dưỡng", con chồn nói. "Con người ngày nay không còn thì giờ để hiểu biết gì hết. Họ mua những đồ vật làm sẵn ở tại chợ, nơi những người lái buôn chuyên bán những bạn thiết, nên con người không có nữa những bạn thiết. Nếu chú muốn có một bạn thiết, hãy tuần dưỡng ta đi!"  
"Phải làm sao?", hoàng tử bé hỏi.  
"Phải hết sức nhẫn nại", con chồn đáp. "Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận. Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút..."  
Ngày hôm sau, hoàng tử bé trở lại.  
"Tốt hơn là nên trở lại vào cái giờ của bữa trước, một giờ nhất định, con chồn nói. Nếu chú đến, chả hạn, vào lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng. Rồi giờ khắc càng tiến tới gần thêm, ta sẽ càng tăng thêm sung sướng. Tới bốn giờ chiều thì, ha! ta loay hoay, e ngại, ta ngồi đứng không an; ta sẽ khám phá được ý nghĩa vô ngần hắt hiu của phù du mênh mông hạnh phúc! Nhưng nếu chú tới bất kể lúc nào, thì ta sẽ chẳng biết đâu vào đâu mà mò ra cho đúng cái giờ phải chuẩn bị cho cái trái tim, cái phút phải vận y phục vào cho cái cõi lòng đón chào tươm tất... Cần phải có những nghi thức mơ mộng, những điển lễ phôi pha."  
"Sao gọi là điển lễ?", hoàng tử bé nói.  

"Đó cũng lại là một cái gì bị quên lãng đi nhiều quá", con chồn nói. "Điển lễ, nghi tiết, là cái gì làm cho cái ngày này nó không giống mọi cái ngày khác, nó làm cho cái một giờ này không giống cái mọi giờ khác. Có điển lễ, chả hạn, nơi những người đi săn. Chúng nó khiêu vũ cới gái thôn làng ngày thứ năm. Thế là ngày thứ năm là ngày huyền diệu! Ta sẽ đi dạo mon men tới tận mép đồng nho. Còn nếu bọn đi săn mà khiêu vũ bất cứ lúc nào, thì mọi mọi ngày ngày ngày sẽ giống hệt như nhau, và ta sẽ không có buổi nghỉ ngơi, không có giờ hội hè hoan lạc."  
Và thế đó, hoàng tử bé khởi sự tuần dưỡng con chồn. Và lúc tới giờ sắp từ giã:  
"A!", con chồn nói, "Ta sắp khóc mất rồi..."  
"Đó là lỗi tại chú, ta không có ý đem lại khổ tâm cho chú, nhưng vì chú đã muốn rằng ta tuần dưỡng thiện dụ chú..."  
"Hẳn nhiên", con chồn nói.  
"Thế thì chú chả có được lợi gì hết trong vụ này!"  
"Trong vụ này ta được lợi đó", con chồn nói, "ấy bởi cái màu lúa mì."  
Rồi nó nói thêm:  
"Hãy về nhìn lại những đóa hồng đi. Chú hiểu rằng riêng cái đóa hồng của chú là đóa hoa duy nhất trong cõi hồ sơn. Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt. Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân..." Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu. Chú sẽ trở lại vĩnh biệt ta, và ta sẽ biếu chú một bí ẩn để làm quà."  
Hoàng tử bé quay gót đi nhìn lại những nụ hồng:  
"Các nàng không có gì giống đóa hồng của ta, các nàng hiện chẳng là cái gì ráo, chàng bảo những đóa hồng như vậy. Chẳng có ai đã tuần dưỡng các nàng và các nàng cũng chẳng có tuần dưỡng ai cả. Các nàng cũng như con chồn của ta trước đây. Trước đây nó chỉ là một con chồn giống trăm nghìn con chồn khác. Nhưng ta đã biến nó nên bạn thiết của ta, và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Lâm Xuân hồi khan Thanh Cấm Nguyệt (!)"  
Và những nụ hồng thật đã rất mực bực lòng bối rối.  
"Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong", chàng còn nói thêm như thế. "Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi ví chính nó đã được ta bắt sâu, tỉa bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than van, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im căm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ."  
Và chàng trở lại với con chồn:  
"Vĩnh biệt chồn nhé", chàng nói...  
"Vĩnh biệt chú đó", chồn nói. "Đây là điều bí ẩn. Thật rất đơn sơ: người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt."  
"Cái tinh thể cốt thiết, nó vô hình đối với hai con mắt", hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.  
"Chính cái thì giờ chú đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của tô"i... hoàng tử lặp lại, để ghi nhớ về sau.  
"Con người đã quên chân lý đó", con chồn nói. "Nhưng chú chớ nên quên. Chú trở thành có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã một lần tuần dưỡng một phen. Chú có trách nhiệm với đóa hồng của chú."  
"Tôi có trách nhiệm với đóa hồng của tôi"... hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.  


0 nhận xét:

Post a Comment